xuân

Năm 2025, đến lượt Mỹ 'ngồi vào ghế nóng', ông Trump sẽ đối phó ra sao với khoản nợ quốc gia cao ngất ngưởng?

Tình hình tài chính của nước Mỹ dự báo sẽ là vấn đề đau đầu đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump khi chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là đến lễ nhậm chức.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã dành phần lớn năm 2024 để lo lắng về những rắc rối của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng bất động sản và giảm phát. Trong năm tới, đến lượt nước Mỹ sẽ "ngồi vào ghế nóng".

Mặc dù cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh do Tổng thống đắc cử Donald Trump khởi xướng đang trở thành tiêu điểm, nhưng sự mất cân bằng lớn giữa đầu tư nước ngoài ròng của Mỹ so với nợ liên bang đang nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, buộc Bộ Tài chính nước này phải sớm đưa ra một kế hoạch ổn định tài chính, nếu không nền kinh tế số một thế giới sẽ phải trả giá đắt.

Năm 2025, đến lượt Mỹ 'ngồi vào ghế nóng', ông Trump sẽ đối phó ra sao với khoản nợ quốc gia cao ngất ngưởng?
Tình hình tài chính của nước Mỹ dự báo sẽ là vấn đề đau đầu đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. (Nguồn: The Sidney Morning Herald)

Rủi ro bủa vây

Hóa đơn cho những khoản nợ của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19 sắp đến hạn, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đang tỏ ra ngày càng ít hứng thú hơn với tài sản của nước Mỹ. Thêm một lý do khác là những rủi ro phát sinh từ mức thuế quan siêu lớn được ông Trump đang ấp ủ thực hiện sau khi trở lại Nhà Trắng.

Chỉ còn hai tuần nữa, Tổng thống Biden sẽ chính thức trao lại quyền lực cho ông Donald Trump, kèm với đó là một khoản nợ quốc gia lên tới 36 nghìn tỷ USD. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử và trở thành khoản nợ quốc gia lớn nhất thế giới tính theo giá trị danh nghĩa.

Nợ quốc gia của Mỹ là số tiền mà chính quyền liên bang nợ chủ nợ. Chủ nợ có thể là cá nhân như công dân Mỹ hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhỏ cũng như tiểu bang và quỹ tài trợ lớn.

Tuy nhiên, dưới thời của chính quyền Tổng thống Trump 2.0, nước Mỹ sẽ đối mặt với ngã ba đường tài chính: đẩy chi tiêu công đến giới hạn đỏ hoặc đưa ra một chiến lược để giảm sự phụ thuộc của Washington vào hàng nhập khẩu.

Thuế quan và rào cản thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát và hạn chế tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng của xứ cờ hoa sẽ chậm lại và nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc ít hơn vào thời điểm Bắc Kinh phải đối mặt với doanh số bán lẻ yếu và giảm phát.

Các hộ gia đình Trung Quốc thậm chí có thể có ít phương tiện hơn để mua hàng hóa từ Mỹ khiến Bắc Kinh phải dùng đến biện pháp làm suy yếu đồng NDT để duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ khổng lồ.

Năm 2025, đến lượt Mỹ 'ngồi vào ghế nóng', ông Trump sẽ đối phó ra sao với khoản nợ quốc gia cao ngất ngưởng?
Nợ quốc gia Mỹ vượt mốc 36 ngàn tỷ USD. (Nguồn:Rockymountainvoice.com)

Takatoshi Ito, nhà kinh tế học của Đại học Columbia (Mỹ) nhận định: "Ngoài việc xa lánh bạn bè và đối tác, chính sách thuế quan của ông Trump có thể sẽ còn không thúc đẩy mục tiêu rõ ràng là giảm thâm hụt thương mại cho nước Mỹ.

Theo chuyên gia này, nếu các quốc gia khác áp dụng thuế quan trả đũa, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ - và thương mại toàn cầu nói chung - có thể sẽ giảm. Hơn nữa, thuế quan cao của Mỹ sẽ thúc đẩy lạm phát trong nước, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất, khiến đồng USD tăng giá, xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng".

Ông Takatoshi Ito cảnh báo, chính sách thuế quan cũng sẽ làm tăng thâm hụt tài chính của Mỹ vì khi ông Trump hứa sẽ cắt giảm thuế toàn diện mà không cắt giảm chi tiêu để bù đắp cho khoản doanh thu bị mất. Khi thâm hụt tài chính làm suy yếu tiết kiệm và đầu tư quốc gia, thâm hụt thương mại vì thế cũng sẽ tăng lên.

