xuân

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng

Nhịp Sống Sài Gòn

Chiều 10/8 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo.

 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo.

Cùng dự còn có thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Theo đánh giá sơ bộ, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được mục tiêu kép vừa đảm bảo chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ GD&ĐT; sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, đặc biệt là bộ Công an; tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ; sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan truyền thông.

Kỳ thi được sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị

Chia sẻ tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là kỳ thi rất đặc biệt, diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong hoàn cảnh này, Bộ GD&ĐT đã thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", triển khai dạy học trên internet, qua truyền hình; thực hiện tinh giản chương trình và có sự điều chỉnh phù hợp để hoàn thành chương trình vào 15/7 theo kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp báo.

Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đến thời điểm này, phần lớn các thí sinh đã hoàn thành Kỳ thi. Các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ - lùi thời gian tổ chức Kỳ thi vào thời điểm thích hợp; thời gian tổ chức thi do các địa phương đề xuất sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi. Thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với thí sinh của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức Kỳ thi do thực hiện cách ly xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Theo đó, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.

Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung về kỳ thi, với các nhiệm vụ cụ thể như: Ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh; ra đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi; xây dựng hệ thống phần mềm...

Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi trên địa bàn, từ đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi…

Đánh giá chung, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Kỳ thi đã được sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, các địa phương vào cuộc tích cực. Theo đó, địa phương đã ban hành Chỉ thị về Kỳ thi, thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, xây dựng các kế hoạch và chuẩn bị mọi điều kiện tổ chức thi rất kỹ càng.

Với 2 nhiệm vụ được Thủ tướng giao là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch, theo Thứ trưởng, nhiệm vụ an toàn trong phòng dịch được nâng lên một bước.

Ngày 4/8, Bộ Y tế đã ban hành công điện số 1224, đề nghị sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với sở GD&ĐT triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; yêu cầu bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất và chỉ định các sơ sở y tế tham gia thực hiện công tác chuyên môn trong Kỳ thi. Trong đó có nội dung bố trí kíp trực y tế tại các địa điểm thi để bảo đảm kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở… Trên thực tế, các điểm thi đã xử lý tốt các tình huống xảy ra, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi thí sinh.

"Có thể nói, với mục tiêu phòng dịch, Kỳ thi đã đạt kết quả tốt" – Thứ trưởng nhận định.

Với mục tiêu thứ 2, Thứ trưởng nhấn mạnh: Quan điểm của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT là dù trong hoàn cảnh nào cũng phải tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan. Quyền lợi của thí sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Số thí sinh vi phạm quy chế thi năm nay giảm. Có tổng số 38 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó có em vẫn mang điện thoại di động vào phòng thi, dù đã được quán triệt, nhắc nhở nhiều lần.

"Có thể nói, dù là một năm có nhiều khó khăn, vất vả trong tổ chức thi, nhưng các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức Kỳ thi nghiêm túc và tốt nhất" – Thứ trưởng nhận định.

Thi lại bảo đảm quyền lợi cho một số thi sinh

Liên quan đến một số thí sinh sẽ phải thi lại vào ngày mai (11/8) do lỗi của giám thị, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho hay, các thí sinh sẽ thi bằng đề thi dự bị. Đề thi dự bị cũng phải được bảo mật như đề thi chính thức.

Trong buổi thi Ngữ văn ở Bắc Ninh, các cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô "cán bộ chấm thi" nhưng do bị tâm lý nên các thầy, cô đã yêu cầu thí sinh chép lại, ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em. Nếu bình tĩnh, các thầy cô vẫn để thí sinh làm bài, sau đó báo cáo với điểm trưởng để có giải pháp xử lý phù hợp.

Để bảo đảm quyền lợi của thí sinh và theo nguyện vọng của các em cũng như gia đình, những thí sinh này sẽ thi lại vào ngày mai bằng đề thi dự bị.

Tại Hội đồng thi Điện Biên, giám thị đã phát đề thi môn Địa lý chậm 5 phút, nhưng không bù giờ cho thí sinh. Trên cơ sở bảo đảm quyền lợi tối đa cho các em, Hội đồng thi tỉnh Điện Biên đã báo cáo Ban chỉ đạo thi Quốc gia và đã được đồng ý tổ chức thi lại cho những em này theo đề thi dự bị.

Ở Bình Phước tình huống xảy ra là cả thí sinh và cán bộ coi thi nghĩ là thí sinh được miễn thi môn Địa lý. Thực tế, thí sinh này là học sinh giỏi cấp trường, khi giám thị hỏi thì khai báo là được miễn thi môn Địa lý. Nhưng cán bộ coi thi chủ quan không kiểm tra lại danh sách; nếu kiểm tra lại thì sẽ có biện pháp xử lý khác. Đây là lý do để thí sinh này thi lại môn Địa lý bằng đề dự bị vào ngày mai.

"Tất cả những cán bộ coi thi mà xử lý không đúng quy chế, đều bị xử lý theo quy định. Còn quyền lợi của thí sinh vẫn bảo đảm tối đa" – ông Trinh nói.

Giải pháp tình thế bảo đảm quyền lợi cho thí sinh

Về tình trạng thiếu đề thi ở Hội đồng thi tỉnh Quảng Ninh, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho hay, việc tổ chức kỳ thi do địa phương chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu, trong đó có khâu in sao đề thi. Việc in sao đề thi chưa đủ số lượng - trước hết là trách nhiệm của Ban in sao đề thi, sau đó là Hội đồng thi tỉnh Quảng Ninh.

Trường hợp này, Quảng Ninh đã có giải pháp bổ sung thời gian cho đủ bằng cách trừ thời gian để bảo đảm đủ thời gian làm bài cho tất cả các thí sinh bị ảnh hưởng của việc này. Đây là giải pháp tình thế nhưng phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh.

