xuân

Phim Hàn bị méo mó khi chiếu ở Trung Quốc

Nhịp Sống Sài Gòn

Không thể phủ nhận thị trường Trung Quốc rộng lớn giúp Hàn Quốc thu lợi về qua làn sóng Hallyu nhưng bù lại, phim ảnh Hàn Quốc cũng chật vật không kém để đến được với khán giả.

Không thể phủ nhận thị trường Trung Quốc rộng lớn giúp Hàn Quốc thu lợi về qua làn sóng Hallyu nhưng bù lại, phim ảnh Hàn Quốc cũng chật vật không kém để đến được với khán giả.

 

Làn sóng Hallyu ở các nước châu Á đang được vực dậy qua tiếng tăm của tác phẩm truyền hình Hậu duệ mặt trời (tên tiếng Anh Descendants of the Sun).
 
Thủ tướng Thái Lan kêu gọi người dân nên xem Hậu duệ mặt trời, tổng thống Hàn khen ngợi bộ phim mang về lợi ích kinh tế cho đất nước. Bản thân các diễn viên chính Song Joong Ki trở thành tên tuổi lớn với khán giả châu Á. Còn Song Hye Kyo khẳng định thêm tiếng tăm.
 
 
Lợi ích to lớn khi phim Hàn vươn tới Trung Quốc
 
Nhưng hiệu quả dễ trông thấy nhất của Hậu duệ mặt trời chính là thị trường Trung Quốc đang sục sôi vì bộ phim. Được rót vốn sản xuất tới 13 tỷ won (tương đương 11,1 triệu USD), Hậu duệ mặt trời có mục đích khá rõ ràng là vươn tới thị trường Trung Quốc.
 
 
Cơn sốt Hậu duệ mặt trời vươn tới Trung Quốc.
 
Trước đó, một phim Hàn bùng nổ ở xứ Vạn lý trường thành như Vì sao đưa anh tới, Người thừa kế … nhưng phải tới tác phẩm của cặp Song – Song, cơn sốt mới trở nên sôi sục khi khán giả tại đây được thưởng thức bộ phim cùng giờ chiếu ở Hàn qua trang web iQiyi.
 
Hướng đi của nhà sản xuất được chứng minh khi hiệu quả về mặt kinh tế, du lịch được trông thấy rõ. Các mặt hàng xuất hiện trong phim như ôtô, mỹ phẩm, nhân sâm … tăng doanh thu rõ rệt ở Trung Quốc.
 
Điển hình như loại son môi mà Song Hye Kyo sử dụng trong phim tăng 11 lần lượt tìm kiếm. Lượng khách du lịch từ Trung Quốc cũng tăng đột biến. Nhưng đi cùng với lợi ích kinh tế, Hậu duệ mặt trời cũng phải trả một cái giá tương xứng cũng như chấp nhận bị “sứt mẻ”.
 
 
Son môi của Song Hye Kyo trong phim trở thành món đồ ăn khách.
 
Cuối tháng 2, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài và liên doanh phải được sự cho phép trước khi xuất bản các nội dung trực tuyến. Yêu cầu này được giới chuyên gia giải trí nhận định sẽ làm tổn hại đến các công ty giải trí, phim ảnh và ca nhạc của Hàn Quốc bởi từ lâu, Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng của làn sóng Hallyu.
 
Việc thắt chặt trình chiếu nội dung trên mạng xảy ra vào thời điểm Hậu duệ mặt trời thu về tới hơn 100 triệu lượt xem trên iQiyi (hiện tại vượt qua mốc 1 tỷ). Theo các nguồn tin trong giới, để mở rộng mức độ phủ sóng cho tác phẩm, nhà sản xuất phim sẽ phải chấp nhận phụ thuộc về nội dung.
 
 
Và những tác phẩm méo mó vì bị chỉnh sửa
 
Sau khi mua bản quyền phát sóng, nhà đài Trung Quốc yêu cầu KBS – nơi lên sóng và đồng sản xuất Hậu duệ mặt trời chỉnh sửa. Đại diện KBS cho biết với báo giới: “Chúng tôi đã biên tập lại những phân đoạn có nhắc đến quân lính Triều Tiên vì Trung Quốc rất nhạy cảm về vấn đề này".
 
