xuân

Ký ức 30/4 - Bài 1: Giá trị của hòa bình

(Chinhphu.vn) - Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, nhưng thời gian không thể xóa nhòa cảm xúc và ký ức của những người đã sống qua những ngày tháng ấy. Với mỗi nhân chứng lịch sử, ngày 30/4/1975 không chỉ là dấu mốc của kết thúc chiến tranh, mà còn là kỷ niệm về những hy sinh, mất mát và niềm vui của sự đoàn tụ, thống nhất và trên hết, là giá trị của hòa bình.

Ký ức 30/4 - Bài 1: Giá trị của hòa bình- Ảnh 1.

Hai nữ biệt động Phan Thị Thu, Phan Thị Hồng năm nào giờ tóc đã bạc trắng - Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Gia đình Biệt động: Cha nằm xuống, 7 con tiếp nối

Ngày cha bị giặc bắt và hành quyết, 7 người con của ông Bảy Sự tiếp tục đứng lên cầm súng chiến đấu. 50 năm đã đi qua nhưng kí ức của ngày 30/4 lịch sử luôn trong tâm trí những nữ biệt động Sài Gòn như bà Phan Thị Thu, Phan Thị Hồng - 2 người con của ông Bảy Sự.

7 người con theo biệt động

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ở Quận 12 (TPHCM), 2 nữ biệt động năm nào nay tóc đã bạc trắng. Trên bàn thờ gia đình trang nghiêm với tấm hình của cha mẹ cùng bức ảnh tiệm Phở Bình (7 Lý Chính Thắng) được đặt ở vị trí trang trọng. Từ năm 1963, chính căn nhà này đã trở thành điểm liên lạc và nuôi giấu cán bộ biệt động thành F.100.

Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, với chức trách Tiểu Đoàn phó, ông Phan Văn Bảy (Bảy Thợ may, Bảy Sự) đảm nhận đội giao liên trinh sát, thường trực nhận tin tức từ Sở Chỉ huy (Phở Bình, số 7 Yên Đổ, nay là đường Lý Chính Thắng). Hầm vũ khí thuốc nổ khối lượng lớn do ông tổ chức vận chuyển và cất giữ được sử dụng để tấn công Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Ông Bảy Sự là chiến sĩ đơn vị biệt động bảo đảm chiến đấu (A20-30) trực thuộc Biệt động Gia Định. Ông có 7 người con đều tham gia lực lượng biệt động của các đơn vị khác nhau: Phan Kim Dung, Phan Văn Nghĩa, Phan Thị Thuý, Phan Thị Thu, Phan Văn Tiến, Phan Thị Hồng và Phan Thị Hạnh.

"Anh Tư Trung (bí danh của liệt sĩ Phan Văn Tiến) bị bắt năm 1967, anh bị giặc đánh chết ở nhà tù Phú Quốc. Sau đó, năm 1968, ba tôi hy sinh", nữ biệt động Phan Thị Thu nhớ lại.

Mất mát lớn lao càng khiến các anh chị em nung nấu quyết tâm đền nợ nước, trả thù nhà. Lời dặn của cha về khát vọng hoà bình, độc lập dân tộc luôn nung nấu trong tim 6 anh chị em ở lại. Vừa học hết lớp đệ tứ (tương đương với khoảng lớp 9 bây giờ), Phan Thị Hồng - cô con gái áp út của ông Bảy Sự - lên chiến khu theo cách mạng.

"Năm đó, tôi 15 tuổi. Lên chiến khu, tôi gặp chị Thu được một lần. 10 năm sau ngày giải phóng, hai chị em mới gặp lại. Tôi công tác ở N10 thuộc biệt động Gia Định, công việc là trinh sát địa hình, nắm vị trí địa hình sơ đồ khái quát báo lại cho tổ chức", bà Hồng chia sẻ.

Sự nhanh nhẹn, mưu trí của nữ biệt động khi đó 15 tuổi có gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn xinh đẹp đã giúp bà hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao. Bà đã cung cấp không ít sơ đồ, tài liệu có giá trị để đơn vị chuẩn bị cho những trận đánh theo kế hoạch như kho đạn Long Bình, Vạn Kiếp, khách sạn Metropole…

Ký ức 30/4 - Bài 1: Giá trị của hòa bình- Ảnh 2.

Ông Bảy Sự và bức ảnh tiệm Phở Bình - địa điểm liên lạc và nuôi giấu cán bộ biệt động thành F.100 những năm kháng chiến - Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Tháng 12/1969, từ thông tin mật báo của chiêu hồi, nữ biệt động Phan Thị Hồng bị giặc bắt. Dụ dỗ, mua chuộc hay những trận đòn roi tra tấn chẳng khuất phục được nữ chiến sĩ kiên trung, vì vậy, giặc ra lệnh cưa chân bà. "Chúng bảo ngoan cố thì cưa giò đi cho khỏi làm Việt Cộng. Năm đó tôi 19 tuổi", bà Hồng kể.