Liên quan đến một số thí sinh là chiến sĩ công an, quân đội chưa được thi đợt này, ông Mai Văn Trinh cho hay: Các thí sinh này sẽ được ứng xử giống như thí sinh ở những vùng đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở nguyện vọng của thí sinh và đề nghị của các bên liên quan, sẽ xem xét để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.

Sẽ giải thích sâu hơn về đề thi Giáo dục công dân

Liên quan đến câu hỏi 117, mã đề 310 của đề thi môn Giáo dục công dân về quyền bình đẳng trong kinh doanh, ông Mai Văn Trinh cho biết: Nội dung này được lấy từ bài 4, trang 38, sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 12 hiện hành. Phân tích sâu hơn về nội dung này, các chuyên gia sẽ có ý kiến; nếu cần thiết Hội đồng ra đề thi sẽ có thông tin thêm.

Tuyển sinh bảo đảm quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trả lời câu hỏi của phóng viên.

Trả lời câu hỏi liên quan đến công tác tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, đề thi được các chuyên gia, thầy, cô giáo đánh giá là vừa sức, phù với điều kiện dạy – học nhưng vẫn có sự phân hóa, vừa bảo đảm mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các trường đại học có thể tuyển sinh.

Đề thi có sự phân hóa nên những thí sinh có học lực giỏi có thể đạt điểm cao; trên cơ sở đó, các trường đại học yên tâm xét tuyển và tuyển sinh được những thí sinh phù hợp.

Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh trên tinh thần bảo đảm an toàn, quyền lợi cho thí sinh, trong đó có thí sinh thi đợt 2 vì dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ đã ban hành Công văn đề nghị các trường đại học dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2. Công văn nêu rõ, các trường điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ và đề án tuyển sinh cho phù hợp, báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học) trước ngày 3/9/2020 và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường theo quy định.

Công tác tổ chức xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng (lấy kết quả từ cao xuống thấp); không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội; điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự Kỳ thi đợt sau phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự Kỳ thi trong các ngày 8-10/8/2020.

Chúng tôi sẽ cùng xã hội giám sát quá trình tuyển sinh của các trường.

Công bố điểm thi bảo mật thông tin cá nhân

Ông Mai Văn Trinh cho biết, năm nay vẫn sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi. Việc công bố điểm thi thực hiện ổn định như đã làm nhiều năm với yêu cầu thông suốt, không nghẽn mạng, đặc biệt bảo đảm bí mật cá nhân đời tư của thí sinh, không có thông tin cá nhân liên quan đến thí sinh như mọi năm. Các hình thức công bố điểm thi phải miễn phí.

Dù dịch Covid-19 nhưng việc phân tích phổ điểm vẫn thực hiện bình thường và công bố theo kế hoạch.

Tổ chức thi thi tốt nghiệp THPT đợt 2 như thế nào?

Theo Cục trưởng Mai Văn Trinh, tinh thần chung để tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổ chức kỳ thi trong bối cảnh bình thường mới. Tùy vào tình hình dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào thời điểm thích hợp.

Tuy nhiên, dù tổ chức vào thời điểm nào thì cũng phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, công bằng và theo đúng quy chế; đặc biệt, phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.

Tinh thần chung là tổ chức thi tại địa phương. Căn cứ tình hình cụ thể khi đó, địa phương sẽ có phương án đề xuất phù hợp; tổ chức gọn nhẹ, nhưng vẫn phải bảo đảm các mục tiêu đề ra và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Bảo đảm an toàn chấm thi

Phóng viên đặt câu hỏi: Trong bối cảnh dịch Covd-19 như hiện nay, việc tổ chức chấm thi sẽ được tổ chức như thế nào để bảo đảm an toàn cho giáo viên chấm thi?

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh cho biết: Công tác chấm thi sẽ được tiến hành theo lịch trình thời gian đã đề ra. Các địa phương đã sẵn sàng cho công tác này, cả tự luận và trắc nghiệm. Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 tại khu vực chấm thi cũng được bảo đảm. Mục tiêu là an toàn sức khỏe,.

Vẫn dự trù quỹ thời gian đủ để bảo đảm chấm thi đáp ứng cả tiến độ và chất lượng, nhất là những thành phố lớn. Ngày mai các địa phương sẽ bắt đầu thực hiện các khâu của công tác chấm thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được mục tiêu kép

Đánh giá sơ bộ, đến thời điểm này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được mục tiêu kép, vừa bảo đảm chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của Bộ GD&ĐT, sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước; sự hỗ trợ của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an; tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ; sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan truyền thông.

Phóng viên báo, đài đặt câu hỏi tại cuộc họp báo

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc. Kỳ thi diễn ra trật tư, an toàn, bảo đảm khách quan công bằng.  Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên cả nước. Mọi hành vi vi phạm quy chế thi đều được phát hiện và xử lý kịp thời, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

2 ngày thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tùy vào tình hình dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào thời điểm thích hợp.

Đánh giá chung, Kỳ thi đã được tổ chức đáp ứng các mục tiêu đề ra, bảo đảm phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Hơn 900 nghìn thí sinh đăng ký dự thi

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có tổng số 900.079 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có 26.308 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi. Tổng số điểm thi trên cả nước là 2.029, số phòng thi là 38.210.

Trong 2 ngày thi, có tổng số 39 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 1 thí sinh bị khiển trách, 38 thí sinh bị đình chỉ; 18 cán bộ vi phạm quy chế thi.

Tất cả thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau không tự viết bài được cũng đã được các hội đồng thi tạo điều kiện để tham dự kỳ thi. Các hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa cho thí sinh, bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.

Các địa phương, nhất là nơi có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến thí sinh là đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Theo Báo Giáo Dục & Thời Đại