"Giống như Tổng thống Ronald Reagan vào những năm 1980, ông Trump có khả năng sẽ gây ra thâm hụt kép. Chi phí hàng hóa tăng, cùng với những hạn chế tiềm ẩn về phía cung trên thị trường lao động do các chính sách nhập cư được ông Trump đề xuất, cũng có thể khiến lạm phát tăng 1%", chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng ING James Knightley cho hay.

Đương nhiên, ông Trump chắc chắn sẽ cáo buộc các đối tác thương mại của Washington "phá giá" hàng hóa hoặc duy trì tỷ giá hối đoái thấp một cách giả tạo.

"Một số nhà quan sát suy đoán rằng ông Scott Bessent - người được ông Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Tài chính có thể kêu gọi một cuộc họp đặc biệt tại G20 để gây sức ép buộc các quốc gia khác định giá lại đồng nội tệ so với đồng USD, một động thái gợi nhớ đến Hiệp định Plaza năm 1985", ông Ito phân tích. Chuyên gia Ito đồng thời cho rằng "trừ khi Tổng thống đắc cử Mỹ có cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách thuế quan áp dụng đối với hàng nhập khẩu thì Washington còn bị kiềm chế, xét về cả động lực kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu".

Tin liên quan
Mỹ sắp chạm trần nợ công, Bộ trưởng Tài chính kêu gọi hành động bảo vệ lòng tin của đất nước

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài đối với nợ chính phủ Mỹ đang giảm dần. Trong hơn một thập kỷ qua, các tổ chức chính thức nước ngoài đã liên tục cắt giảm trái phiếu kho bạc Mỹ, khoảng trống này sau đó được các tổ chức tài chính trong nước lấp đầy.

Đã có những thời điểm trong năm 2024, giới đầu tư bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ vì cho rằng Fed không thể giảm nhanh lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế giữ nhịp tăng trưởng vững vàng. Nhìn về năm 2025, nhà đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm mối lo về một lượng lớn tín phiếu sắp đến kỳ đáo hạn.

Theo hãng tin CNBC, gần 3 nghìn tỷ USD nợ chính phủ Mỹ sẽ đáo hạn trong năm nay, phần lớn là tín phiếu, loại nợ có kỳ hạn ngắn mà Bộ Tài chính Mỹ đã phát hành với số lượng lớn trong mấy năm gần đây. Chính phủ Mỹ muốn kéo dài kỳ hạn của số nợ bằng tín phiếu này bằng cách phát hành trái phiếu mới với kỳ hạn dài để đảo nợ, nên việc một lượng tín phiếu ngắn hạn lớn như vậy sắp đáo hạn có thể đồng nghĩa khó khăn mới cho nhà đầu tư.

Vấn đề ở đây là thị trường thậm chí có thể chưa sẵn sàng để hấp thụ những đợt phát hành trái phiếu kho bạc Mỹ được dự báo sẽ ồ ạt trong năm nay khi chính phủ nước này vay nợ để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách gần 2 nghìn tỷ USD, chứ đừng nói đến số trái phiếu dài hạn được phát hành để đảo nợ tín phiếu.

“Chính phủ Mỹ sẽ có thâm hụt ngân sách hàng nghìn tỷ USD cho tới sau năm 2025, nên việc phát hành trái phiếu sẽ áp đảo phát hành tín phiếu”, ông Tom Tzitzouris - Trưởng bộ phận thu nhập cố định của Công ty Strategas Research Partners nhận định.

Chính sách thời Trump 1.0 hay thời Biden hiệu quả hơn?

Các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cho rằng, đã đến lúc nước Mỹ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Chìa khóa là tăng năng suất, khơi dậy sự đổi mới và tạo ra một mô hình sản xuất mới. Song hành với đó là tăng cường đào tạo để củng cố nguồn nhân lực, tạo động lực cho thế hệ doanh nhân công nghiệp mới và cải thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn vào chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác để nâng cao vai trò đổi mới của nước Mỹ.

Việc các "gã khổng lồ" có giá trị về thương hiệu của Mỹ như Boeing, General Motors hay Intel đang suy giảm ảnh hưởng trên toàn cầu cũng là một bài toán yêu cầu Washington phải nỗ lực trong việc hồi sinh các biểu tượng kinh tế.

