
Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thưa ông, cháy rừng trong mùa hè này rất gay gắt. Ông có thể chia sẻ thêm về tình hình này không?
Ông Đoàn Hoài Nam: Tình hình cháy rừng trong năm 2025, đặc biệt là trong tháng 4 vừa qua, thực sự rất nghiêm trọng. Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng, tăng hơn 2 lần về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.
Có thể nói đây là hiện tượng chưa từng có trong 13 năm qua.
Riêng tại Quảng Ninh, đã có 6 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 100 ha. Các tỉnh phía Bắc khác như Sơn La, Bắc Giang, Lào Cai cũng ghi nhận thiệt hại lớn, lên tới khoảng 190.000 ha. Đáng chú ý, vụ cháy rừng cuối tháng 3 tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã gây thiệt hại hơn 20 ha rừng và làm 1 người tử vong. Gần đây nhất, ngày 16/4, cháy rừng tiếp tục xảy ra tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết khắc nghiệt, khô hạn kéo dài, kết hợp với ảnh hưởng từ cơn bão Yagi năm 2024, để lại lượng vật liệu cháy khổng lồ từ cây gãy đổ.
Với tình hình như vậy, nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới được dự báo ra sao và cơ quan chức năng đã có những cảnh báo gì?
Ông Đoàn Hoài Nam: Theo dự báo, thời gian tới, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển sang giai đoạn nắng nóng cao điểm, khiến nguy cơ cháy rừng tăng lên mức rất cao. Hiện tại, cơ quan chức năng đã phát cảnh báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) tại nhiều khu vực ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Điều kiện thời tiết khô hanh, ít mưa, cùng với lượng vật liệu cháy lớn từ bão Yagi, đang tạo ra nguy cơ cháy lan nhanh và khó kiểm soát. Chúng tôi khuyến cáo người dân và du khách theo dõi sát các thông tin dự báo, cảnh báo cháy rừng trên website của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm để kịp thời phát hiện và xử lý các điểm cháy.
Trước tình hình cháy rừng gia tăng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã triển khai những biện pháp ứng phó nào để giảm thiểu nguy cơ và thiệt hại?
Ông Đoàn Hoài Nam: Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và địa phương chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCC rừng). Cụ thể, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 22/3/2025 và số 36/CĐ-TTg ngày 13/4/2025, yêu cầu các bộ và địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình và tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp PCCC rừng theo Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo tăng cường dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nâng cao chất lượng thông tin để phục vụ công tác PCCC. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ địa phương về thông tin điểm cháy, lực lượng, trang thiết bị và công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra.
Ngay từ đầu mùa khô, chúng tôi đã kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng phương án phù hợp và thành lập các tổ đội quần chúng để tăng cường PCCC. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết khắc nghiệt, việc phòng cháy cần được thực hiện chủ động hơn. Các địa phương đã chuẩn bị lực lượng ứng trực 24/24, tăng cường kiểm tra, giám sát, bố trí lực lượng chốt chặn, tuần tra tại các khu vực trọng điểm, và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong và gần rừng.
Ông có thể chia sẻ thêm về vai trò của cộng đồng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng không?
Ông Đoàn Hoài Nam: Cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác PCCC rừng. Tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân là nhiệm vụ then chốt. Chúng tôi nghiêm cấm du khách mang lửa vào rừng, vì đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến cháy rừng. Trong các hoạt động phát dọn thực bì, đặc biệt sau ảnh hưởng của bão, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng cháy, như có lực lượng chức năng canh gác và chỉ đạo trực tiếp tại khu vực gần rừng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu chịu trách nhiệm về PCCC rừng trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy tại chỗ). Các địa phương cũng cần đầu tư trang thiết bị, đặc biệt là đồ bảo hộ và thiết bị chống khói độc, để đảm bảo an toàn cho lực lượng chữa cháy.
Các địa phương đã chuẩn bị những gì để ứng phó với nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới?
Ông Đoàn Hoài Nam: Các địa phương đã có sự chuẩn bị kịp thời và sẵn sàng tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, thách thức lớn là số lượng vật liệu cháy quá nhiều sau bão Yagi, trong khi khả năng tiếp cận ngọn lửa với các thiết bị hiện có còn hạn chế. Chúng tôi yêu cầu các địa phương rà soát phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư và kinh phí để thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, cần có kế hoạch di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng khi cháy rừng xảy ra, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để chữa cháy hiệu quả và an toàn. Các cơ quan chức năng cũng được chỉ đạo điều tra nguyên nhân cháy rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia PCCC rừng.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hương (Thực hiện)