xuân

Nữ tỷ phú Thái Lan trả viện phí cho Xuân Son: Rót tỷ USD vào Việt Nam lập ngân hàng, công ty công nghệ và quỹ đầu tư

Bà Madam Pang - người phụ nữ quyền lực nhất bóng đá Thái Lan dự kiến nâng lực lượng nhân sự tại Việt Nam lên 1.700 nhân viên vào năm 2027.

Trong những ngày qua, bên cạnh trận chung kết vô cùng kịch tích giữa đội tuyển Việt Nam – Thái Lan tại ASEAN Cup 2024, nhiều người hâm mộ và truyền thông Đông Nam Á còn đặc biệt chú ý tới bà Nualphan Lamsam (còn gọi là Madam Pang) . Bà được biết đến là doanh nhân giàu có kiêm chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội bóng đá Thái Lan.

Tờ Thairath cho biết, Madam Pang đã hỗ trợ chi phí y tế và chăm sóc đầy đủ trước khi cầu thủ Nguyễn Xuân Son trở về Việt Nam cùng toàn đội.

Nữ tỷ phú Thái Lan trả viện phí cho Xuân Son: Rót tỷ USD vào Việt Nam lập ngân hàng, công ty công nghệ và quỹ đầu tư- Ảnh 1.

NGƯỜI PHỤ NỮ QUYỀN LỰC

Madam Pang sinh năm 1966, là con cháu đời thứ năm của dòng họ Lamsam, một trong những gia tộc người Thái, gốc Hoa giàu có bậc nhất ở Thái Lan.

Gia tộc này bắt đầu khởi nghiệp từ kinh doanh gỗ, xay xát gạo, trước khi tiến vào lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Gia tộc Lamsam đã sáng lập Ngân hàng Kasikorn (KBank), một trong những ngân hàng lớn nhất Thái Lan với tổng tài sản khoảng 100 tỷ USD, cùng danh mục đầu tư đa dạng bao gồm nhiều công ty bảo hiểm lớn. Hiện bà đang giữ chức Giám đốc điều hành của nhà băng này.

Vị nữ doanh nhân còn là CEO của Công ty Bảo hiểm Muangthai, Chủ tịch CLB bóng đá Port FC, Chủ tịch Quỹ xúc tiến văn hóa Thái Lan... Hơn nữa, nữ tỷ phú cũng sở hữu công ty chuyên nhập khẩu các sản phẩm hàng hiệu từ nước ngoài về Thái Lan.

BƯỚC CHÂN TẠI VIỆT NAM

Những cơ ngơi do bà Madam Pang quản lý đã và đang xúc tiến nhiều thương vụ đầu tư vào Việt Nam.

Tháng 8/2022, KBank đã khai trương chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM. Chi nhánh KBank tại TP.HCM được ngân hàng mẹ đầu tư khoảng 560 triệu USD, với mục tiêu là tiếp cận 1,2 triệu khách hàng trong năm đầu tiên, đồng thời củng cố mạng lưới dịch vụ trong nhóm AEC+3.

Theo KBank, thị trường Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa. Đó chính là cơ sở để KBank triển khai các chương trình thúc đẩy kinh tế và dịch vụ ngân hàng số.

Trước khi thành lập chi nhánh đầu tiên tại TP.HCM, KBank có một văn phòng đại diện tại Hà Nội được cấp phép hoạt động từ 2021. Tháng 8/2023, tại trụ sở ở Bangkok, Chủ tịch Pipit Aneaknithi cho biết KBank sẽ tăng ngân sách đầu tư cho hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027.

Khoản đầu tư 1,1 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các thành viên, gồm chi nhánh KBank tại TP.HCM 735 triệu USD, công ty công nghệ Kasikorn (KBTG) Việt Nam 7 triệu USD và quỹ KVision 336 triệu USD.

Lực lượng nhân sự tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng từ này 350 nhân viên trong năm 2023 lên 1.700 nhân viên vào năm 2027.

Nữ tỷ phú Thái Lan trả viện phí cho Xuân Son: Rót tỷ USD vào Việt Nam lập ngân hàng, công ty công nghệ và quỹ đầu tư- Ảnh 2.

Đến tháng 6/2023, KBTG - công ty con của KBank đã thành lập KBTG Việt Nam – cơ sở thứ 3 của tập đoàn tại khu vực châu Á, nhằm tuyển dụng nhân tài công nghệ thông tin để mở rộng thị trường tại Việt Nam và các quốc gia khác trong Khu vực ASEAN+3 (ASEAN + Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).

Động thái này cũng sẽ hỗ trợ mục tiêu trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam của KBank vào năm 2027. KBTG một công ty chuyên về công nghệ tài chính (Fintech).

Cũng trong năm 2023, KBank còn gây chú ý khi có ý định chi ra 1 tỷ USD để mua lại Home Credit Vietnam.

Home Credit Vietnam là công ty tài chính tiêu dùng thuộc sở hữu của tổ chức tài chính phi ngân hàng Home Credit Group có trụ sở tại Hà Lan.

Tuy nhiên, sau đó SCB X - tập đoàn công nghệ tài chính lớn và công ty mẹ của Siam Commercial Bank (SCB) tại Thái Lan lại là bên "chiến thắng" KBank trong thương vụ này.