xuân

Sửa lại biểu giá điện bậc thang thế nào cho hợp lý?

Nhịp Sống Sài Gòn

Biểu giá điện theo 6 bậc đã được xây dựng từ năm 2014, sau khi đưa vào áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng giải trình việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3, Bộ Công thương khẳng định việc điều chỉnh giá bán lẻ điện của các đơn vị điện lực đúng quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Bên cạnh đó, đánh giá biểu điện bậc thang là cần thiết, được nhiều nước trên thế giới áp dụng, Bộ Công thương cũng cho biết, tới đây biểu giá bậc thang sẽ được tính toán lại để giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.

Là một trong những chuyên gia kinh tế phản biện tích cực về giá điện, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, biểu giá điện bán lẻ tiêu dùng hiện nay bất hợp lý, chỉ có lợi cho EVN, không có lợi cho người tiêu dùng.

Cụ thể, theo biểu giá điện hiện nay, chỉ có 2 mức giá bán lẻ tiêu dùng từ 0 - 100 kWh là có mức giá bán lẻ thấp hơn giá bán lẻ bình quân từ 7 - 10%. Trong khi nhu cầu tiêu thụ điện ở 2 bậc này rất ít so với 4 bậc còn lại.

Ông nói: “Biểu giá điện theo 6 bậc đã được xây dựng từ năm 2014, sau khi đưa vào áp dụng cũng đã bộc lộ rất nhiều bất cập.

Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến phản đối tuy nhiên nó vẫn được duy trì đến 5 năm qua. Với tình hình giá điện tăng cao hiện nay, tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng lại biểu giá điện theo hướng hài hòa cho cả đôi bên, doanh nghiệp kinh doanh điện và người tiêu dùng. Vẫn có thể duy trì cách tính điện theo lũy tiến, nhưng số bậc bao nhiêu là vừa, có thể rút xuống 3 bậc được không. Đặc biệt, các bậc thế nào phải phù hợp với mức giá bán lẻ điện bình quân Chính phủ quy định”.

Sua lai bieu gia dien bac thang the nao cho hop ly?
Bảng so sánh giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau khi điều chỉnh. Ảnh: EVN

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đề nghị giảm bớt số bậc thang còn 4 bậc. Có thể gộp 2 bậc đầu lại làm 1. Bậc 1 nên bắt đầu từ 0 - 100 kWh. Ba bậc sau nên gộp lại làm 2, mỗi bước nhảy là 150 số điện. Bậc 4 là trên 400 kWh.

Ông Nam cũng đề nghị phải có một cơ quan độc lập thẩm định, giám sát giá điện, có thể là Bộ Tài chính, thay vì để Bộ Công thương giám sát EVN, không khác "vừa đá bóng, vừa thổi còi" sẽ khó minh bạch.

Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá khẳng định, trong điều kiện cung – cầu điện của nước ta hiện nay, vẫn cần có biểu giá điện theo bậc thang. Nhưng biểu giá điện hiện hành phải được sửa đổi theo phương án đa số người tiêu dùng có thể chấp nhận. Theo ông Thỏa, nên rút gọn biểu giá điện hiện nay xuống còn khoảng 3 - 4 bậc (tốt nhất là 3 bậc).

"Cần bố trí giá lũy tiến nhưng tính theo tỷ trọng tiêu dùng điện thực tế, bảo đảm không vượt giá điện sinh hoạt bình quân. Bậc 1 cần chú ý đến đối tượng tiêu thụ điện ít, khả năng chi trả không cao nhưng cũng bảo đảm cho đơn vị kinh doanh điện bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lợi nhuận ở mức độ nhất định. Vì vậy, bậc 1 nên là 100 kWh đầu tiên thay cho 50 kWh như hiện nay.

Bậc 2 là bậc thiết kế phục vụ số đông có mức tiêu dùng điện ở mức trung bình, phổ biến của xã hội. Bậc 3 là bậc phải thể hiện được chính sách điều tiết đối với các hộ tiêu dùng điện nhiều để phục vụ chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả", ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá cũng đề nghị để bảo đảm tính minh bạch, dễ kiểm soát, ngành điện phải quy định, giải trình cách tính lượng tiêu thụ trong từng bậc (theo định mức hay tính theo cách sử dụng hết bậc này rồi mới tính tiền sang bậc khác…), qua đó giúp người tiêu dùng tự kiểm soát được, xóa bỏ cách tính rối rắm hiện tại.

Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng Việt Nam, cho rằng cách tính lũy tiến mà EVN đưa ra có rất nhiều vấn đề chưa hợp lý, cần xem xét và nghiên cứu lại, cần giải thích rõ tại sao là 6 bậc mà không phải 3 - 4 bậc ít hơn, đơn giản hơn.

Xem xét lại biểu giá lũy tiến là điều phải làm, nhưng TS Ngô Đức Lâm nhận định đây mới chỉ là phần ngọn, để giải quyết phần gốc, phải minh bạch giá điện bình quân. Theo ông, thực chất có biểu giá lũy tiến hay không đều không ảnh hưởng đến doanh thu ngành điện. Bản thân giá điện bình quân đã đảm bảo EVN không thể lỗ và đây mới chính là mấu chốt câu chuyện ngành điện.

Ngành điện phải công khai phương pháp tính giá điện bình quân, các yếu tố được tính vào giá điện bình quân để người dân và các chuyên gia giám sát.

Minh Thái (Tổng hợp)