Một năm ở nhà tù Tây Ninh, bà được trở về, đơn vị đón bà về căn cứ điều trị và chuẩn bị đưa ra miền Bắc an dưỡng nhưng nữ biệt động từ chối. "Mất chân càng dễ hoạt động", bà nghĩ. Bà xin ở lại, mua giấy khai sinh giả để làm căn cước rồi thuê một căn nhà nhận may vá đồ lính để nắm tin tức và bí mật chuyển tin về căn cứ.

Năm 1974, một lần nữa, bà sa lưới giặc vì sự phản bội của những kẻ từng là đồng chí. Khám xét tại nhà nữ thợ may, giặc phát hiện dưới nền nhà có cả súng, đạn, con dấu giả. Nữ biệt động lần nữa bị bắt và đưa về nhà tù Thủ Đức, đợi ngày ra toà án quân sự. Thời điểm này, hai người chị của bà Hồng là Phan Thị Thuý và Phan Thị Thu đang bị giam cầm ở địa ngục trần gian – nhà tù Côn Đảo.

Ký ức 30/4 - Bài 1: Giá trị của hòa bình- Ảnh 3.

Bức ảnh hiếm hoi có 6 thành viên của gia đình ông Bảy Sự - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày 30/4/1975 lịch sử

Nhớ lại ngày 30/4/1975 lịch sử, bà Phan Thị Hồng kể: "Ngày ấy, 2 chị em vẫn đang ở trong tù. Từ ngày 25, 26/4, lính giặc đã không cho chị em ra ngoài nấu cơm, có ngày ăn, có ngày đói. Những ngày đó súng nổ nhiều, cũng chẳng ai thấy đói nữa. Chúng tôi nghĩ, chỉ cần ra khỏi nhà giam thôi rồi chết cũng được. Ngày 28, 29 đến sáng 30/4, nhà tù im phăng phắc. Rồi tiếng đục phá vang lên rộn ràng, các anh phá nhà tù bên kia, chạy qua hỗ trợ. Bên trong đập ra, bên ngoài đập vào…".

Ngày 1/5/1975, bà Phan Thị Hồng cùng các nữ tù chính trị phá nhà giam, giải thoát cho chính mình. Nữ biệt động cùng 7 người đi về hướng Sài Gòn, đôi chân tập tễnh trên đôi nạng gỗ không còn thấy mệt. Bà quá giang trên chiếc xe tăng của đoàn quân giải phóng hướng về Hàng Xanh rồi chống gậy đi bộ về Phú Nhuận, trên người vẫn là bộ quần áo tù ghi số hiệu.

Trong nhà tù Côn Đảo, nữ biệt động Phan Thị Thu cùng các đồng đội đã nghe thông tin từ chiếc radio nhỏ được cất giữ bí mật. Chiếc radio giúp các nữ tù chính trị không bị lạc hậu với tình hình thời sự bên ngoài: Nắm bắt nội dung của Hiệp định Paris, cương quyết đấu tranh buộc kẻ địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định.

Đêm 30/4, ở khu chuồng cọp Côn Đảo, tiếng truyền tin, tiếng nạy song sắt, tiếng đập cửa, phá tường, phá nhà giam... hừng hực khí thế hoà cùng niềm vui Sài Gòn giải phóng.

Qua 12h đêm 30/4, phần đông trong tổng số hơn 4.000 tù chính trị, bao gồm 494 nữ tù và 31 tử tù ở các trại giam ở Côn Đảo, đã được giải thoát. Rạng sáng ngày 1/5, 8 khu của Trại VII đã được giải phóng.

Trong chuyến tàu từ Côn Đảo trở về, ngày gặp lại em gái Phan Thị Hồng, nhìn em gái bước đi trên đôi nạng gỗ, bà Phan Thị Thu nghẹn ngào chẳng nói được thành lời. 10 năm đằng đẵng xa cách, khi đất nước thống nhất, chị em còn được gặp lại nhau là điều quá may mắn.

"Đừng bao giờ để chiến tranh trở lại. Đừng bao giờ để đất nước mình phải lệ thuộc vào một nước nào khác. Độc lập về chính trị, độc lập về kinh tế thì đất nước mới giàu mạnh. Tôi mong các con các cháu biết trân trọng giá trị của hoà bình", nữ biệt động Phan Thị Hồng trải lòng.

Nguyễn Trà