xuân

Nước sông Đakrông ô nhiễm, 2 tỉnh lập đoàn kiểm tra khu vực thượng nguồn

(Chinhphu.vn) - Ngày 6/7, ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh vừa tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, xác minh thông tin phản ánh hoạt động khai thác vàng trái phép ở đầu nguồn nước, cụ thể là tại xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), làm cho nước sông Đakrông (tỉnh Quảng Trị) bị ô nhiễm.

Trước đó, người dân huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) phản ánh tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) chưa được ngăn chặn, khiến nguồn nước sông Đakrông bị đục, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, ngăn chặn dứt điểm khai thác vàng trái phép để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của người dân sống ven sông Đakrông.

Trước thông tin phản ánh trên, ngày 5/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế khu vực khai thác khoáng sản tại địa bàn xã Hồng Thủy và Hồng Vân. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị.

Sở TN&MTtỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước đây, khu vực này được Bộ TN&MT cấp phép thăm dò khoáng sản (vàng) cho Công ty cổ phần Đông Trường Sơn theo Giấy phép thăm dò số 824/GP-BTNMT ngày 10/5/2011, gia hạn 2 lần tại các Giấy phép số 1478/GP BTNMT ngày 22/8/2013 và số 2503/GP-BTNMT ngày 28/10/2016.

Sau khi kết thúc thời hạn thăm dò (ngày 10/5/2017) công ty di dời toàn bộ máy móc, thiết bị và đi khỏi địa phương, nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương. Do khu vực nằm ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong công tác quản lý, nên một số người dân (người dân tộc Pa Cô) của xã Hồng Thủy và xã Hồng Vân đã khai thác khoáng sản vàng trái phép.

Tuy nhiên, tại thời điểm đoàn công tác đến hiện trường thì không phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, mà chỉ còn những dấu vết khai thác đã cũ. Khu vực khai thác có một số hầm, hố đào lấy đất đá; có mương dân dùng để khai thác bằng phương pháp bơm áp lực cao tạo thành từ khu vực khai thác về khe suối, có một số máng gỗ bị hỏng và lán trại đã bị ̣phá hủy. Khu vực khai thác có dấu hiêu sạt trượt đất, độ dốc lớn.

Sau khi kiểm tra thực địa trên địa bàn xã Hồng Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương khẳng định, thời gian gần đây không có chuyện người dân khai thác vàng trái phép. Những dấu vết khai thác quá cũ, thậm chí một số điểm cây cối đã mọc xanh tươi.

Về thông tin phản ánh hoạt động khai thác vàng trái phép ở xã Hồng Thủy khiến nguồn nước sông Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) trở nên đỏ đục, ông Phan Quý Phương nhận định, nguyên nhân nguồn nước đục có thể do mưa lớn làm sạt lở đất, phá vỡ kết cấu đất đầu nguồn, kết hợp các khu vực khai thác vàng trước đây đã bị bóc thực bì nên không giữ được đất, dẫn đến cuốn xuống các khe suối gây đục nguồn nước.

Trao đổi với đại diện tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị để thông tin rõ nguyên nhân nước sông Đakrông bị đục.

Tại buổi kiểm tra, ông Phan Quý Phương đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép; thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Giao Sở TN&MT tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm thông tin, kịp thời phối hợp kiểm tra, hướng dẫn và xử lý các vi phạm hoạt động khoáng sản; tăng cường theo dõi, giám sát tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.

Nhật Anh