Sách “Ký ức không phai” là tập hợp 58 bài viết của 29 tác giả, chia theo ba phần: Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ (1954 - 2024); Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và đoàn tụ; Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức. Nhân vật trong các câu chuyện của sách là những người con miền Nam đi ra Bắc theo các chuyến tàu vượt biển giai đoạn 1954-1955, bằng đường bộ và một số phương tiện khác đã ra sức phấn đấu học tập, làm việc, có đóng góp xứng đáng cho công cuộc kiến thiết đất nước.
Các nhân vật trong cuốn sách giao lưu tại chương trình. |
Qua cuốn sách, bạn đọc hiểu thêm những cảm nhận của cán bộ, học sinh miền Nam về những ngày đầu tiên đặt chân lên miền Bắc, được đồng bào miền Bắc đón tiếp thân tình, nồng hậu; ký ức về những năm tháng “ngày Bắc, đêm Nam”, về sự phấn đấu không mệt mỏi trong học tập, làm việc hướng về ngày nước nhà thống nhất, gia đình đoàn tụ; hay những câu chuyện của tuổi học trò trong cuộc sống xa quê hương, gia đình, thiếu vắng bố mẹ… Ngoài ra, sách cũng giới thiệu những câu chuyện cảm động của người con miền Bắc đã gắn bó suốt tuổi thanh xuân với học sinh các trường miền Nam trong vai trò người thầy như: Thầy Lê Ngọc Lập, cô Lê Thúy Quyến, thầy Nguyễn Quốc Thái…
Trao hoa tri ân các cá nhân đã tặng kỷ vật liên quan đến học sinh miền Nam trên đất Bắc cho Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. |
Dù không phải là cuốn sách đầu tiên viết về chủ đề học sinh miền Nam trên đất Bắc nhưng cuốn sách “Ký ức không phai” mang đến cho người đọc thêm thông tin, góc nhìn về những người con miền Nam trên đất Bắc. Bên cạnh những câu chuyện đáng nhớ của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc, bạn đọc có thể tiếp cận khá toàn diện với các tư liệu lịch sử về Hiệp định Geneva năm 1954. Cuốn sách còn được xem như là sản phẩm đầu tiên của đề án "Gìn giữ và phát huy giá trị học sinh miền Nam trên đất Bắc".
PV