Tổng thống Biden đã xoay trục phần nào theo hướng củng cố và tăng cường sức mạnh kinh tế trong nước. Cụ thể, đạo luật CHIPS và Khoa học mà ông Biden ký ban hành năm 2022 đã triển khai 300 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu và phát triển trong nước. Tổng thống đương nhiệm cũng thực hiện các bước đi khuyến khích đổi mới, nâng cao năng lực bán dẫn của Mỹ và gia tăng năng suất.

Đạo luật cũng đánh dấu sự thay đổi so với thời Trump 1.0, trong đó trọng tâm là khoản cắt giảm thuế 1,7 nghìn tỷ USD nhưng không giúp tăng khả năng cạnh tranh hoặc tăng năng lực trong nước.

Theo nhà kinh tế học Ken Heydon tại Trường Kinh tế London (Anh), việc "sửa chữa" sự mất cân bằng thương mại, trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump đã khiến thâm hụt thương mại của nước Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, từ 481 tỷ USD lên 679 tỷ USD.

Năm 2025, đến lượt Mỹ 'ngồi vào ghế nóng', ông Trump sẽ đối phó ra sao với khoản nợ quốc gia cao ngất ngưởng?
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cả thời Trump 1.0 lẫn 4 năm điều hành của ông Biden đều không đưa ra được những kế hoạch đáng tin cậy để cạnh tranh với Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Ông Heydon lưu ý thêm, các chính sách mở rộng tài khóa của Washington đồng nghĩa với việc siêu cường số một thế giới sẽ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn mức sản xuất, và rõ ràng ngay từ đầu đã duy trì "lý do cơ bản gây ra thâm hụt thương mại".

Chính sách này vừa trực tiếp thông qua việc tăng chi phí đầu vào, kìm hãm sự cạnh tranh nâng cao năng suất, thúc đẩy sự trả đũa và làm xấu đi các điều kiện thương mại, vừa gián tiếp thông qua việc tăng giá tiền tệ và cho phép tăng lương trong các ngành cạnh tranh nhập khẩu.

Thật không may, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cả thời Trump 1.0 lẫn 4 năm điều hành của ông Biden đều không đưa ra được những kế hoạch đáng tin cậy để cạnh tranh với nỗ lực lên tới hàng nghìn tỷ USD của Bắc Kinh nhằm dẫn đầu tương lai của xe điện, robot, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hàng không, đường sắt cao tốc...

Nỗi lo về đồng USD

Hàng loạt mức thuế quan mà ông Trump dự kiến áp dụng với các quốc gia ngay khi chính quyền mới của ông được thiết lập có thể gặp vấn đề, mà theo nhà kinh tế David Lubin của Viện nghiên cứu Chatham House là "vấn đề về đồng USD".

Tin liên quan
Hai đối thủ tăng cường Hai đối thủ tăng cường 'phô' sức mạnh, vị thế USD vẫn 'vững như thạch bàn', vì sao vậy?

Ông Lubin lưu ý, trong những tháng gần đây, ông Trump "đã thể hiện rõ ràng mong muốn tỷ giá hối đoái yếu hơn để hỗ trợ sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Mỹ và giúp giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, "dường như thị trường đã cảm nhận được kể từ cuộc bầu cử", ông Lubin nói, "kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn là các chính sách của ông sẽ củng cố vị thế của đồng bạc xanh. Rủi ro là đồng USD - vốn đã đắt đỏ - tiếp tục được định giá quá cao và điều này có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu".

Theo ông Lubin, thâm hụt tài khoản vãng lai – thước đo rộng nhất về thâm hụt thương mại của một quốc gia và là thước đo sơ bộ nhưng hữu ích về tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính – chỉ hơn 3% GDP một chút vào năm ngoái.

Con số này chỉ bằng khoảng một nửa mức đạt được vào năm 2006, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nghĩa là rủi ro phát sinh từ đồng USD bị định giá quá cao có thể kéo dài đến giai đoạn sau của nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump.

“Đồng USD tăng giá thường có thể là tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó có xu hướng làm giảm tăng trưởng thương mại thế giới, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế của các nước đang phát triển và khiến các quốc gia có đồng tiền yếu đi khó kiểm soát lạm phát hơn”, ông Lubin bình luận.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })