xuân

Nga-Trung Quốc 'thân nhau' không ngại rủi ro, hy vọng lớn ở vùng đất địa chiến lược

Không chỉ bổ sung cho nhau về kinh tế, bộ máy chính trị cũng có điểm tương đồng, lại thêm sự gần gũi về địa lý và các mục tiêu chiến lược khiến hai nền kinh tế Nga-Trung Quốc ngày càng tìm thấy điểm chung để xích lại gần nhau hơn.

Nga-Trung Quốc: Tìm thấy điểm chung chiến lược, 'thân nhau' không ngại rủi ro, cùng thách thức trật tự của Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Nga-Trung Quốc: Tìm thấy điểm chung chiến lược, 'thân nhau' không ngại rủi ro, cùng thách thức trật tự của Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Ngày 4/2/2022, trong dịp khai mạc Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không giới hạn”, “vượt qua một liên minh”.

Nga xoay trục sang phương Đông

Tuyên bố chung được đưa ra sau đó nêu rõ rằng mối quan hệ song phương bền vững hơn bất kỳ liên minh nào trong Chiến tranh Lạnh và các đối tác có ý định đảo ngược trật tự quốc tế tự do hiện tại do Mỹ lãnh đạo.

Hai mươi ngày sau, Nga phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt ở biên giới phía Đông của Ukraine. Sau đó, Trung Quốc đã đình chỉ hoặc trì hoãn một số dự án đầu tư ở Nga. Tuy nhiên, hơn một năm sau, Trung Quốc đã nối lại một số hoạt động đầu tư.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đối tác năng lượng của Nga đã tăng lên đáng kể. Với việc Nga phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây và các công ty dầu mỏ phương Tây ngừng hoạt động, Điện Kremlin đã mở rộng chính sách “xoay trục sang phương Đông”.

Trước đó, Nga tham gia sâu vào thị trường dầu mỏ châu Âu. Nga xuất khẩu 155 tỷ m3 khí đốt/năm sang châu Âu trong thời kỳ trước xung đột. Các đường ống dẫn khí đốt dưới biển mang tên Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) bắt nguồn từ phía Tây nước Nga cung cấp khí đốt cho Đức, từ đó khí đốt được phân phối đến phần còn lại của châu Âu.

Những đường ống này đã bỏ qua Ukraine. Mặc dù điều này mang lại lợi ích cho phần còn lại của châu Âu, nhưng khiến Ukraine mất đi khoản thu lớn - phí quá cảnh trị giá khoảng 2 tỷ USD/năm.

Kể từ khi xung đột quân sự bắt đầu, Nga đã cắt nguồn cung cấp từ các đường ống này để ngăn chặn sự hỗ trợ của châu Âu đối với Ukraine. Việc ngừng tiếp cận thị trường châu Âu tạo cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng can dự với Nga, đặc biệt là vùng Viễn Đông của Nga.

Nguồn vốn Trung Quốc có điểm đến mới

Phân tích của nhà nghiên cứu Prithvi Gupta trên trang Orfonline.org cho rằng, Trung Quốc và Nga chia sẻ mối quan hệ lâu dài, nhiều mặt và phức tạp. Trong những thập kỷ gần đây, hai nước đã trở nên thân thiết hơn, hình thành quan hệ đối tác chiến lược và thách thức trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Nêu bật các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Nhà nghiên cứu Prithvi Gupta nêu bật sự quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh tại Vùng Viễn Đông của Nga với các tác động địa chiến lược và địa kinh tế.

Từ lâu, tỉnh Viễn Đông Khabarovsk Krai của Nga thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh. Tỉnh này là một kho dự trữ năng lượng và khoáng sản chưa được khám phá và là một tuyến đường cung cấp năng lượng trên đất liền cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng từng có mối liên hệ lịch sử với khu vực này từ thế kỷ XIX.

Lịch sử cho thấy, trong quan hệ với vùng Viễn Đông, Nga luôn ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên chính của khu vực.

