Nguyễn Hữu Thắng, cựu tuyển thủ có vị trí cao nhất trong giới bóng đá hiện nay. Ảnh: Đông Huyền
Lê Huỳnh Đức chính là cầu thủ đoạt Quả bóng vàng Việt Nam đầu tiên vào năm 1995, sau đó còn có thêm 2 lần thắng giải cùng 2 lần giành Quả bóng bạc. Huỳnh Đức là 1 trong 3 cầu thủ được bầu chọn danh hiệu cao nhất khi đã ở tuổi 30 (cùng với Minh Phương và Anh Đức). Huỳnh Đức được xem là cầu thủ thành công nhất trong thế hệ ở vai trò HLV thời điểm này. Anh dành phần cuối của sự nghiệp cầu thủ trong màu áo đội bóng sông Hàn, sau đó sắm vai “thuyền trưởng” từ năm 2008 đến nay. Trong gian đoạn ấy, Huỳnh Đức đã 2 lần đưa Đà Nẵng vô địch V-League và 2 danh hiệu Á quân để có 1 thời gian dài giúp đội này trở thành một thế lực ở sân chơi V-League.
Lê Công Vinh cũng có 3 lần giành danh hiệu Quả bóng vàng, tạo nhiều cột mốc trong sự nghiệp. Giai đoạn đỉnh cao, Công Vinh luôn nhận được sự quan tâm của các đội bóng lớn và những lần chuyển nhượng của mình luôn đính kèm bản hợp đồng “bom tấn”. Anh cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang thi đấu tại giải nhà nghề Nhật Bản; ghi bàn thắng quyết định đem ngôi vô địch AFF Cup 2008 về cho tuyển Việt Nam…
Đó là hai cựu tiền đạo một thời “đình đám” và nhiều lần được vinh danh qua các kỳ bầu chọn danh hiệu Quả bóng vàng. Có 14 lượt cầu thủ đã nhận được danh hiệu cao quý này. Ngoại trừ Phạm Thành Lương, Đinh Thanh Trung và Nguyễn Quang Hải còn thi đấu, vậy các cầu thủ còn lại hiện đang làm gì?
Cựu tiền vệ Võ Hoàng Bửu hiện đang cùng các đồng đội tham gia vào công tác huấn luyện ở sân chơi bóng đá cộng đồng. Bửu “voi” cùng với Anh Trung và Đỗ Khải hợp lực ở Trung tâm bóng đá cộng đồng K&T. Tham gia vào sân chơi bóng đá cộng đồng còn có Nguyễn Anh Đức ở Bình Dương và Huỳnh Quốc Anh ở Đà Nẵng. Quốc Anh kiêm thêm vai trò HLV các đội trẻ U15, U17 của Đà Nẵng. Tại giải U17 sắp tới, không chỉ có cựu QBV Huỳnh Quốc Anh thi tài mà còn có 1 cựu QBV Việt Nam khác là Phạm Văn Quyến trong vai trò HLV phó đội U17 SLNA. “Cậu bé vàng” 1 thời của bóng đá Việt Nam những năm gần đây đã gắn bó với các tuyến trẻ tại xứ Nghệ.
Trong khi đó, cựu tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn có giai đoạn ngồi cabin huấn luyện ở các đội hạng nhì, giờ thì công tác tại trung tâm bóng đá Viettel. Võ Văn Hạnh, thủ môn đầu tiên đoạt danh hiệu Quả bóng vàng hiện đang làm việc tại trung tâm PVF. Trong khi đó, Trần Công Minh đang miệt mài tại Học viện Juventus Việt Nam ở BR-VT.
Các cầu thủ đoạt danh hiệu Quả bóng vàng nữ đều tiếp tục gắn bó với sân cỏ sau khi chia tay sự nghiệp. Lưu Ngọc Mai, Trần Thị Kim Hồng, Đoàn Thị Kim Chi thuộc Ban huấn luyện đội nữ TPHCM I và II; trong khi Văn Thị Thanh, Ngọc Châm, Đào Thị Miện, Nguyễn Thị Kim Hồng vẫn tích cực với hoạt động bóng đá cộng đồng.
Có người đang đứng lớp, mở trung tâm bóng đá riêng. Trong khi đó cựu thủ môn Kiều Trinh, cầu thủ nhiều lần được vinh danh nhất với 3 Quả bóng vàng, 3 Quả bóng bạc và 1 Quả bóng đồng vừa hoàn thành khóa đào tạo HLV thủ môn của AFC. Hiện tại cô cũng có 1 quán café với tên gọi Cúp Café ở đường Ngô Quyền gần sân Thống Nhất. Đó cũng là điểm hội tụ của các cầu thủ bóng đá, nhất là cầu thủ nữ đến để giao lưu.
QUỐC CƯỜNG/SGGPO