Làng nghề vào Xuân
Làng nghề bánh khô mè Bà Liễu Mẹ nằm ở quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng), là một trong những địa danh nổi tiếng gắn liền với nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống. Những ngày cận Tết, cả làng nghề như bừng lên sức sống mới, không khí làm việc nhộn nhịp và tất bật.
Trong các cơ sở sản xuất, những người thợ lành nghề miệt mài với từng công đoạn để tạo ra những mẻ bánh thơm ngon, chuẩn bị cho mùa vụ lớn nhất trong năm. Mùi thơm dịu ngọt của đường, gạo và mè rang len lỏi trong không gian, gợi nhớ hương vị thân thuộc của ngày Tết quê hương.
Quy trình làm bánh khô mè ở đây được thực hiện công phu, từ việc đúc bánh gạo đến nhúng mật đường và phủ đều lớp mè rang. Từng chiếc bánh được chăm chút cẩn thận, mang đến hương vị giòn xốp, ngọt bùi đặc trưng mà ít nơi nào có được.
Ông Huỳnh Đức Sol, chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ chia sẻ: "Hiện giờ 4 xưởng sản xuất của làng nghề đã bắt đầu tăng nhân công sản xuất. Năm nay chúng tôi dự kiến tăng sản lượng vụ Tết khoảng 10-15%, với số lượng 330.000-340.000 bánh. Chúng tôi đã bắt đầu các chương trình marketing cho hàng Tết từ cuối tháng 11 và hiện đã có nhiều doanh nghiệp, các đại lý toàn quốc đặt hàng Tết.
"Để đáp ứng thị trường, chúng tôi thiết kế các gói combo Tết tối thiểu từ 300.000 đồng, tập trung vào các dòng được ưa chuộng, như bánh gạo lứt mè đen, bột mì, gạo lứt mè trắng… để thắp hương, tiếp khách, biếu tặng dịp Tết".
Từ làng nghề khô mè, chúng tôi tiếp tục ghé thăm làng nghề nước mắm Cửa Khe tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Đây là làng nghề đã tồn tại qua nhiều thế hệ, giữ gìn nét văn hóa và nghề truyền thống của một làng chài ven biển.
Vào những ngày giáp Tết, bà Nguyễn Thị Tám, chủ cơ sở nước mắm Tám Tươi, thường thức dậy từ sớm để kiểm tra các lu mắm trong xưởng. Bà quan sát kỹ lưỡng từng lu mắm, tính toán ngày lọc mắm để đạt độ ngon, chuẩn bị đóng chai và dán nhãn.
Bà Tám chia sẻ: "Năm nay, lượng bán ra ước tính sẽ cao hơn so với các năm trước. Nước mắm của Cửa Khe được tiêu thụ khắp cả nước, đặc biệt là ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Tết năm nay, cơ sở của tôi dự kiến cung cấp khoảng 5.000 lít nước mắm ra thị trường, tăng khoảng 1.000 lít so với năm trước".
Để có được nước mắm thơm ngon cho dịp Tết, bà Tám cho biết, đã chuẩn bị nguyên liệu và ướp mắm từ năm trước. Quá trình ướp cá để tạo ra nước mắm ngon kéo dài đến 12 tháng, cần chọn lọc cá cơm than tươi ngon và sử dụng lu sành để mắm thêm thơm.
Bà Trương Thị Bốn, chủ cơ sở nước mắm Bốn Thái cho biết, nghề làm mắm ở Cửa Khe đã được gìn giữ qua hàng trăm năm. Người dân nơi đây luôn lựa chọn những con cá tươi ngon, giữ sạch sẽ và dùng hạt muối già để trộn đều, sao cho cá thấm muối mà không bị nát. Sau 10 đến 11 tháng, khi mắm đạt độ thơm ngon, sẽ được rút nước để đóng chai.
Làng nghề nước mắm Cửa Khe hiện có 65 hộ sản xuất, và nhãn hiệu "nước mắm Cửa Khe" đã được công nhận. Chính quyền địa phương cũng đang hỗ trợ để mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm. Nước mắm Cửa Khe không chỉ là đặc sản của tỉnh Quảng Nam, mà còn trở thành món quà không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết.
Doanh nghiệp cao điểm sản xuất hàng Tết
Khi những ngày Tết gần kề, không khí tại xưởng sản xuất bánh dừa nướng Mỹ Phương Food tại thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) trở nên hối hả hơn. Đây là xưởng sản xuất bánh dừa nướng lớn nhất tại Đà Nẵng với quy mô hơn 4.000 m2 và 100 công nhân, đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và đang được xem xét chứng nhận OCOP 5 sao.
Những ngày này, xưởng làm việc suốt ngày đêm, ai cũng góp sức mình để đáp ứng các đơn hàng lớn nhỏ từ khắp nơi gửi về.
Chia sẻ về quy trình tạo ra món đặc sản miền Trung, bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc kinh doanh Mỹ Phương Food chia sẻ: "Quy trình làm bánh dừa nướng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Các thành phần từ cơm dừa tươi, các loại hạt mè, đậu xanh, đậu phộng hòa quyện cùng nhau tạo nên một loại bánh rất đặc trưng của Việt Nam".
Bà Mai Thị Ý Nhi chia sẻ thêm: "Để phù hợp với thị hiếu thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, năm nay công ty thiết kế những hộp quà Tết phiên bản đặc biệt kết hợp giữa bánh dừa nướng truyền thống và các loại trái cây tươi, các loại hạt dinh dưỡng, có giá cả từ 60.000 đồng".
Mục tiêu năm nay công ty tăng sản lượng hàng Tết hơn 30% so với năm ngoái. Dù thị trường được dự báo có phần khó khăn, doanh nghiệp càng cần tích cực đi kết nối, quảng bá, hoạt động tích cực hơn".
"Thành công lớn trong năm qua là bánh dừa nướng đã tiến ra nhiều thị trường quốc tế, như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ba Lan, Nga… Những ngày Tết, người nước ngoài hay người Việt ở xa quê hương cũng đặt hàng rất nhiều. Mỗi chiếc bánh như một phần quê hương, chứa đựng tình cảm sâu sắc, giúp gắn kết và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt đến mọi nơi", bà Mai Thị Ý Nhi cho hay.
Minh Trang