xuân

Sức hấp dẫn và xu hướng sử dụng ôtô điện bùng nổ trên thế giới

Không có chuyện xe điện tràn ngập các con đường ở Mỹ sau một đêm song không phủ nhận thực tế là sức hấp dẫn của loại hình xe này đang gia tăng...

Xe điện Tesla tại một trạm sạc ở Hawthorne, California, Mỹ. (Nguồn: Shutter Stock)
Xe điện Tesla tại một trạm sạc ở Hawthorne, California, Mỹ. (Nguồn: Shutter Stock)

Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch thay đổi các tiêu chuẩn khí thải ô tô, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất ôtô phải cho ra thị trường nhiều xe điện hơn. Dự kiến, đến năm 2032, xe điện sẽ chiếm khoảng hai phần ba tổng số xe mới được bán ở Mỹ.

Ưu tiên tối đa

Theo nhà phân tích Matthias Heck của hãng định mức tín dụng nổi tiếng Moody’s, các mục tiêu do Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra là khả thi, nhưng sẽ không dễ dàng và cần đầu tư ở mức cao.

Trong gần thập niên tới, xe điện sẽ hút người tiêu dùng hơn khi công nghệ pin được cải thiện, giá thành giảm và nhờ những chính sách hỗ trợ của chính phủ, chẳng hạn như những ưu đãi theo Đạo luật giảm lạm phát mới.

Ông Chris Harto, nhà phân tích chính sách về giao thông vận tải và năng lượng của tổ chức Consumer Reports cho biết, “sẽ không có chuyện xe điện tràn ngập các con đường ở Mỹ chỉ sau một đêm”. 80% ôtô lưu thông trên đường vào năm 2032 vẫn chạy bằng xăng, nhưng khi dự định mua xe mới, người tiêu dùng sẽ cân nhắc chọn xe điện.

Xét về giá cả, theo ông Harto, xe điện sẽ có cùng mức giá hoặc rẻ hơn so với xe chạy bằng xăng. Phạm vi hoạt động của xe điện sẽ mở rộng do dễ dàng tiếp cận các trạm sạc nhanh và chi phí vận hành giảm đáng kể.

Dung lượng pin cho một lần sạc và tốc độ sạc đều tăng thêm khoảng 30% trong vài năm tới. Khi mạng lưới trạm sạc được cải thiện, xe điện không còn là mặt hàng quá khó bán khi người sử dụng muốn có phương tiện tốt mà giá cả lại phải chăng.

Năm 2032 cũng sẽ chứng kiến nhiều mẫu xe điện hơn. Theo bà Elizabeth Krear, Phó Chủ tịch mảng xe điện của hãng JD Power, thị phần xe điện hiện nay là 8,5% và bà hy vọng, năm 2026, con số này sẽ tăng lên 27%.

Tại bang California, nơi xe điện phổ biến hơn và có nhiều mẫu xe hơn, thị phần xe điện trong tổng số xe mới được bán dự kiến đạt mốc hai phần ba trước năm 2032.

Theo ông Corey Cantor, nhà phân tích của hãng Bloomberg NEF, California có kế hoạch chỉ cho phép bán các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2035, một mục tiêu đang trên đà đạt được. Vì vậy, xe điện có khả năng chiếm hơn 80% thị phần xe ô tô mới mua vào năm 2032 và chính California là một yếu tố quan trọng trong thị trường xe nói chung của Mỹ.

Tin liên quan
ASEAN hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện của toàn cầu ASEAN hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện của toàn cầu

Doanh số tăng kỷ lục

EU đã nhất trí cấm bán các dòng xe chạy bằng xăng và dầu diesel kể từ năm 2035, như một phần trong nỗ lực của khối 27 quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo số liệu chính thức do Liên minh châu Âu (EU) công bố vào đầu tháng 2/2023, doanh số bán xe điện tại EU tăng kỷ lục trong năm 2022, trong bối cảnh các nước EU nỗ lực thay thế các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) cho biết, doanh số bán ôtô điện chiếm 12,1% doanh số bán xe mới, tăng so với mức 9,1% của năm 2021 và 1,9% năm 2019.

Xe chạy bằng xăng và dầu diesel truyền thống tiếp tục mất vị thế tại thị trường EU, mặc dù vẫn chiếm hơn một nửa doanh số bán xe của khu vực trong năm 2022, khoảng 52,8%.

Năm 2022 là năm phát triển mạnh mẽ của dòng xe hybrid tại thị trường EU, với thị phần ở mức 22,6%.

Doanh số bán xe điện tăng mạnh tại Đức đã góp phần mở rộng thị phần của sản phẩm này trên thị trường EU.

Tại Na Uy, cứ năm chiếc ôtô được bán mới thì bốn chiếc là xe điện. Đây là kết quả ấn tượng đối với quốc gia đang đặt mục tiêu chấm dứt việc bán ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025.

Chủ tịch ACEA, kiêm giám đốc điều hành của nhà sản xuất ôtô Pháp Renault, ông Luca de Meo cho biết, các nhà sản xuất ôtô châu Âu đang đầu tư 250 tỷ Euro (272 tỷ USD) vào điện

khí hóa. Ngành công nghiệp ôtô đang phát triển nhanh chóng, song số lượng trạm sạc công cộng lại không theo kịp.

Thời điểm này, tại các nước EU, tốc độ lắp đặt trạm xe hiện giới hạn ở 2.000 trạm/tuần, trong khi phải cần đến 14.000 trạm được lắp đặt hàng tuần để đảm bảo quá trình chuyển đổi.

Có thể giải thích sự bùng nổ tiêu thụ xe điện tại châu Âu là do cơ sở hạ tầng hỗ trợ tốt hơn. Tại Mỹ, khách mua xe có nhiều lựa chọn hơn và chi phí cũng hấp dẫn hơn. Còn ở châu Âu, mua xe điện dễ hơn mua xe xăng, do sự chuyển dịch ưu tiên của nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng.

Vị thế dẫn đầu

Tất nhiên, thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu phải kể đến là Trung Quốc. Trong hai năm qua, số lượng xe điện bán ra hàng năm tại quốc gia đông dân hàng đầu thế giới đã tăng từ 1,3 triệu xe lên 6,8 triệu xe, một con số khổng lồ.

Trong năm 2023, thị trường ôtô điện tại Trung Quốc được dự đoán tiếp tục dẫn đầu toàn cầu, bỏ xa Mỹ và châu Âu. Theo nhà phân tích Paul Gong của tập đoàn UBS, doanh số bán xe điện tại Trung Quốc dự kiến đạt 8,8 triệu chiếc trong năm nay.

Chìa khóa để Trung Quốc xây dựng và quản lý một ngành công nghiệp ô tô điện lớn mạnh như hiện nay đến từ sự hậu thuẫn về tài chính và hỗ trợ phát triển pin xe điện từ Chính phủ nước này.

Đối với thị trường Đông Nam Á, câu hỏi đặt ra là liệu những người có mức thu nhập tương đối thấp có mua nổi xe điện hay không? Liệu có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống sạc điện hay không?

So với các nước châu Âu, hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện của khu vực này vẫn đang ở giai đoạn đầu, người tiêu dùng phổ thông không chịu nổi mức giá khá cao của xe điện. Phần lớn các nước vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch để phát điện, nên việc sử dụng xe điện trên thực tế không thể giảm thiểu phát thải carbon.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})