Trước khi tòa nhà 8 tầng trụ sở của Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM (81 Trần Quốc Thảo, Quận 3) được xây dựng, mỗi tuần một lần, vào ngày thứ Năm, anh đến tòa soạn Báo Văn nghệ TPHCM để gửi bài. Những bài viết và các bút tích của các nhà văn, nhà thơ mà anh đã dày công sưu tầm trong một thời gian dài. Đó cũng là khoản thời gian mà anh Trần Thanh Phương và tôi thường xuyên gặp nhau “có định kỳ” nhất.
Có lần tôi hỏi:
- Bây giờ là thời đại công nghệ, anh chỉ cần ngồi nhà, nhấp chuột một phát là bài viết của anh tới tòa soạn, anh đi làm chi cho cực thân?
Anh cười toe, trả lời:
- Một công đôi chuyện, đến đây cớ là gửi bài, nhưng chủ đích là gặp anh em văn nghệ, bởi đây là cái “ổ” mà.
Vừa nói, anh vừa chỉ tay ra phía quán bia lụp xụp nhưng quanh năm không ngày nào vắng khách nhậu mang tên “Căn-tin Văn nghệ”. Cái “ổ’ anh nói tới chính là cái căn - tin đó, nơi tụ tập tất cả “anh tài” của Sài Gòn ở 9 lãnh vực văn hóa nghệ thuật, ai muốn tìm nhà thơ, nhà văn, nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên múa, diễn viên đóng phim, diễn viên hài, thậm chí người mẫu… thì cứ đến đây ắt sẽ gặp. Đây còn là địa chỉ hẹn hò mà ‘trăm người biết cả trăm”, không cần cạc-vi-sít, chỉ cần nói “đến 81 nhen” tức thì là đúng đích.
Nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam |
Sau này thì cách nói trịnh trọng hơn, gọi là “dự án –sưu tầm”, chứ đầu tiên, anh chỉ nói gọn lỏn: Anh đã và đang làm cuốn sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam. Anh có tìm được nhiều người rồi, anh nghĩ, sau này, chúng ta chết đi, nhưng cuốn sách sẽ còn mãi, và những người trong cuốn sách ấy không mất, mà sẽ còn tồn tại mãi mãi, cũng là cái mà chúng ta hôm nay để lại cho con cháu mình ngày mai. Làm cuốn sách này cực quá, nhưng anh thích. Cứ nghĩ đến sau này, thế hệ trẻ nó còn biết Nguyễn Đình Thi, Chim Trắng, Nguyễn Quang Sáng... là ai, mặt mũi ra sao, chữ viết thế nào là anh vui rồi.
Anh nói, cái cảnh đi tìm từng người (nhân vật cuốn sách) "xin" thông tin rất cực. "Nếu anh em nào đồng ý xong về gửi liền thì khỏe, có anh em hứa rồi quên bén, anh chờ mỏi cổ chẳng thấy, lại phải đi tìm đến nơi nhắc nhở, không phải họ “chảnh” đâu em, mà là họ ‘quên”, nhà văn, nhà thơ mà, nhớ dai mới là chuyện lạ".
Đó là nỗi “đoạn trường” của anh Trần Thanh Phương mà tôi biết trong giai đoạn thực hiện cuốn sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam. Đúng là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cuốn sách ấy không cơ quan nào đầu tư kinh phí, bạn bè văn chương cho thơ, cho bút tích, cho hình ảnh, cho vài dòng tự bạch về bản thân để anh đăng trong cuốn sách ấy chứ chẳng ai cho anh tiền, từ A đến Z, tất tần tật các khâu, anh cứ móc tiền túi ra mà chi.
Khi cuốn sách được hoàn thành, anh lại hí hửng đến khoe, những nhà văn nhà thơ còn sống thấy mình trên trang sách ấy thì cười rạng rỡ, còn nụ cười của anh vẫn tươi rói: "Nếu có sức khỏe, anh làm tiếp cuốn thứ 2".
Tôi nghe xong cứ chực muốn khóc cho cái tật "tào lao" của anh. Bởi thời gian sau này anh không còn khỏe như trước, về hưu không làm báo nữa thì viết văn, mà văn chương nhuận bút được mấy đồng đâu.
Khi cuốn sách Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam được xác lập kỷ lục, bên Trung tâm Kỷ lục Việt Nam có làm một buổi họp báo, ra mắt và giới thiêu cuốn sách. Anh đứng lật từng trang, tay run run, gương mặt đầy căng thẳng. Ai cũng hiểu, đó là giây phút anh hạnh phúc nhất. Anh kêu tôi lại gần và nói nhỏ:
- Em thấy chưa, mất và còn là ở chỗ này nè. Anh ráng khỏe để anh còn làm tiếp cuốn thứ 2, anh muốn tất cả bạn bè văn chương đều có mặt.
Nhưng người muốn mà trời không muốn, thời gian sau này anh bệnh liên miên, không còn lấy cớ đến tòa soạn Báo Văn nghệ TPHCM để gửi bài, để lân la vào cái “ổ” mà "xin" bạn bè văn chương bút tích, hình ảnh cũng như tác phẩm.
Tác phẩm do anh sáng tác tính ra cũng không ít, anh viết đủ thể loại, trong đó có ký, truyện ngắn, truyện dài, sưu khảo… nhưng có thể, sẽ không ai nhớ những tác phẩm đó dù đã có lần đọc qua, tuy nhiên khi nói đến Trần Thanh Phương, người ta sẽ nhớ ngay đến Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam mà khi in thành sách nó được đặt tựa là Chân dung bằng chữ (Bút tích, 2011) và những kỷ lục đã được xác lập, đó là: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”; “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” và “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”.
12g25 ngày 7/2/2020, nhà văn-nhà báo-nhà sưu tập Trần Thanh Phương đã từ trần sau 2 ngày cấp cứu tại Bệnh viện 115 (TPHCM) vì bệnh viêm gan. Ông là người có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Về thể loại ký, ông có: San hô đỏ (xuất bản năm 1975); Trong rừng dẻ hương; Xứ sở phù sa; Xa xa mũi đất Cà Mau (1987); Về nhà mình xa quá, má ơi! (2006); nhật ký: Sài Gòn tầng cao - Sài Gòn tầng thấp (2000); Ngòi bút và cây kéo (Hồi ký, 2008); truyện ngắn: Tuyển tập ngắn, in chung (1975); truyện dài: Phương Đông (1980); sưu khảo: Những người còn sống mãi (1980), Những trang về An Giang (1984), Minh Hải địa chí (1985), Bác Tôn của chúng ta (Sưu tập, 1988), Cửu Long địa chí (1988), Bác Hồ của chúng ta (1989), Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ (2001), Nghệ sĩ Bạch Tuyết - cải lương chi bảo (2004), 100 sự kiện nổi bật ở TP. Hồ Chí Minh (1975-2005) (2006), Nguyễn Quang Sáng với bạn bè (Sưu tầm, 2010), Chân dung bằng chữ (Bút tích, 2011), Huỳnh Văn Tiểng - tình sâu nghĩa nặng (Biên soạn, 2012), Lời cuối với Nhà văn đã đi xa (2016), Rượu với văn chương (2017)... |
P. N. Thường Đoan/Báo Phụ Nữ