xuân

Thành viên kín tiếng góp mặt trong HĐQT của Bamboo Airways từng là ”ông bầu” của Sài Gòn FC

Ngày 21/6, tại Hà Nội, Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Đại hội đại cổ đông (ĐHĐCĐ). Đại hội đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023 - 2028, bao gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm, ông Trần Hoà Bình, ông Hideki Oshima, ông Phan Đình Tuệ, bổ sung và thay thế cho các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã từ nhiệm trước đó.

7 thành viên mới của Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023- 2028 ra mắt Đại hội Đại cổ đông Bamboo Airways.

Trong số những cái tên xuất hiện trong HĐQT của Bamboo Airways nhiệm kỳ này, ông Trần Hòa Bình là một gương mặt khá mới mẻ và không được giới thiệu nhiều thông tin. Sau khi ông Bình lộ diện cùng dàn lãnh đạo mới, nhiều người đã nhận ra ông chính là cựu Chủ tịch Sài Gòn FC, hay còn được gọi với tên thân mật là "bầu" Bình.

Ông Trần Hòa Bình. Ảnh: Báo Pháp luật thành phố HCM

Khoảng cuối năm 2020, sau một mùa giải tiếp quản và đứng sau những thành công khó tin của CLB Sài Gòn, ông Trần Hòa Bình (hay còn gọi là Bầu Bình) đã bắt đầu lộ diện với tư cách là CEO, đồng thời là Chủ tịch đội bóng.

Trong một bài phỏng vấn, ông Bình từng chia sẻ tình yêu mãnh liệt với bóng đá khi nói, sẽ làm bóng đá Sài Gòn đến hơi thở cuối cùng, nói được làm được chứ không phải để cho vui.

Ông bầu sinh năm 1975 này cùng với các ông Nguyễn Cao Trí, Hồ Quốc Minh cùng các cộng sự quyết tâm đầu tư mạnh vào đội bóng thể hiện qua nhiều nước đi căn cơ và táo bạo.

Bầu Bình trả lời báo Thanh niên: "Đối với tôi, thứ tự ưu tiên khi đầu tư vào bóng đá là giá trị chứ không phải thành tích. Trong bóng đá có lúc thắng lúc thua, có lúc cao trào vui vẻ và cũng có lúc đau khổ buồn bã. Nhưng tôi xem đó chỉ là khoảnh khắc, con đường mà tôi muốn đi đó là xây dựng những giá trị văn hóa trong thể thao. Ðiều đầu tiên là phải xây dựng nền móng lâu dài" .

Ông Trần Hòa Bình có 23 năm học tập, làm việc tại Nhật Bản nên đã mang tinh thần Nhật Bản vào xây dựng Sài Gòn FC theo mô hình CLB chuyên nghiệp của J-League. Ông tạo tiếng vang trong cộng đồng Nhật Bản lẫn người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi có những bước đi căn cơ như hợp tác với các CLB Nhật Bản là FC Tokyo ở J-League 1, Ryukyu ở J-League 2, 1 đội ở J-League 3 (sắp công bố).  Bình còn mời chuyên gia giỏi từ Nhật Bản sang giúp phát triển Sài Gòn FC, mời dàn cầu thủ Nhật Bản, trong đó có cựu ngôi sao Daisuke Matsui để từng bước J-League hóa. Song song đó ông còn mở đường cho cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản thi đấu…

Lý giải những bước đi trên, bầu Bình nói trên tờ The Nikkei: “ Tôi muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi cũng có học viện bóng đá của riêng mình, tuy nhiên phải mất từ 5 đến 10 năm mới có thể gặt hái thành quả. Việc tích lũy kinh nghiệm thi đấu tại J-League sẽ giúp nâng cao trình độ các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam. Chúng tôi muốn các cầu thủ thấm nhuần các tiêu chuẩn luyện tập cũng như văn hóa của Nhật Bản, đó cũng là lý do tôi giao cho ông Shimoda (cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Nhật Bản) trách nhiệm huấn luyện Sài Gòn FC ".

Năm thứ hai của Sài Gòn FC, bầu Bình cho biết chọn xây dựng thứ tự ưu tiên là con người, cơ sở vật chất, đối tác chủ lực, hệ thống và quy trình, cuối cùng mới là thành tích (nếu có). Đối với ông, thắng thua trong bóng đá là chuyện bình thường, hạnh phúc hay đau khổ chỉ là khoảnh khắc.

Ông Bình nhấn mạnh, cái chính ông muốn mang lại cho bóng đá Sài Gòn là một giá trị có tính chất bền vững, theo tinh thần võ sĩ đạo Samurai nói là làm với thanh gươm huyền thoại “chém” một cách quyết đoán.

Bầu Bình (giữa) và bầu Minh (phải) với ông Fujiwara Kenzo, Giám đốc kinh doanh toàn cầu FC Tokyo tại Học viện bóng đá FC Tokyo. Ảnh: Báo Pháp luật TP

Tuy rất tâm huyết nhưng sau 2 mùa giải thi đấu không thực sự thành công của đội bóng này khi theo mô hình J.League, ngày 30/08/2022, Chủ tịch Trần Hòa Bình đã xin từ chức, chuyển giao quyền điều hành CLB cho ông Nguyễn Thái Phiên - phó tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính của tập đoàn NovaGroup.