xuân

Thúc đẩy thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc

(Chinhphu.vn) - COP 16 với chủ đề "Đất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta" (Our land. Our future) được kỳ vọng trở thành một cột mốc quan trọng và khoảnh khắc đột phá để nâng cao tham vọng toàn cầu, đẩy nhanh hành động về khả năng phục hồi đất đai và hạn hán thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm.

Thúc đẩy thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp Quốc- Ảnh 1.

Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Mira Lee, Thứ trưởng Lâm nghiệp Hàn Quốc - Ảnh: Cục lâm nghiệp

Từ ngày 02-13/12/2024, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị các bên tham gia thực hiện Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hợp quốc lần thứ 16 (COP 16) tại Riyadh, Ả rập Xê út.

Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 30 năm của Công ước Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD), cũng là hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của Liên Hợp Quốc cho đến nay.

Ông Ibrahim Thiaw, Tổng Thư ký UNCCD cho biết các chủ đề về đất đai và hạn hán hiện là trung tâm của nhiều cuộc thảo luận quan trọng, không chỉ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà còn tại Hội nghị G20, G7, BRICS, Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đồng thời khẳng định, khôi phục đất đai là một trong những công cụ hiệu quả nhất để giải quyết những thách thức lớn của thời đại như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư cưỡng bức, và thậm chí là bất ổn toàn cầu. Khôi phục đất đai là bảo vệ môi trường, mà còn là bảo vệ nền kinh tế, an ninh và nhân loại của chúng ta. Tổng Thư ký UNCCD bày tỏ hy vọng hội nghị lần này sẽ được ghi nhận là sự kiện đưa ra các quyết định mang tính bước ngoặt trong việc giải quyết vấn đề hạn hán.

Bà Amina J. Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh 40% diện tích đất trên thế giới đang bị suy thoái và kêu gọi COP 16 ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế để đảo ngược tình trạng suy thoái đất và thúc đẩy phục hồi các vùng đất bị thoái hóa; đẩy mạnh nỗ lực phục hồi, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững; và ưu tiên đầu tư tài chính vào việc chống hạn hán và sa mạc hóa.

Đại diện các khu vực, các nước tham gia UNCCD, các tổ chức quốc tế cũng phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, phục hồi nâng cao sức sản xuất của đất, cũng như sự cần thiết phải tăng cường sự hợp tác quốc tế, chuyển giao tri thức, công nghệ, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để nâng cao khả năng chống chịu với hạn hán và suy thoái đất.

Trong khuôn khổ COP 16, Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với bà Mira Lee, Thứ trưởng Lâm nghiệp Hàn Quốc để trao đổi và thúc đẩy hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong lĩnh vực trổng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các hoạt động liên quan đến lâm nghiệp. Đoàn Việt Nam cũng có các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với các nước và các đối tác liên quan về các giải pháp thúc đẩy sử dụng đất nông lâm nghiệp bền vững nhằm chống sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán.

Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) là khuôn khổ ràng buộc pháp lý duy nhất được thiết lập nhằm giảm thiểu tác động của tình trạng suy thoái đất, bảo vệ đất đai, giải quyết tình trạng sa mạc hóa và tác động của hạn hán. Công ước có sự tham gia của 197 Bên, bao gồm 196 quốc gia và Liên minh Châu Âu.

Công ước kêu gọi sự chung tay của các chính phủ, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, khu vực tư nhân và cộng đồng một tầm nhìn chung nhằm khôi phục và quản lý đất đai của thế giới. Công việc này rất quan trọng để đảm bảo tính bền vững của hành tinh và sự thịnh vượng cho các thế hệ tương lai.

Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) là tiếng nói toàn cầu về đất đai và là một trong ba hiệp ước chính của Liên hợp quốc được gọi là Công ước Rio, bên cạnh Công ước chống biến đổi khí hậu và Công ước đa dạng sinh học.

Năm 2024 là kỷ niệm 30 năm thành lập UNCCD và cũng là năm đầu tiên COP được tổ chức tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi trực tiếp chứng kiến, chịu ảnh hưởng những tác động của sa mạc hóa, suy thoái đất đai và hạn hán.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
 
Tham khảo thêm
 
Tham khảo thêm
1/3 thế giới sẽ phải sống với nhiệt độ như vùng sa mạc?1/3 thế giới sẽ phải sống với nhiệt độ như vùng sa mạc?