xuân

Một quốc gia Balkan bên bờ vực khủng hoảng năng lượng, Nga dùng ‘át chủ bài’ khí đốt, có thể ‘nhượng bộ’ để ép Ukraine làm điều này

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Moldova có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng chính trị. Tại sao Nga quan tâm và ai có thể giúp quốc gia Balkan này?

Trước sức ép của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, Moldova có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Getty Images)
Trước sức ép của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, Moldova có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Getty Images)

Hai năm vừa qua, Moldova đã không mua khí đốt từ Gazprom của Nga, nhưng sự phụ thuộc năng lượng của Chisinau vào Moscow vẫn còn đáng kể.

Gần đây, Thủ tướng Moldova Dorin Recean tuyên bố sẽ yêu cầu Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng. Vùng lãnh thổ ly khai Transnistria cũng có kế hoạch tương tự. Nguyên nhân là trữ lượng khí đốt ở Moldova không đủ, làm tăng rủi ro cung cấp điện.

Hiện tại, Moldova đang mua khoảng 1 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ châu Âu. Lượng hàng này có thể có nguồn gốc từ Nga, nhưng đối với Chisinau, điều đó không liên quan. Việc quan trọng đối với Moldova là đất nước này không còn phụ thuộc vào các hợp đồng với Gazprom (trừ khu vực Transnistria).

Hiện mỗi năm Transnistria tiếp nhận khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt của Nga, quá cảnh qua Ukraine. Lượng hàng này không nằm dưới sự kiểm soát của Chisinau,

Thiếu khí đốt - vấn đề số 1

Hiện tại, Moldova đang phải đối mặt với một số thách thức trong lĩnh vực năng lượng, đầu tiên là tình trạng thiếu khí đốt.

Khí đốt tới Moldova do công ty Moldovagaz mua, trong khi cổ đông chính của công ty này là Gazprom và Energocom. Tuy nhiên, trong suốt mùa Xuân và Hè vừa qua, Moldovagaz đã không tích trữ được hàng và hiện nguồn cung khí đốt chỉ đáp ứng 80% nhu cầu. Việc mua khí đốt được thực hiện trên Sàn giao dịch hàng hóa Romania, hàng được lưu trữ tại các cơ sở ở Romania và Ukraine.

Do dự trữ không đủ, Moldova hiện phải mua khí đốt từ châu Âu với giá cao hơn nhiều. Bởi vậy, giá bán khí đốt cho hộ gia đình và doanh nghiệp phải tăng 27,5% vào tháng 12, đạt 16,74 Lei (3,56 USD/m3). Ngày 5/12 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov đã bị sa thải vì "những sai lầm trong quản lý dẫn đến tình hình nghiêm trọng".

Chính trị gia này cho rằng, việc sa thải mình là không công bằng và đổ lỗi cho Energocom về tình hình hiện nay, gọi vấn đề khí đốt đã bị phóng đại.

"Chủ đề về khí đốt tự nhiên ở Moldova đóng vai trò nhỏ hơn nhiều so với những gì xuất hiện trong không gian thông tin. Ở Moldova, 65% hộ gia đình được sưởi ấm bằng bếp lò và chủ yếu sử dụng củi làm nguồn năng lượng chính, nhưng mọi người vẫn lo lắng về khí đốt", ông Parlicov tuyên bố trên TV8 (kênh truyền hình miễn phí của Thổ Nhĩ Kỳ).

Vào cuối tháng 11, quan chức này đã thực hiện các cuộc đàm phán tại Nga với ban lãnh đạo của Gazprom về các nguồn cung cấp khí đốt tiềm năng thông qua Ukraine hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này không mang lại kết quả nào.

Cựu Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov. (Nguồn: Getty Images)
Cựu Bộ trưởng Năng lượng Moldova Victor Parlicov. (Nguồn: Getty Images)

Gazprom chỉ nhắc lại khoản nợ 709 triệu USD mà Moldova bị cho là chưa trả. Tuy nhiên, Chisinau đã liên tục phủ nhận sự tồn tại của khoản nợ này.

