![]() |
Mục tiêu tăng trưởng được điều chỉnh từ 8% lên 8,3–8,5%, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ và cụ thể hơn. (Nguồn: VGP) |
Chỉ trong nửa tháng diễn ra hai hội nghị trực tuyến toàn quốc (ngày 5 và 16/7) nhằm rà soát tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp hành động. Đáng chú ý, mục tiêu tăng trưởng được điều chỉnh từ 8% lên 8,3–8,5%, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ và cụ thể hơn.
Bộ Tài chính cũng xác định đây là “đích nhắm chính”, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt mục tiêu, quý III và IV cần tăng trưởng 8,9-9,5% – thách thức lớn nhưng không thiếu cơ sở, khi GDP nửa đầu năm đã tăng 7,52%, mức cao nhất trong 14 năm qua, nhờ xuất khẩu, FDI và tiêu dùng phục hồi mạnh.
Chính phủ xác định rõ các động lực trọng tâm cho tăng trưởng: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và đổi mới sáng tạo. Tổng vốn đầu tư xã hội sáu tháng cuối năm dự kiến lên tới 111 tỷ USD, cao hơn kịch bản trước đó, cùng với mục tiêu tăng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 13%. Các địa phương đầu tàu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thái Nguyên được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn, đóng vai trò “đầu kéo” của nền kinh tế.
Đặc biệt, vai trò của đầu tư công được đặt ở trung tâm. Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, tương đương gần 1 triệu tỷ đồng, là động thái nhằm kích thích hạ tầng, khơi thông dòng vốn tư nhân và FDI. Thêm vào đó, các gói tín dụng quy mô lớn cho hạ tầng, công nghệ số và nhà ở xã hội cũng được triển khai để tạo “hiệu ứng lan tỏa”.
Rõ ràng, mục tiêu 8,3-8,5% đòi hỏi nỗ lực vượt bậc. Áp lực đến từ sự bất định của kinh tế thế giới, cạnh tranh thương mại, giá cả nguyên liệu và áp lực lạm phát. Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là “mục tiêu không thể không làm và không phải bất khả thi”. Chính phủ quyết tâm không chỉ để đạt mục tiêu ngắn hạn, mà còn tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn 100 năm, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng.
Sự đồng thuận chính trị, tinh thần kỷ luật và sáng tạo của từng bộ ngành, doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định. Việc “khoán tăng trưởng” cho các địa phương và tập đoàn lớn không chỉ là biện pháp quản lý mà còn là cách thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, sự chủ động của từng đơn vị.
Những dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế như CitiGroup, Maybank hay UOB, khi nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 7-7,3%, cho thấy niềm tin vào sức bật và tiềm năng của nền kinh tế. Cùng với những cải cách thể chế, nỗ lực “cởi trói” cho các nguồn lực, Việt Nam đang tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập và xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tất nhiên, con đường tới mục tiêu không trải đầy hoa hồng. Nhưng điều quan trọng là từ Trung ương đến địa phương đã thống nhất một thông điệp - tăng trưởng không chỉ là con số, cũng không phải đích đến cuối cùng mà là niềm tin và động lực để Việt Nam tiến tới kỷ nguyên bền vững và thịnh vượng hơn trong tương lai.