![]() |
Ông Trump chính thức ‘xuống tay’, thuế đối ứng gọi tên nhiều đối tác, đồng USD thành nạn nhân. (Nguồn: Getty Images) |
Trước giờ G, Tổng thống Trump phát biểu, ông chuẩn bị ký một sắc lệnh hành pháp lịch sử, nhằm thiết lập “thuế quan có đi có lại”, đối với các quốc gia trên toàn thế giới".
"Có đi có lại", có nghĩa là họ làm điều đó với chúng ta và chúng ta đáp trải đối với họ. Rất đơn giản. Không thể đơn giản hơn thế được", ông Trump bắt đầu bài phát biểu của mình.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt trước đó cho biết, sau khi Mỹ công bố, mức thuế mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Ai mới là người phải trả thuế?
”Tổng thống Trump thêm một lần nữa tuyên bố thuế quan là một phần của “ngày giải phóng”, có thể bao gồm thuế đối với tất cả các đối tác hàng đầu như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Liên minh châu Âu...
Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, thuế quan sẽ mở ra "thời kỳ hoàng kim" cho đất nước, rồi "việc làm và nhà máy sẽ quay trở lại Mỹ mạnh mẽ"... “Thâm hụt thương mại không còn đơn thuần là vấn đề kinh tế”, mà là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Ông nhấn mạnh “đây là một trong những ngày trọng đại nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Tại Đông Nam Á: Thuế quan Mỹ áp với Việt Nam cao thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (49%, 97%), Lào (48%, 95%) và Madagascar (47%, 93%). Myanmar bị áp thuế 44% đối với 88% tổng lượng hàng hóa, tiếp theo là Thái Lan (36%, 72%), Indonesia (32%, 64%), Malaysia (24%, 47%), Philippines (17%, 34%), Singapore (10%, 10%). Các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế cao, đáng chú ý là Trung Quốc (34%, 67%), Liên minh châu Âu (20%, 39%), Sri Lanka (44%, 88%), Bangladesh (37%, 74%), Serbia (37%, 74%), Botswana (37%, 74%), Đài Loan (32%, 64%), Thụy Sĩ (31%, 61%), Nam Phi (30%, 60%), Pakistan (29%, 58%), Tuynidi (28%, 55%), Kazakhstan, (27%, 54%), Ấn Độ (26%, 52%), Hàn Quốc (25%, 50%). Mức thuế thấp hơn có: Nhật Bản (24%, 46%), Côte d'Voire (21%, 41%), Jordan (20%, 40%), Nicaragua (18%, 36%), Israel (17%, 33%), Na Uy (15%, 30%), New Zealand (10%, 20%), Costa Rica (10%, 17%), Ecuador (10%, 12%), Trinidad và Tobago (10%, 12%). Nhóm các nước chịu mức thuế 10% đối với 10% hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ có Vương quốc Anh, Australia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Saudi Arabia, Argentina, Colombia, Chile, Brazil, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Cộng hòa Dominicana, Guatemala, El Salvador, Honduras và Peru. Đáng chú ý, Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này. |
Với quyết định mang tính lịch sử về thuế quan của Tổng thống Trump, trong cuộc phỏng vấn của The National News Desk, cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng Steve Moore ra cảnh báo, trung bình một gia đình ở Mỹ sẽ phải trả thêm tới 3.000 USD tiền thuế mỗi năm, nếu chính sách thuế của ông Trump không được “tháo ngòi” hoặc tạm thời gia hạn.
Nhưng theo cố vấn Moore, đây là điều ông Trump muốn hoàn thành trong 100 ngày đầu tiên của mình tại Nhà Trắng. Nhưng có vẻ như “chúng ta sẽ phải tranh luận điều này đến tận mùa Hè. Nhưng tôi không muốn nó kéo dài đến tận mùa Thu", ông Moore nói về việc cắt giảm thuế.
Nghị sỹ đảng Dân chủ Josh Gottheimer (N.J.) tỏ rõ quan điểm phản đối, cho rằng - thuế quan của Tổng thống Trump là "thụt lùi" và sẽ ảnh hưởng đến "những người mua những thứ họ mua hàng ngày".
