Dẫn tuyên bố của Giám đốc Điều hành Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto, Washington Post ngày 3-9 cho biết, vắc xin phòng ngừa Covid-19 không phải là điều kiện tiên quyết để tổ chức Olympic Tokyo 2020. Dù vậy, việc phát triển thành công vắc xin vào năm 2021 vẫn sẽ đem lại nhiều lợi ích và ban tổ chức kỳ vọng điều này sẽ xảy ra.
Ông Muto cũng nhận định, sẽ quá lạc quan nếu cho rằng dịch bệnh sẽ trở thành “một vấn đề của quá khứ” vào mùa hè năm 2021, đặc biệt khi chỉ còn hơn 10 tháng nữa là đến thời điểm tổ chức Olympic Tokyo, vào ngày 23-7-2021.
Các kịch bản của Olympic Tokyo vẫn đang được tiến hành song song. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đã đạt thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioN-Tech (Đức) để bảo đảm 120 triệu liều vắc xin cho 60 triệu người vào tháng 6-2021 nếu các thử nghiệm lâm sàng thành công. Bộ Y tế Nhật Bản cũng thông báo đã đồng ý mua thêm 120 triệu liều vắc xin từ nhà sản xuất AstraZeneca (Anh) vào năm 2021, trong đó 30 triệu liều sẽ được cung cấp vào tháng 3 cùng năm.
Mục đích của Nhật Bản trong việc mua số lượng lớn vắc xin là nhằm bảm đảo toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng ở giai đoạn nửa đầu năm sau. Chính phủ Nhật Bản cũng coi Olympic Tokyo là cơ hội để thể hiện sự phục hồi của đất nước sau những tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Ngày 4-9, đại diện Chính phủ Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo và Ban tổ chức Olympic Tokyo đã có các cuộc họp để bàn về kế hoạch tổ chức sự kiện thể thao này, trong đó gồm các biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan, như giãn cách xã hội, hạn chế khán giả, đeo khẩu trang và xét nghiệm.
Ông Muto nhấn mạnh, Olympic Tokyo vẫn sẽ diễn ra nên nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm hiểu và đạt được những biện pháp hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh.
“Vấn đề không chỉ liên quan đến khán giả. Chúng tôi đang thảo luận các phương án dành cho vận động viên và những bên liên quan, gồm cả truyền thông, các ủy ban Olympic quốc gia và các liên đoàn quốc tế”, ông Muto cho biết.
Theo Báo Hà Nội Mới