Các đơn vị gửi hồ sơ gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM.
Trong số 33 bản mẫu sách này, môn có nhiều bản mẫu nhất là Tiếng Anh với 8 bản, tiếp đó là môn Toán với 4 bản; các môn còn lại gồm: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên-Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu.
Hồ sơ đề nghị thẩm định bản mẫu sách giáo khoa của các nhà xuất bản đã được Vụ Giáo dục Tiểu học tổ chức rà soát, khẳng định tính đầy đủ, hợp lệ.
Trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới vào mỗi hội đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 2. Trong số này, 2 hội đồng có số lượng thành viên ít nhất là 7; các hội đồng còn lại có từ 9 đến 15 thành viên.
Thành phần các hội đồng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT về thẩm định sách giáo khoa. Cụ thể, hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Mỗi hội đồng có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tiếp nhận và nghiên cứu độc lập các bản mẫu sách trong 15 ngày.
Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, các hội đồng phải làm việc khoa học, công tâm, công bằng để bảo đảm chọn được các bản mẫu sách chất lượng. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, các hội đồng cũng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo chinhphu.vn