xuân

Thể thao giúp trẻ em phát triển toàn diện

Nhịp Sống Sài Gòn

Giai đoạn 6 - 12 tuổi là thời điểm vàng để trẻ phát triển tầm vóc, thể lực và kỹ năng. Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh chưa biết “tận dụng” khoảng thời gian quý giá này của con em mình.

Từng nhắc đến tầm quan trọng của GDTC, thể thao cho trẻ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định: làm tốt hoạt động GDTC trong nhà trường sẽ mang lại “tác động kép”: Một mặt nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho HS nhưng mặt khác giúp các em vui tươi hơn, tăng tính chủ động. Thời gian học sinh ngồi trên ghế nhà trường được xem là “giai đoạn vàng” của GDTC. Nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất ngay từ các cấp học đầu đời, sẽ đỡ rất nhiều cho xã hội sau này.

Vì sao mẹ cần cho con sớm tập thể thao?

Tại talkshow trực tuyến “Dạy con toàn diện qua việc tập thể thao”, Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết: Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới hơn 10cm, lần lượt là 13,1cm và 10,7cm.

Các khách mời chia sẽ tại buổi Tại talkshow trực tuyến

Sức khỏe của trẻ em Việt gặp phải 2 vấn đề về rối loạn dinh dưỡng: một là suy dinh dưỡng, thấp còi (rối loạn thiếu), hai là thừa cân béo phì (rối loạn thừa). 2 nguyên nhân khiến rối loạn dinh dưỡng đang tăng lên: chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực.

Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa đặt việc rèn luyện thể chất làm mối quan tâm hàng đầu. Các bà mẹ thường nghĩ bé 5-7 tuổi còn quá nhỏ nên chưa cần thiết chơi thể thao, chỉ cần tham gia các trò chơi, chạy nhảy hằng ngày. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em nên vận động 120 phút mỗi ngày, trong đó, có ít nhất 60 phút hoạt động thể lực từ trung bình đến mạnh với các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, bơi lội... Vì các vận động nhẹ như đi lại, di chuyển đồ đạc... không đủ. Trẻ cần chơi thể thao hơn 3 lần một tuần mới hình thành thói quen và đạt hiệu quả.

Cựu tuyển thủ số 1 Việt Nam – Lê Công Vinh chia sẻ thêm: “Từng có thời gian đi Nhật Bản, Bồ Đào Nha để tham khảo xây dựng học viện bóng đá tại Việt Nam, Vinh thấy lịch sinh hoạt của các bé từ 5 - 10 tuổi đều dành ra ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động ngoài trời cùng nhau. Đối với phụ huynh ở Nhật Bản, họ không ngại khi các con bị ốm, bị bệnh. Vì khi ốm các con sẽ chống chọi được virus và vượt qua, sau đó sẽ không bị cảm nữa. Đã đến lúc phụ huynh Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ về tập luyện thể thao để con trẻ được khỏe mạnh hơn”.

Phát triển chuỗi thể thao học đường cho trẻ em Việt

Có một thực trạng chung hiện nay, các sân chơi thể thao phù hợp dành cho trẻ vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Đây cũng là một rào cản khiến nhiều phụ huynh ngần ngại để trẻ tiếp cận với việc tập luyện thể thao. Tuy nhiên, những nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã dần dần lấp đầy những lỗ hổng này.

Công Vinh chia sẻ: “Một tín hiệu vui là chúng ta đang cố gắng phát triển nhiều sân chơi, nhất là các học viện về bóng rổ, bơi lội, bóng đá… từ trong trường học đến các CLB TDTT của quận huyện, giúp các con có nhiều lựa chọn hơn. Chương trình thể thao học đường với sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp cũng giúp trẻ có nhiều cơ hội rèn luyện thể thao hơn”.

Cực tuyển thủ Lê Công Vinh chia sẻ tại tại talkshow trực tuyến

Theo đó “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong giai đoạn 2011-2030” (Đề án 641) do Bộ GĐ&ĐT và Tổng cục TDTT cùng Nestlé MILO đã phát động chương trình “Năng Động Việt Nam” để trẻ có sân chơi phát triển trí lực toàn diện thông qua các môn thể thao như: bóng đá, bóng rổ, bơi lội, Aerobic, Ngày hội đi bộ, Thể dục đồng diễn… tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Với hạn chế của các CSVC thể thao hiện nay, việc khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể thao này ngay tại trường học là một giải pháp lý tưởng để nuôi dưỡng một một thế hệ Việt Nam năng động và khỏe mạnh hơn.

Để con hiểu được giá trị của thể thao

Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, trẻ em lứa tuổi 6-12 có diễn ra sự phát cảm vận động – trẻ yêu thích và hứng thú với các hoạt động thể chất. Tuy nhiên, vẫn có những trẻ trong độ tuổi này “lười’ tập thể thao và điều đáng ngạc nhiên là nguyên nhân có khi xuất phát từ…ba mẹ.

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A chia sẻ: Ba mẹ nên đồng hành cùng con trong việc rèn luyện thể thao. Để con hứng thú ba mẹ cần có sự hướng dẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ, hãy để con được chọn môn thể thao mình thích.

Quá trình theo đuổi một môn thể thao dạy cho con tính bền bỉ, kiên nhẫn, tinh thần dám làm đến cùng những nhiệm vụ của mình. Khi đứa trẻ cảm nghiệm được tất cả những điều đó, con sẽ cảm thấy rất tuyệt vời và sẽ thấy rằng con tập thể thao là vì chính con chứ không phải vì ba mẹ hay cho giống bạn bè.

Giai đoạn 6 - 12 tuổi là thời điểm vàng để trẻ phát triển tầm vóc, thể lực và kỹ năng

MC Thanh Thảo cũng chia sẻ cách đã giúp bé Dâu thích thể thao như thế nào. Thanh Thảo chia sẻ: “Điều qua trọng là mình luôn “lôi kéo” con cùng tham gia, để con thấy rằng mẹ cố gắng 1 phần, con cố gắng 1 phần. Con bơi bao nhiêu vòng, con chạy bộ được bao xa. Hãy đưa ra những con số cụ thể để trẻ phải biết theo đuổi quyết tâm, kiên nhẫn. Từ đó trẻ sẽ học được tinh thần dám làm đến cùng những nhiệm vụ của mình.”

Việc cha mẹ cùng con rèn luyện thói quen luyện tập thể thao cũng là cách đồng hành thông minh, ngoài việc tạo môi trường cho con phát triển hoàn thiện, còn là cơ hội giúp các bậc phụ huynh hiểu và gần gũi với con trong quá trình con lớn lên. Cha mẹ hãy tin rằng, tìm cho con tình yêu với thể thao, thể thao sẽ dạy con nhiều kỹ năng sống quý giá, giúp trẻ thành công hơn trong cuộc sống và trở thành "nhà vô địch" thật sự. Đó chính là niềm tin của Nestlé Milo.

Nam Khánh/ GDTĐO