xuân

Ngành heo “tái cấu trúc” trong cơn bĩ cực: Thị phần đang rơi mạnh vào tay doanh nghiệp, giá quay về mốc 60.000 đồng/kg, ông Trương Sỹ Bá dự đoán có thể đạt 100.000 đồng/kg

Nếu trước năm 2019, các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi, thì sau dịch tả lợn (ASF) vừa qua, con số này đang giảm mạnh. Số lượng nông hộ tại Việt Nam đã giảm gần gấp 5 lần chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ trong 10 năm gần đây.

Sau khi chạm đáy 45.000 đồng/kg, giá heo hơi đang dần hồi phục và có những phiên tăng tốt những ngày qua. Chốt phiên hôm nay 23/5/2023, giá heo hơi trung bình vào mức 58.400 đồng/kg, có nơi đã vượt mức 60.000 đồng/kg – tăng 34% trong 2 tháng (so với mức thấp nhất hồi trung tuần tháng 3/2023).

Điều này đã được lãnh đạo các doanh nghiệp kỳ vọng trước đó. Bởi, ngành heo có tính chu kỳ, chưa kể việc các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dần bỏ đàn (do không thể cầm cự) khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá heo tăng lại.

Tại mức đáy gần nhất dao động trong khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg, một người trong cuộc cho hay nông dân nhỏ lẻ nếu giữ được đàn trong dịch sẽ phải chịu lỗ. Bởi vì, giá vốn của họ là 53.000 - 54.000 đồng/kg, ai làm tốt hơn thì 51.000 - 52.000 đồng/kg.

Trong khi giá vốn của doanh nghiệp với quy mô lớn thấp hơn, chia sẻ của lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Nông nghiệp BaF thì vào khoảng 42.000 – 45.000 đồng/cp. Hai đơn vị này có lợi thế là tự sản xuất cám, riêng HAGL tận dụng được chuối thải nên giá thành sản xuất cạnh tranh hơn đơn vị cùng ngành.

Ngoài ra, tên tuổi lớn khác còn có Dabaco (DBC), công ty không chia sẻ cụ thể về giá vốn con heo. Một nguồn tin cho biết, giá thành sản xuất mảng heo của DBC đang ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg. Và thực tế quý 1/2023, DBC đã báo lỗ kỷ lục hơn 320 tỷ đồng.

Ngành heo “tái cấu trúc” trong cơn bĩ cực: Thị phần đang rơi mạnh vào tay doanh nghiệp, giá quay về mốc 60.000 đồng/kg, ông Trương Sỹ Bá dự đoán có thể đạt 100.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Thị phần hộ chăn nuôi rơi mạnh vào tay doanh nghiệp: Từ 70% chỉ còn 20-30%

Điều này cho thấy, ngành heo đang tự tái cấu trúc cực mạnh sau cơn bĩ cực vừa qua. Trong đó, thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần rơi vào tay doanh nghiệp niêm yết, dĩ nhiên với những đơn vị có lợi thế về giá thành sản xuất. Nếu trước năm 2019, các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi, thì sau dịch tả lợn (ASF) vừa qua, con số này đang giảm mạnh. Số lượng nông hộ tại Việt Nam đã giảm gần gấp 5 lần chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ trong 10 năm gần đây.

Đơn cử, riêng địa bàn Đồng Nai, thị phần chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 25-30% giảm mạnh so với mức 70% trước đây, chia sẻ bởi ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch BAF – tại ĐHĐCĐ vừa qua. Chiều ngược lại, doanh nghiệp nói chung và BAF nói riêng đang đón sóng này, tức lấy thị phần từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Đến nay, tổng đàn của BAF ghi nhận vào khoảng 230.000 đầu heo. BAF định hướng tiếp tục mở rộng hệ thống trang trại hiện đại, đưa vào vận hành thêm 9 trại vào cuối năm 2024. Dự kiến tổng đàn BAF sẽ đạt 90.000 heo nái và 2,2 triệu heo thương phẩm, hướng đến lọt Top 3 công ty chăn nuôi.

Về phía HAGL, năm 2023 theo kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên, sẽ duy trì quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất 600.000 con heo thịt/năm. Tuỳ thuộc vào tình hình, nếu giá heo tốt lên sẽ thay đổi linh hoạt.