Năm 2014, khi Nga đưa ra Kế hoạch phát triển Bắc Cực, Moscow không đề cập đến sự tham gia của Trung Quốc hoặc thậm chí không để ý tới các nhu cầu của Bắc Kinh trong việc phát triển khu vực.

Tuy nhiên, ngày nay, các động lực song phương đã thay đổi. Với việc Bắc Bán cầu phần lớn xa lánh Nga, Moscow quay sang đối tác Trung Quốc. Nga cũng mở đường cho các dự án phát triển và thăm dò năng lượng do Trung Quốc tài trợ ở các khu vực Amur, Siberia và Bắc Nga. Đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc là một minh chứng.

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Trung Quốc đồng ý bổ sung thêm hai nhánh nữa cho đường ống này là Sức mạnh Siberia 2 và 3 vận chuyển 28 tỷ m3 và 34 tỷ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc với kế hoạch hoàn thành dự kiến vào năm 2025 và 2029.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga kể từ cuộc xung đột Ukraine không chỉ tập trung vào năng lượng mà còn bao gồm các lĩnh vực khai thác mỏ và phát triển cơ sở hạ tầng.

Tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev tuyên bố hơn 90% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Viễn Đông (khoảng 26 dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1,6 tỷ USD) được tài trợ bởi các công ty nhà nước Trung Quốc.

Thực tế trên cho thấy, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực, với mức tăng kỷ lục 45% so với cùng kỳ năm ngoái trong khoảng thời gian từ tháng 1-8/2022 (14,3 tỷ USD). Viễn Đông là khu vực quan trọng nhất của Nga trong việc thu hút đầu tư của Trung Quốc.

Cả hai quốc gia cũng tận dụng đường ống Sức mạnh Siberia để tiếp tục tách khỏi chuỗi cung ứng năng lượng của phương Tây.

Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2023, tăng từ vị trí thứ ba trong năm 2021 sau Saudi Arabia và Iran. Trung Quốc cũng đang mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu cao. Giá dầu thô của Nga trung bình là 73,53 USD/thùng, thấp hơn 13,7% so với giá dầu quốc tế trung bình là 85,23 USD/thùng. Với nhập khẩu dầu của Nga trị giá 83,7 tỷ USD năm 2022, Bắc Kinh đã tiết kiệm được gần 11 tỷ USD.

Hơn nữa, cả hai quốc gia đã sử dụng cơ chế hoán đổi tiền tệ song phương cho hoạt động thương mại này nhằm bảo vệ các khoản thanh toán khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngân hàng Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, ít kết nối với SWIFT và hệ thống tài chính quốc tế do USD thống trị.

Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho vùng Viễn Đông của Nga, các công ty Trung Quốc cũng đang tìm cách lấp đầy khoảng trống mà 1.000 công ty đa quốc gia phương Tây rút lui sau tháng 2/2022. 11 công ty ô tô Trung Quốc như Chery, Greatwall và Geely dự kiến chiếm 40% thị trường Nga, so với mức 6% vào năm 2021. Xuất khẩu thiết bị gia dụng từ Trung Quốc cũng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự chiếm lĩnh thị trường nhanh nhất diễn ra trong lĩnh vực điện thoại thông minh, trong đó các công ty Trung Quốc như Xiaomi và Realme chiếm 70% thị trường vào năm 2022.

Tuy nhiên, cũng có một xu hướng trái ngược. Nỗi sợ hãi về các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và DJI rời Nga, khiến Moscow không hài lòng. Ngay cả các ngân hàng nhà nước Trung Quốc như ICBC và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng e dè cắt giảm hoạt động.

Đầu tư của Trung Quốc vào Nga tăng mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng và giao thông.

Dòng vốn Trung Quốc đã giúp Nga giảm thiểu tác động bất lợi của hàng loạt trừng phạt chồng hạn chế từ phương Tây và cung cấp sự hỗ trợ rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào Trung Quốc này đi kèm với những thách thức và rủi ro riêng. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc mang lại lợi ích ngay lập tức nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng mất quyền kiểm soát đối với các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Chẳng hạn, Nga có thể sẽ cần đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng để tránh tạo ra sự phụ thuộc.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})