Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nhắc lại nỗi lo đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, đó là những nguy cơ rủi ro của các khoản cho vay bất động sản, các khoản cho vay với dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán.
Bình luận về nỗi lo không mới này của NHNN, chuyên gia kinh tế-tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho biết, không cần phải giới chuyên môn mà người dân bình thường nhìn vào 3 vấn đề trên cũng cảm nhận chúng đáng lo lắng ra sao.
Đối với thị trường bất động sản, thời gian qua mặt bằng giá bất động sản quá cao so với thu nhập người dân Việt Nam; dòng tiền đổ vào bất động sản quá nhiều; có hiện tượng công nhân, người lao động bỏ nghề đi làm bất động sản, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không có lời bằng bất động sản nên cuối cùng cũng chuyển sang kinh doanh bất động sản.
Tương tự, với các dự án BOT, BT giao thông, các chuyên gia kinh tế, giới ngân hàng đã nhìn ra rủi ro cách đây cả chục năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, người quản lý và người tham gia thị trường không phải ai cũng có sự hiểu biết nhất định. Điều quan trọng là vấn đề minh bạch thông tin đối với các tổ chức niêm yết, vấn đề thanh tra, giám sát, chế tài xử phạt đối với các chủ thể tham gia thị trường chưa được nghiêm khắc, rõ ràng.
Khẳng định điều NHNN lo ngại là đúng, chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh đặt câu hỏi: Tại sao bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn nói đi nói lại câu chuyện này mà chưa thể xử lý dứt điểm? Và rồi ông đã tự mình lý giải.
Theo vị chuyên gia, việc vận hành nền kinh tế chưa đạt được trình độ cao nên nảy sinh các vấn đề nêu trên, còn xét từng lĩnh vực, có thể thấy:
Đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng mức đầu tư của mỗi dự án không hề nhỏ, người tham gia đầu tư, ngân hàng cho vay và người tổ chức giao dự án đều thấy có quyền lợi rất lớn trong đó, một doanh nghiệp chỉ cần có một dự án BOT là có thể vực rất dậy nhanh và thu được nhiều tiền.
NHNN lo ngại rủi ro tín dụng bất động sản, BOT, chứng khoán |
"Từ rất lâu, nhiều người đã nhận ra điều này, họ thấy rủi ro và cả lợi ích ở trong đó. Đối với ngân hàng, việc đánh giá một dự án không quá khó, thậm chí rất dễ và các ngân hàng đều có sự chủ động để giám sát vấn đề đó.
Thông thường, các dự án BOT nằm trong các ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước, việc dư luận hoài nghi có sự bắt tay hay chỉ định trong tín dụng BOT, bất động sản... không phải là không có cơ sở. Rủi ro của một dự án BOT, bất động sản, một chuyên viên làm trong ngân hàng vài ba năm còn nhìn ra được huống hồ những người xét duyệt dự án đó đều làm trong ngành ngân hàng mấy chục năm.
Nhiều khi chủ đầu tư dự án BOT, bất động sản cũng là một ông chủ ngân hàng hoặc có mối quan hệ bắt tay với nhau. Quan trọng là họ cân nhắc giữa lợi ích đánh đổi với rủi ro và đôi khi họ làm theo sự sắp xếp nào đó.
Chứng khoán cũng vậy. Các ngân hàng cho các nhà đầu tư chứng khoán vay rất đơn giản: có bộ phận quản lý danh mục đầu tư đã phân tích rất chi tiết, khoa học, các nhà đầu tư không nhiều nên phân toán rủi ro và giúp truy xuất rất dễ. Nhưng có những biểu hiện một số doanh nghiệp đẩy khống giá chứng khoán lên rồi cầm cố để vay ngân hàng. Điều này nằm ở những ông chủ lớn, còn người dân thường đầu tư nhỏ lẻ không có nhiều rủi ro như vậy", chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh phân tích.
Thực tế, vấn đề ông Linh đề cập đã được chỉ ra trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2017. Theo đó, khi nói về những bất cập trong các khoản vay đối với dự án BOT, báo cáo cho biết có hiện tượng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng cho vay vượt quá vốn tự có, công tác thẩm định khoản vay chưa đầy đủ, thậm chí có nhà băng vi phạm về thẩm định xét duyệt cho vay và vi phạm về hồ sơ vay vốn.
Theo quy định về tín dụng, các ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn khi dự án có khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nguyên tắc này, có một số trường hợp ngân hàng lại dựa vào thông tin xác nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án, trong khi đây chỉ là bản xác nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư.
Trước băn khoăn luật có kẽ hở khi cho phép tài sản đảm bảo của các dự án BOT là quyền thu phí khiến cho các khoản vay BOT trở nên rủi ro, vị chuyên gia nhận xét, luật pháp luôn mở cơ hội cho ngân hàng và nhà đầu tư và thực tế có nhiều dự án hiệu quả thực sự, nếu luật cấm luôn thì không ổn.
Thế nhưng, ngân hàng là người cho vay, tiền của ngân hàng nên ngân hàng buộc phải lo.
"Nếu thấy dự án không chắc chắn, không ổn định thì ngân hàng có quyền không duyệt, tại sao cứ phải nhận? Chẳng qua họ nhìn thấy rủi ro nhưng có những cân nhắc khác.
Như phân tích ở trên, một dự BOT rất nhiều tiền, lợi ích quá lớn nên đôi khi có sự nhập nhèm. Nói một cách công bằng, luật Việt Nam đã tương đối tiệm cận với thế giới, do đó luật không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà là lợi ích nhóm", chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh thẳng thắn.
Ông khẳng định tiến trình tái cơ cấu của NHNN đang đi đúng đúng hướng nhưng cần có thời gian hoàn thiện. Điều quan trọng đây chỉ là một phần nhỏ trong một tổng thể lớn, khi những nhập nhèm được giải quyết thì ở dưới tự nhiên sẽ đi vào trật tự.
Thành Luân - Báo Pháp Luật