Không chỉ bị chỉnh sửa, để đến với khán giả xứ Vạn lý trường thành, Hậu duệ mặt trời phải chịu ít nhiều thiệt thòi. Chính quyền Trung Quốc ra chỉ thị nhắc nhở khán giả không nên xem nhiều, tránh “lậm phim” cũng như cấm quảng bá rộng rãi.
 
Hôm 4/4, 2 diễn viên chính là Song Joong Ki và Song Hye Kyo lên đường ra nước ngoài quảng bá. Điểm đến đầu tiên của họ là Hong Kong thay vì Trung Quốc. Riêng Song Joong Ki sẽ có buổi họp fan tại đất nước tỷ dân sau đó.
 
 
Cảnh Song Joong Ki chiến đấu với lính Triều Tiên được coi là nhạy cảm với chính quyền Trung Quốc.
 
Trước Hậu duệ mặt trời, các phim Hàn khác cũng bị phía Trung Quốc thắt chặt về nội dung, thậm chí là cấm chiếu. Vì sao đưa anh tới – bom tấn truyền hình Hàn năm 2013 khi lên sóng ở Trung Quốc đầu năm nay cũng bị yêu cầu thay đổi khá nhiều. Nhân vật nam chính là người ngoài hành tinh có khả năng xuyên không do Kim Soo Hyun thể hiện được đổi thành… nhà văn. Đây là sự thay đổi khá lớn bởi một trong những chi tiết hấp dẫn của phim đến từ xuất thân của nhân vật nam.
 
 
Vì sao đưa anh tới phải chịu sự sửa đổi khá nghiêm trọng.
 
Một bộ phim ăn khách không kém là Doctor Stranger của đài SBS được chuyên môn đánh giá cao cũng phải chịu sự cắt bỏ ở những phân đoạn có liên quan đến Triều Tiên như Hậu duệ mặt trời.
 
Không chỉ bị cơ quan phát hành can thiệp, bộ phim đình đám không kém gần đây là Cheese In The Trap của đài cáp tvN cũng bị khán giả yêu cầu biên tập lại trước khi lên sóng ở Trung Quốc. Người xem xứ Vạn lý trường thành bất bình khi nhân vật của tài tử Park Hae Jin bị nhà sản xuất giảm thời lượng lên hình và phàn nàn với tvN.
 
 
Phim điện ảnh của Lee Min Ho vốn mang yếu tố găng tơ bị yêu cầu giảm bạo lực, tăng lãng mạn.
 
Ngoài phim truyền hình, điện ảnh Hàn cũng đồng cảnh ngộ. Đầu năm 2015, bộ phim theo phong cách nội Gangnam 1970 có sự tham gia chính của mỹ nam Lee Min Ho và tài tử Kim Rae Won không thể trọn vẹn ra rạp Trung Quốc.
 
Nhờ mức độ phủ sóng của Lee Min Ho, Gangnam 1970 được dự báo sẽ thu hút đông đảo khán giả. Nhưng trước đó, bộ phim phải được thay đổi theo chiều hướng giảm thiểu cảnh bạo lực, thay vào đó là tăng yếu tố lãng mạn cũng như thay đổi cái kết.
 
Lùi lại năm 2006, tác phẩm King And The Clown (Nhà vua và chàng hề) bị cấm chiếu vì nội dung đồng tính nam. Đây là phim Hàn hiếm hoi bị Trung Quốc thẳng thừng cấm cửa. 
 
Có thể thấy, để một tác phẩm phim ảnh đến với khán giả Trung Quốc, các nhà làm phim Hàn đau đầu không kém, và đôi khi vì những lợi ích khác nhau, họ phải nhắm mắt để đứa con tinh thần bị can thiệp.
 
 
 

Theo Khôi Ngô - Zing