“Câu chuyện giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg như năm 2020 là hoàn toàn có thể

Hiện, giá heo đang trong xu hướng tăng tốt. Nguyên nhân, trong bối cảnh dịch ASF đang hoành hành thời gian qua, tổng đàn heo của Việt Nam bị hao hục 20-25%. Ngoài ra, giá heo giao dịch quanh vùng đáy đã khiến nông hộ bán ra ồ ạt và hạn chế việc tái đàn. Dưới tác động của dịch bệnh, dự báo cuối tháng 5 cho đến hết quý 2 năm sau, giá heo hơi bình quân sẽ rơi vào khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg.

Chưa kể, theo dự báo của OECD, Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030. Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng lên 25%, cho đến năm 2026, tiêu thụ thịt heo bình quân ở Việt Nam là 31kg/người.

Trong khi nguồn cung heo tiếp tục hạn chế trong thời gian sắp đến cùng với sự hồi phục của tổng cầu sẽ là chất xúc tác chính thúc đẩy giá heo hơi.

“Với diễn biến dịch, câu chuyện giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg như năm 2020 là hoàn toàn có thể. Tóm lại, đây là cơ hội cho những nhà chăn nuôi hiện đại ”, ông Sỹ Bá nói.

Giành được thị phần, giá heo hồi phục trở lại, chưa kể xác định sống chung với dịch vừa là thách thức, song là cơ hội lớn cho doanh nghiệp nếu bảo về dược đàn. Đặc biệt là câu chuyện các công ty đang giành thị phần của khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ. Dự đoán trong 7-10 năm tới, khi mà tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ổn định, câu chuyện cạnh tranh heo hơi sẽ rất khốc liệt.

Do đó, từ bây giờ lãnh đạo nhấn mạnh phải tính đến câu chuyện cạnh tranh trong tương lai với Feed – Farm – Food. Thực tế, hầu hết các đơn vị niêm yết đã sớm phát triển mô hình khép kín này.

Chia sẻ cụ thể về quy trình làm chuỗi 3F, đại diện BAF cho hay:

Một, mảng Feed là mảng dễ nhất và hiệu quả nhất, nhưng phải bán được sản phẩm và lợi nhuận có thể vào khoảng 8-10%. Nhưng, gần đây các công ty chăn nuôi cũng đang khó khăn và bắt đầu tái cấu trúc. Mảng này 5-7 năm gần đây đã đến giai đoạn bão hoà, hiện đang suy giảm.

Hai, mảng Farm là nguồn tiêu thụ cho mảng Feed. Tuy nhiên, làm mảng này cũng cực kỳ khó. Bởi có tiền là xây dựng được, nhưng để quản trị hiệu quả thì cực kỳ khó khăn, phức tạp. Có thể khẳng định, chăn nuôi heo là khó nhất trong hệ sinh thái BAF đang làm.

Cuối cùng, mảng Food chắc chắn phải xây dựng bởi nếu các nhà máy đều cơ cấu chuyển sang Feed - Farm và dừng ở đó thì cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Mảng Food thì phải giết mổ và sau đó phải bán ra các kênh phân phối, cũng như chế biến sâu để tối ưu bài toán giá trị gia tăng.

Mô hình 3F và hai bài toán lớn doanh nghiệp cần giải quyết

Có hai bài toán lớn cần giải quyết, đầu tiên là là thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Hiện, người tiêu dùng Việt trên 90% cứ ra chợ mua thịt tươi, hay còn gọi là thịt nóng. Thậm chí, bà nội trợ còn sờ, nhấn thịt không lún mới tươi, mới mua.

Bài toán thứ hai chính là phụ phẩm. Doanh nghiệp giết mổ càng nhiều, bán được nhiều thịt nhưng phụ phẩm cũng dư rất nhiều. Do đó, BAF hiện nay tập trung xử lý phụ phẩm, giải quyết được mới bán được.

Hiện, Siba Food của BAF đang xây dựng chuỗi cửa hàng theo mô hình mẹ và con. Tương tự Bách Hoá Xanh, Siba Food sẽ có một cửa hàng lớn (cửa hàng mẹ) tại một điểm, từ đó phát triển 7-10 cửa hàng con lân cận với tên gọi là Meat Shop.

Tại HAGL, sau năm đầu thử nghiệm Bapi Food, đầu năm nay Công ty đã có thay đổi chiến lược do chưa hiệu quả. Theo đó, Bapi Food sẽ đẩy mạnh thông qua nhượng quyền, song song tăng cường danh mục sản phẩm (bao gồm các loại rau củ quả… tự trồng sắp tới).

Dù còn nhiều khó khăn, song giá heo liên tục tăng đã phản ánh vào giao dịch cổ phiếu các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. HAG, DBC và BAF đã có những phiên xanh điểm sau khi giảm sâu.