"Tôi không nghĩ mọi người, bao gồm nhiều đảng viên Cộng hòa, coi đây là “ngày giải phóng”, mà là... ngày chi phí tăng cao và hỗn loạn", ông Gottheimer nói với chương trình 'The Exchange' của CNBC.
Vấn đề cũng đang thu hút đông đảo sự quan tâm là đối tượng nào sẽ phải trả các khoản thuế mới. Thư ký báo chí Nhà Trắng Leavitt hôm 1/4 cho biết, các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa sẽ phải trả thuế, đặc biệt khi quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu càng cao, các công ty sẽ càng tìm cách bù đắp chi phí bằng cách thay đổi nhà cung cấp, thúc đẩy các đối tác kinh doanh chia sẻ gánh nặng hoặc tăng giá hàng hóa ở Mỹ. Nhiều công ty tiết lộ đã chuẩn bị cho các bước đi đó. Tuy nhiên, đây cũng là động thái mạo hiểm, vì nếu tăng giá quá nhiều, khách hàng sẽ tránh xa doanh nghiệp.
Động thái này cũng bị nhận định - làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở cả Mỹ lẫn những quốc gia bên ngoài, nơi có nhiều công ty phụ thuộc vào doanh số bán hàng tại xứ sở cờ hoa.
Giới đầu tư quay lưng với đồng USD
Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, tham chiếu đến thuế quan Hawley-Smoot “khét tiếng” vào năm 1930 cho rằng, chính phủ đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại để cố gắng thu thêm doanh thu.
Trả lời phỏng vấn NBC News, ông Obstfeld từng mô ta thuế quan Hawley-Smoot "vào thời điểm đó, là một cú sốc lớn đối với hệ thống và dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại vô cùng tàn khốc giữa Mỹ và các đối tác thương mại, góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái".
Kể từ đó, Mỹ chủ yếu thúc đẩy quan hệ thương mại hợp tác, phần lớn tránh xa thuế quan và chính sách cô lập... Cho đến nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump vào năm 2018, khi ông áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc vào mặt hàng thép và nhôm.
Ngoài ra, trong sự lo ngại về tác động thuế quan, giới chuyên gia nhận định, chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang làm giảm niềm tin vào đồng USD và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các giao dịch ngoại hối khác.
Đồng USD bắt đầu tăng đều đặn vào cuối năm 2024, đạt đỉnh vào giữa tháng 1/2025.
Tuy nhiên, chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, đã dần thu hẹp đà tăng đó trong những tuần gần đây.
Ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM U.S., cho biết các nhà giao dịch tiền tệ đang có xu hướng bi quan đối với đồng USD và lạc quan hơn đối với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ, giữa lúc Mỹ có nguy cơ phát động một cuộc chiến thương mại đa quốc gia.
Trong báo cáo đầu tuần này, ông cho biết từ cuối tháng 10/2024 đến tuần đầu tiên của tháng 3/2025, đa số các nhà giao dịch tin rằng USD sẽ mạnh lên và do đó, họ nắm giữ nhiều USD hơn. Nhưng ba tuần gần đây, xu hướng đã đảo ngược, các nhà giao dịch bắt đầu tin tưởng vào sự tăng giá của Euro hơn và do đó, họ nắm giữ nhiều Euro hơn.
Jordan Rochester, người đứng đầu chiến lược FICC và CEO tại chi nhánh EMEA của Ngân hàng Mizuho cho rằng, tác động của thuế quan có thể đã được phản ánh đầy đủ trong đồng USD và khi EU cùng những nước khác đáp trả cứng rắn, điều này sẽ dẫn đến sự phục hồi sau đó của các đồng tiền khác.
Ông Athanasios Vamvakidis, CEO chiến lược G10 FX tại Bank of America giải thích rằng, có hai yếu tố chính sẽ dẫn đến sự suy yếu của đồng USD. Thứ nhất, trong kịch bản chiến tranh thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới, Mỹ cuối cùng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn bởi quy mô kinh tế của phần còn lại của thế giới lớn hơn. Thứ hai, chính sách thuế quan tiềm ẩn rủi ro lạm phát đình trệ, một điều đang khiến thị trường lo ngại.