Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với các đối tác Trung Quốc rằng mục tiêu của Mỹ là giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh trong các ngành chủ chốt mà không đe dọa luồng thương mại và đầu tư có lợi cho cả hai nước. (Nguồn: Reuters) |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thăm Việt Nam tuần trước để thảo luận về ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giữa bối cảnh thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã bùng nổ trong 5 năm qua, đạt khoảng 140 tỷ USD vào năm 2022 so với 60 tỷ USD năm 2018.
Mỹ muốn dần tách rời thương mại với Trung Quốc
Giải quyết vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngay cả trong các lĩnh vực hạn chế, không hề đơn giản. Tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, trong khi nhập khẩu từ các quốc gia châu Á khác gia tăng.
Nhiều đối tác thương mại thay thế như Việt Nam hoặc Hàn Quốc đều có liên quan chặt chẽ đến Trung Quốc. Ưu thế của Trung Quốc trong công nghệ năng lượng sạch khiến chính quyền Tổng thống Biden do dự trong việc thúc đẩy các công ty tránh hoàn toàn sử dụng sản phẩm Trung Quốc. Trong khi đó, việc xác định chính xác các ngành mà Mỹ và các đồng minh cho là Trung Quốc gây nguy hiểm là khó khăn.
Tin liên quan |
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen: Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Hoa Kỳ |
Trước đó, bà Yellen nói với các đối tác Trung Quốc rằng mục tiêu của Mỹ là giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh trong các ngành chủ chốt mà không đe dọa luồng thương mại và đầu tư có lợi cho cả hai nước.
Tại Hà Nội, bà Yellen thăm một nhà máy của Selex Motors, một hãng sản xuất xe máy điện. 80% nguồn cung cấp của công ty này là từ các đối tác trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành một nhà cung cấp tấm pin năng lượng Mặt trời quan trọng cho Mỹ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các công ty Trung Quốc không tham gia nhiều vào việc gia tăng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, và chỉ ra rằng điều kiện kinh tế thuận lợi tại Việt Nam đã thúc đẩy sự tăng trưởng.
Các khoản trợ cấp mới của Mỹ để giúp người tiêu dùng mua xe điện, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đồng thời cắt giảm khí thải carbon, cũng đối mặt với thách thức tương tự. Để được hưởng khoản trợ cấp, pin của xe phải chủ yếu được sản xuất từ các thành phần và khoáng sản xuất xứ từ Mỹ hoặc các đối tác tự do thương mại của nước này mà Trung Quốc không nằm trong số đó.
Không dễ thực hiện
Một quy định sắp tới sẽ tiến xa hơn bằng việc cấm các loại pin sử dụng bất kỳ vật liệu nào từ "các thực thể nước ngoài gây lo ngại". Cách mà chính quyền Tổng thống Biden định nghĩa "thực thể nước ngoài gây lo ngại" rộng hay hẹp sẽ mang lại hậu quả lớn đối với nguồn tín dụng.
Các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc sản xuất các thành phần của pin và cung cấp khoáng sản nguyên liệu. Việc hoàn toàn loại bỏ các sản phẩm Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng có thể trở nên không thể thực hiện được cho ngành công nghiệp ô tô trong tương lai gần. Thậm chí một số công ty Mỹ đã lên kế hoạch hợp tác với các công ty Trung Quốc trong việc sản xuất pin.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Yellen nói việc định nghĩa "các thực thể nước ngoài gây lo ngại" là "rất phức tạp", và các quy định của Bộ Tài chính Mỹ sẽ tuân thủ giới hạn của Đạo luật giảm lạm phát.
Bà Yellen nói: "Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng tôi chắc chắn sẽ cân nhắc để không làm cho nó trở nên không thể thực hiện - bằng việc quá tập trung vào khả năng chống chọi trong chuỗi cung ứng mà bỏ qua mục tiêu đưa ô tô điện ra ngoài thị trường”.
Với các khoản trợ cấp năng lượng sạch khác, chính phủ Mỹ đã có các quy định coi nhẹ yêu cầu nguồn gốc hơn là những gì các nhà sản xuất Mỹ hy vọng, mở đường cho việc sử dụng các nguồn cung cấp Trung Quốc trong quá trình phát triển năng lượng sạch. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã cho phép các nhà sản xuất bán dẫn lớn của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục bán hàng vào Trung Quốc mặc dù có lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Tin liên quan |
Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt kỷ lục, Mỹ càng khó 'tách rời' Trung Quốc |
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang soạn thảo các quy định mới để hạn chế một số đầu tư Mỹ vào Trung Quốc, nhưng vẫn đang tiến hành xem các quy định sẽ áp dụng cho các công ty con nước ngoài của các công ty Mỹ, cùng với các chi tiết khác.
Các hạn chế sẽ áp dụng cho các khoản đầu tư của tư nhân và liên doanh tại Mỹ vào lĩnh vực bán dẫn, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo, cấm một số khoản đầu tư vào các ngành này trong khi yêu cầu công bố thông tin về những khoản đầu tư khác.
Bà Yellen nói trong một cuộc phỏng vấn liên quan đến quy định đầu tư mới: "Điều đó chưa được quyết định nên tôi không muốn nói rằng nó sẽ xảy ra, nhưng tôi tin rằng điều đó sẽ xảy ra và tôi nghĩ rằng khả năng cao sẽ được đưa ra vào mùa Hè này".
Mỹ đang khuyến khích các đồng minh ở châu Âu thực hiện các biện pháp tương tự để bảo vệ chuỗi cung ứng và hạn chế Trung Quốc tiếp cận kiến thức của phương Tây. Tuy nhiên, việc tìm ra điểm cân bằng giữa hai vấn đề này cũng khó khăn.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Paolo Gentiloni, Ủy viên Phụ trách Kinh tế châu Âu, nói: "Chúng ta cần thương mại với Trung Quốc trong khi cũng cần bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng chiến lược. Điều này nói thì dễ nhưng không dễ thực hiện trong thực tiễn”.