Dù vậy, Moldova vẫn hy vọng rằng sau khi chấm dứt thỏa thuận quá cảnh qua Ukraine (31/12/2024), Nga sẽ chuyển hướng chuyển khí đốt qua tuyến đường thay thế tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Năng lượng Moldova tuyên bố: "Gazprom có ​​các nghĩa vụ theo hợp đồng và chúng tôi cho rằng họ sẽ thực hiện các nghĩa vụ đó... Về mặt kỹ thuật và thương mại, Gazprom có ​​thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Transnistria bất kể tình hình quá cảnh qua Ukraine như thế nào. Do đó, họ có quyền lựa chọn có tôn trọng hợp đồng hiện tại hay không".

Lập trường của Chisinau là "không cản trở Gazprom cung cấp khí đốt cho khu vực Transnistria, dù là qua Ukraine hay các tuyến đường thay thế".

Lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Transnistria

Nếu nguồn cung khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ không thành hiện thực, Moldova dự đoán sẽ có những biến động ở Transnistria, nơi có thể phát sinh các vấn đề về sản xuất điện. "Điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở Transnistria và có khả năng gây ra làn sóng người di dời sang Moldova”.

Về mặt kỹ thuật, có thể cung cấp khí đốt mua ở châu Âu cho Transnistria, nhưng sẽ tốn kém hơn. Bộ Năng lượng Moldova lưu ý: "Vấn đề lớn nhất là đảm bảo thanh toán cho khí đốt ở khu vực Transnistria, vì người dân ở đó đã quen với mức thuế rất thấp, không đủ để trang trải chi phí thực tế cho khí đốt".

Chính phủ Moldova đã bắt đầu chuẩn bị cho người dân về khả năng giá khí đốt tăng. Phó Thủ tướng phụ trách Tái hòa nhập của Moldova, ông Oleg Serebrian, đã cảnh báo rằng thuế quan ở cả Moldova và khu vực Transnistria có thể được điều chỉnh.

"Lượng khí đốt này sẽ phải được thanh toán theo giá thị trường. Chính phủ sẽ hỗ trợ và có thể áp dụng các cơ chế ưu đãi trong thời kỳ giá lạnh. Tuy nhiên, sẽ không có giá ưu đãi cho Transnistria…”, ông Serebrian cho biết.

Thiếu điện - vấn đề số 2

Vấn đề thứ hai là điện. Nếu không có khí đốt của Nga, Transnistria có thể phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng là sản lượng điện giảm.

Nhà máy điện của Transnistriado Nga kiểm soát, ngay cả khi có nguồn cung cấp khí đốt thay thế, Moscow cũng có thể đóng cửa hoàn toàn nhà máy hoặc giảm sản lượng xuống mức chỉ đủ cho khu vực này. Các nguồn tin tại Kiev khẳng định, Chisinau biết về khả năng này và đã nêu vấn đề trong các cuộc họp quốc tế.

Về mặt lý thuyết, nhập khẩu điện từ Romania có thể bù đắp cho tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, theo chuyên gia năng lượng của Moldova Sergiu Tofilat, những thách thức thực tế có thể nảy sinh.

Ông nói: "Romania cũng đang thiếu điện, phải nhập khẩu từ Hungary và Bulgaria. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt xảy ra trên khắp Balkan, giá cả tăng vọt vì không có kết nối phù hợp với lục địa châu Âu, nơi giá cả thấp hơn. Nếu Moldova cũng tham gia thị trường này, giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa”.

Nếu khí đốt và điện được thay thế hoàn toàn bằng hàng nhập khẩu từ châu Âu, giá cả tại Transnistria sẽ tăng mạnh. "Trong trường hợp đó, người dân khu vực này sẽ phải đối mặt với cú sốc kinh tế: giá khí đốt tăng gấp 15 lần và giá điện tăng gấp 4 lần. Chisinau sẽ cần vay khoảng 300 triệu Euro mỗi năm", ông Tofilat cho biết hồi tháng 3 năm nay.

Theo chuyên gia này, Moldova hoàn toàn nhận thức được và đã thảo luận về các vấn đề tiềm ẩn liên quan nhưng vẫn hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Moscow thay vì tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Một nhà máy điện của Moldova. (Nguồn: Getty Images)
Một nhà máy điện của Moldova. (Nguồn: Getty Images)

Ukraine có thể giúp Moldova?

Một nguồn tin trong chính phủ Ukraine nói, về lý thuyết, nước này có thể cung cấp cho Moldova một lượng nhỏ khí đốt và điện. Tuy nhiên, xét đến tình hình xung đột đang diễn ra và các cuộc tấn công liên tục vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, điều này là không thể vào thời điểm hiện tại.

Được biết, Chisinau đã yêu cầu Kiev giúp cung cấp than thay thế cho khí đốt trong sản xuất điện. Tuy nhiên, than của Ukraine không đáp ứng được yêu cầu của Moldova.

Quốc gia Balkan đã có kế hoạch mua khí đốt của tập đoàn Naftogaz của Ukraine từ đầu năm 2020. Vào tháng 12/2019, khi hợp đồng trung chuyển mới giữa Naftogaz và Gazprom vẫn chưa được ký kết, chính phủ Moldova đã bảo đảm một khoản tín dụng thư trị giá 50 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu trong trường hợp quá cảnh bị dừng lại. Các khoản tiền này nhằm cho phép Naftogaz mua 0,4 tỷ mét khối khí đốt ở châu Âu và bán cho Moldova.

Tuy nhiên, khoản tín dụng thư này chưa bao giờ được sử dụng vì quá cảnh khí đốt qua Ukraine vẫn tiếp tục. Vào ngày 30/12/2019, Naftogaz và Gazprom đã ký một hợp đồng trung chuyển mới, dự kiến ​​sẽ hết hạn vào ngày 31/12 năm nay.

Khủng hoảng và hậu quả

Xét đến hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết, một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Moldova rất có thể xảy ra. Và đây sẽ không phải là lần đầu tiên.

Ba năm trước, vào mùa Thu năm 2021, Moldova đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong lĩnh vực năng lượng khi Gazprom từ chối gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt với Moldovagaz, đồng thời yêu cầu thanh toán nợ. Tuy nhiên, các bên đã đạt được thỏa thuận và hợp đồng được gia hạn thêm 5 năm.

Vào cuối năm 2022, Nga được cho là đã cố gắng gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng bằng cách giảm nguồn cung cấp khí đốt xuống còn 5,7 triệu mét khối mỗi ngày, khối lượng vừa đủ cho khu vực Transnistria. Moscow dự đoán Chisinau sẽ chuyển lượng khí đốt này sang Moldova. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại và Moldova bắt đầu mua khí đốt từ châu Âu.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, một cuộc khủng hoảng mới có thể nghiêm trọng hơn nhiều. Chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội ở Moldova (dự kiến ​​vào mùa Hè), mặc dù đã có những cuộc đàm phán về bầu cử sớm.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể là yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử. Nếu các vấn đề về năng lượng vẫn chưa được giải quyết vào đầu năm tới, điều mà hiện tại có vẻ không thể xảy ra, thì đất nước này có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt và có khả năng xảy ra các vấn đề về nguồn cung cấp điện.

Có khả năng những khó khăn này sẽ chỉ kéo dài đủ lâu để mọi người cảm thấy họ phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Sau đó, Moscow có thể đưa ra một số "nhượng bộ", chẳng hạn như đồng ý cung cấp khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi đặt ra là: Chisinau sẽ phải trả giá như thế nào cho những "nhượng bộ" như vậy? Ông Sergiy Makogon, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), tin rằng mục tiêu cuối cùng của Moscow là gây sức ép buộc Kiev phải kéo dài thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga.

Ông nói: "Tôi không thấy rủi ro năng lượng nghiêm trọng nào ở Moldova. Tôi nghĩ rằng việc này được tạo ra để thúc đẩy Ukraine tiếp tục quá cảnh khí đốt của Nga sau năm 2024".

Tuy nhiên, nếu Kiev cho phép quá cảnh khí đốt đến Moldova, thì có khả năng họ sẽ không thể từ chối Slovakia, quốc gia cũng quan tâm đến việc tiếp tục nhận khí đốt qua Ukraine.

Về lý thuyết, nguồn cung cấp khí đốt cho Moldova qua Ukraine có thể tiếp tục nếu Moldovagaz sửa đổi hợp đồng với Gazprom và bắt đầu mua khí đốt tại biên giới phía Đông của Ukraine. Cả Naftogaz và chính phủ Ukraine đều đã cân nhắc lựa chọn này để quá cảnh không chỉ đến Moldova mà còn đến các quốc gia khác.

Hơn nữa, Moldova có thể lưu trữ khí đốt tại các cơ sở của Ukraine và rút khi cần thiết. Hiện tại, theo phương tiện truyền thông của Moldova, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Chisinau chuẩn bị một kế hoạch dự phòng cho khả năng dừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine và bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ để đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia này.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })