xuân

Những 'màn trình diễn' mưa sao băng đến từ đâu?

Những vệt sáng kỳ diệu đã mê hoặc con người trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là khi chúng xuất hiện trong những “màn trình diễn” rực rỡ trên bầu trời được gọi là mưa sao băng.

Điều gì tạo nên những 'màn trình diễn' mưa sao băng ngoạn mục...
Dải Ngân Hà tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đêm trong một cơn mưa sao băng Perseids, phía trên những ngọn núi và hồ Pampilhosa da Serra, miền Trung Bồ Đào Nha. (Nguồn: National Geographic)

Điều gì tạo nên những “màn trình diễn” mưa sao băng ngoạn mục trên bầu trời? Khi bạn gửi một điều ước tới một ngôi sao băng, thực ra bạn đang trao hy vọng và ước mơ của mình cho một mảnh đá vũ trụ nhỏ đang bốc cháy lao xuống bầu khí quyển của Trái Đất. Những vệt sáng kỳ diệu này đã mê hoặc con người trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là khi chúng xuất hiện trong những “màn trình diễn” rực rỡ trên bầu trời được gọi là mưa sao băng.

Từ giữa những năm 1800, các nhà khoa học đã biết rằng hầu hết các trận mưa sao băng đều được sinh ra từ các Sao Chổi băng giá. Khi một trong những vị khách từ không gian sâu thẳm này đi vào bên trong Hệ Mặt Trời, nhiệt từ Mặt Trời khiến băng trên bề mặt Sao Chổi chuyển từ băng sang khí - một quá trình gọi là “thăng hoa". Đây là quá trình tạo ra cái đuôi tuyệt đẹp của Sao Chổi.

Khi băng bốc hơi, Sao Chổi giải phóng bụi, các hạt có kích thước bằng hạt cát, và thậm chí một vài khối đá có kích thước bằng tảng đá lớn bị bỏ lại trên đường đi của nó. Với mỗi quỹ đạo, quá trình đó tạo ra một luồng mảnh vỡ dọc theo đường đi của Sao Chổi, tồn tại lâu dài sau khi quả cầu băng quay trở lại rìa của Hệ Mặt Trời.

Trong một số trường hợp, Trái Đất đi qua các dòng mảnh vỡ trong hành trình quanh Mặt Trời. Khi hành tinh này “cày xới” những gì còn sót lại của Sao Chổi, các mảnh đá va vào bầu khí quyển của chúng ta và cháy rụi, tạo nên một “màn trình diễn” ngoạn mục trên bầu trời đêm.

Mưa sao băng cũng xảy ra trên Sao Hỏa, mặc dù hành tinh đỏ chứng kiến những “màn trình diễn” khác nhau tùy thuộc vào các quỹ đạo Sao Chổi mà nó đi qua. Một số ít những trận mưa sao băng bắt nguồn từ các tiểu hành tinh, không phải Sao Chổi. Mưa sao băng Geminids nằm thuộc loại này và được cho là bắt nguồn từ tiểu hành tinh 3200 Phaethon.

Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác tại sao thiên thạch này lại có thể tạo ra “màn trình diễn” rực rỡ đến vậy. Nhưng một nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng tiểu hành tinh này là một phần của một thiên thể hành tinh lớn hơn, có thể là một Sao Chổi, đã vỡ ra trong một vụ va chạm hoặc nổ, và các mảnh vỡ tạo nên mưa sao băng.

Một vài thiên thạch có thể rơi vào bất kỳ đêm nào, nhưng thời điểm tốt nhất để ngắm chúng là vào thời điểm đỉnh điểm của một trận mưa sao băng hằng năm. Hiện là là lúc Trái Đất đi qua một phần đặc biệt dày đặc của luồng mảnh vỡ Sao Chổi - “sự kiện” này xảy ra vào những thời điểm có thể dự đoán được mỗi năm.

Nhìn từ bề mặt Trái Đất, các thiên thạch trong các trận mưa sao băng hằng năm dường như tỏa ra từ những điểm cụ thể trên bầu trời đêm. Do đó, hầu hết các trận mưa sao băng được đặt tên theo chòm sao mà chúng dường như rơi xuống.

Ví dụ, trận mưa sao băng Perseid dữ dội xảy ra vào mỗi tháng 8 được đặt tên theo nguồn gốc của nó trong khu vực chòm sao Perseus - một vị anh hùng trong thần thoại.

Mỗi trận mưa sao băng lớn có tốc độ đạt điểm cực đại khác nhau. Một số trận, như trận Lyrids vào tháng Tư, có tốc độ khoảng 15-20 sao băng một giờ. Một số trận khác, như trận Geminids vào tháng 12, có tốc độ lên tới 60-70 sao băng một giờ.

Thật không may, các nhà thiên văn học chưa thể dự đoán thật chính xác khi nào một trận mưa sao băng nhất định sẽ tạo ra những màn trình diễn đặc biệt rực rỡ. Một số trận mưa sao băng lớn có thể nhìn thấy rõ nhất từ Nam hoặc Bắc bán cầu.

Cách tốt nhất để trải nghiệm mưa sao băng là đi đến những vùng nông thôn tối hơn, tránh xa ô nhiễm ánh sáng và đợi chòm sao tỏa sáng của mưa sao băng “mọc” cao trên bầu trời. Để mắt bạn thích nghi với bóng tối, sau đó chú ý đến những tia sáng thoáng qua.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })