Thực trạng tổ chức không gian làng, xã Tiểu vùng nam Đồng bằng châu thổ sông Hồng (TVNĐBSH)
Làng xã tại TVNĐBSH được chia thành 03 vành đai, có đặc điểm tổ chức không gian kiến trúc như sau: (i) Vành đai sát biển có đê biển gắn với trồng rừng ngập mặn, nuôi tôm cua và các loại hải sản khác. Khu vực này hình thành trang trại nuôi trồng thủy sản. Các công trình xây dựng phân tán theo vị trí và quy mô của các trang trại; (ii) Vành đai 2 từ đê biển đến đường QL10, các khu vực dân cư mới làm nghề trồng cói, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản; (iii) Vành đai 3 nằm sâu trong đất liền gắn với các khu vực dân cư cũ, khu vực sản xuất lúa, trồng cây hàng năm và lâu năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thực trạng tổ chức không gian kiến trúc nhà ở
Nhà ở gắn với sản xuất nông nghiệp hộ gia đình có 3 loại bao gồm: (i) Nhà ở gắn với sản xuất lúa, hoa màu: Khuôn viên có diện tích khoảng 250 -1000m2. Diện tích sân, vườn, nhà phụ có xu hướng thu hẹp. Diện tích nhà chính có xu hướng mở rộng. Các thành phần chức năng trong khuôn viên như nhà chính, nhà phụ, khu vệ sinh, sân, cổng, tường rào, vườn. Các thành phần chức năng có xu hướng hợp khối. Bố cục không gian có sự biến đổi từ cấu trúc khuôn viên nhà truyền thống sang khuôn viên nhà theo kiểu đô thị: Nhà vườn, nhà chia lô; (ii) Nhà ở gắn với trang trại nuôi trồng thủy sản: Loại nhà ở nông thôn gắn với các mô hình trang trại chăn nuôi thủy sản tập trung tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình thuộc TVNĐBSH. Nghề nuôi trồng thủy sản như nuôi ngao, tôm, cá là chính. Loại khuôn viên có diện tích rộng trung bình khoảng 2ha; (iii) Nhà ở gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm: Loại nhà ở nông thôn gắn với các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh thuộc TVNĐBSH. Khuôn viên có diện tích rộng khoảng 1000-5000m2. Diện tích vườn, ao, nhà phụ có xu hướng mở rộng.
Nhà ở gắn với mô hình trang trại: TVNĐBSH có 4 loại hình trang trại chính: Trang trại trồng cây hàng năm, trang trại trồng cây lâu năm chiếm tỉ lệ ít, trang trại chăn nuôi, trang trại nuôi trồng thủy sản là chủ yếu.
Nhà ở kết hợp với sản xuất thủ công tại các làng nghề truyền thống: Nhà ở trong làng nghề ở TVNĐBSH luôn gắn với mỗi nghề và có đặc trưng riêng như: chế tác đá mỹ nghệ, chế biến cói; thêu, ren; nghề gốm sứ; nghề mây, tre đan, tăm hương; nghề mộc dân dụng, gỗ mỹ nghệ; nghề cốt chăn bông; nghề cơ, kim khí.
Nhà ở kết hợp với dịch vụ, thương mại: Khuôn viên nhà khoảng 100-300m2. Diện tích nhà được tận dụng triệt để cho hoạt động dịch vụ thương mại. Chức năng cửa hàng dịch vụ có xu hướng mở rộng nên bố cục không gian có sự biến đổi mạnh mẽ từ cấu trúc khuôn viên nhà truyền thống sang khuôn viên nhà liền kế đô thị lấy cửa hàng dịch vụ, sân làm không gian chủ đạo.
Thực trạng quản lý phát triển nhà ở nông thôn
Thực trạng quản lý xây dựng hạ tầng làng, xã: Công tác quản lý theo ngành dọc từ bộ, sở, đến phòng quản lý đô thị huyện, phòng địa chính xây dựng xã. Tuy nhiên, trách nhiệm của các bộ phận được phân cấp quản lý chưa rõ ràng, văn bản pháp quy triển khai định hướng chưa đi thẳng vào nội dung cụ thể, chưa đủ sâu về khía cạnh thực tiễn.
Thực trạng quản lý thiết kế nhà ở nông thôn: Việc quản lý hoạt động thiết kế được phân cấp cho phòng quản lý đô thị của huyện. Việc cấp phép xây dựng đối với nhà ở nông thôn tại khu vực đã có quy hoạch như khu vực tái định cư, khu vực sản xuất nghề,… Tuy nhiên, việc quản lý xây dựng ở đây rất hạn chế. Việc cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn vẫn theo “cơ chế” riêng.
Thực trạng quản lý xây dựng nhà ở nông thôn: Việc quản lý hoạt động xây dựng tại địa phương được phân cấp cho cán bộ địa chính, xây dựng của xã. Tuy nhiên, việc quản lý xây dựng ở khu vực nông thôn bị buông lỏng, công trình xây dựng theo nhu cầu, mong muốn và điều kiện của hộ gia đình.
Thực trạng đào tạo kiến trúc sư: Các trường đào tạo kiến trúc sư mở rộng về số lượng, nhưng việc đào tạo kiến trúc sư sâu chuyên môn thiết kế nhà ở nông thôn còn thấp. Kiến trúc sư lúng túng về phương pháp trong quản lý, thiết kế nhà ở nông thôn.
Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc phù hợp với quá trình CNH – HĐH
Từ kinh nghiệm thực tiễn ở trong và ngoài nước, nhiều chuyên gia đã đề xuất quan điểm tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn theo hướng văn hóa, môi trường và gắn với phát triển kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình CNH – HĐH làm biến đổi cấu trúc không gian nhà ở nông thôn truyền thống sang kiến trúc đô thị. Bài toán tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn không dừng lại ở bố cục và tạo hình mà phải nhìn nhận như bài toán tích hợp giữa các yếu tố kinh tế, văn hóa với yếu tố không gian nhà ở.
Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn đáp ứng sản xuất kinh tế nông nghiệp
Tổ chức không gian kiến trúc làng: Làng vẫn giữ được cấu trúc không gian làng nông nghiệp truyền thống. Kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế làng. Không gian phát triển sản xuất nông nghiệp có vai trò định hướng cấu trúc không gian làng và đáp ứng sản xuất kinh tế nông nghiệp bao gồm các nhóm chức năng sau: Khu vực công trình công cộng, khu vực điểm dân cư nông thôn, khu vực công trình di tích lịch sử, khu vực dịch vụ sản xuất (kho, bãi đỗ xe, dịch vụ), khu vực sản xuất nông nghiệp và khu vực công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tổ chức không gian kiến trúc khuôn viên nhà: giải pháp cho 3 loại nhà ở chính (nhà ở gắn với trồng lúa, hoa màu, nhà ở đáp ứng nuôi trồng thủy sản, nhà ở đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm). Khuôn viên bao gồm các chức năng như nhà ở O chính, khu vực sản xuất (trồng hoa màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).
Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở: Bao gồm nhóm chức năng chính: Chức năng ở và chức năng sản xuất. Tính tiện nghi và tích hợp đa chức năng thể hiện trong việc kết hợp các chức năng thành không gian sử dụng chung.
Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn đáp ứng sản xuất làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch
Tổ chức không gian kiến trúc làng: Không gian làng có sự giao thoa của các chức năng làng nông nghiệp và làng dịch vụ thương mại. Kinh tế nghề chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế làng. Không gian phát triển nghề có vai trò định hướng cấu trúc không gian làng và bao gồm các nhóm chức năng sau: Khu vực công trình công cộng, khu vực điểm dân cư nông thôn, khu vực công trình di tích, khu vực công trình dịch vụ thương mại hỗ trợ sản xuất, sản xuất nghề, sản xuất nông nghiệp, khu vực công trình hạ tầng kỹ thuật.
Tổ chức không gian kiến trúc khuôn viên nhà: Đây là loại nhà ở nông thôn được xây dựng cho các gia đình sản xuất nghề, khuôn viên nhà ở cần phải duy trì các chức năng truyền thống như nhà ở chính, khu vực sản xuất nghề, cổng, tường rào…. Bổ sung các không gian dịch vụ, bãi tập kết nguyên liệu và sản phẩm, bãi đỗ xe.
Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở: Bao gồm các nhóm chức năng: Nhóm chức năng ở và nhóm chức năng phụ trợ. Đối với nhà ở kết hợp nghề phụ không gian nhà thích ứng với mỗi loại hình nghề.
Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn đáp ứng kinh doanh thương mại, dịch vụ nông nghiệp
Tổ chức không gian kiến trúc làng: Không gian làng có sự giao thoa chức năng làng nông nghiệp, làng nghề. Hoạt động thương mại dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế làng. Không gian phát triển dịch vụ thương mại có vai trò định hướng cấu trúc không gian làng và bao gồm các nhóm chức năng: Khu vực công trình công cộng (nhà văn hóa thôn, trường mầm non và có thể là các công trình công cộng cấp xã), khu vực điểm dân cư nông thôn (dân cư hiện trạng và dân cư nông thôn mới), khu vực công trình di tích lịch sử (đình, chùa, miếu, đền thờ), khu vực hỗ trợ sản xuất (kho, bãi đỗ xe, dịch vụ), khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực hạ tầng kỹ thuật.
Tổ chức không gian kiến trúc khuôn viên nhà: Các thành phần chức năng cơ bản của nhà ở kết hợp làm dịch vụ và thương mại gồm không gian ở; không gian bán hàng, buôn bán và dịch vụ thương mại, không gian này bố trí ngay tại tầng một, tiếp giáp với đường giao thông, phần không gian bên ngoài bán hàng, không gian bên trong làm kho chứa hàng.
Tổ chức không gian kiến trúc nhà ở: Đề xuất giải pháp tổ chức không gian cho khuôn viên có diện tích bình quân 100m2. Diện tích đất xây dựng này phổ biến tại các khu vực dân cư bám theo hành lang giao thông hiện nay.
Bổ sung chính sách, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở nông thôn TVNĐBSH
Bổ sung chính sách bao gồm: Xác định mức thu nhập thực tế của người lao động; Nhanh chóng thu hồi các quỹ đất đang bị sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm,… Quy hoạch lại các khu này thành khu giãn dân, tái định cư ở cho công nhân dịch vụ nông nghiệp; Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân gắn với sản xuất nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ chương trình kích cầu của Chính phủ với hỗ trợ lãi suất 100%; Nghiên cứu và thành lập một công ty phát triển nhà ở nông thôn và quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở nông thôn.
Bổ sung hệ thống tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Trong số 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có Tiêu chí số 9 quy định về nhà ở nông thôn đối với vùng ĐBSH như: Nhà tạm, dột nát là không có; Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 90%. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng chưa được quy định trong văn bản pháp quy nào, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí số 9. Quy hoạch nông thôn mới chưa giải quyết triệt để một số vấn đề sau:
– Mới tập trung hoàn thiện hạ tầng để tạo diện mạo mới cho làng xã, tuy nhiên cấu trúc xã chưa gắn với các mô hình phát triển kinh tế nông thôn.
– Khu vực điểm dân cư nông thôn mới chưa đưa ra được giải pháp quy hoạch hoàn chỉnh, chưa gắn kết với không gian sản xuất.
– Các giải pháp quy hoạch sản xuất nhằm tích tụ ruộng đất cơ bản đã được hầu hết các địa phương triển khai nhưng chưa đề xuất được các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm của làng, xã vùng ĐBSH. Đặc biệt chưa chú trọng đến vùng hiệu quả sản xuất.
Trong 19 tiêu chí thì có 2 tiêu chí áp dụng cho quy hoạch khu vực nông thôn và rất cần thiết có sự điều chỉnh ở mỗi vùng miền, mỗi địa phương sao cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó Tiêu chí 1: Có quy hoạch toàn xã tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500 một số khu vực tập trung phát triển (trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn và khu vực dịch vụ sản xuất) và được công bố công khai đúng thời hạn; Tiêu chí 7: Xã có chợ nông thôn và các trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Kết nối hệ thống thương mại tại các khu đô thị mới và chợ truyền thống tại các khu dân cư cũ.
Giải pháp quản lý phát triển tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn
Quản lý về cải tạo, chỉnh trang cấu trúc làng đáp ứng CNH – HĐH: Đối với quy hoạch điểm dân cư nông thôn cần thống nhất với người dân các bước tiến hành ngay từ đầu, theo nguyện vọng tối đa của họ. Các bước lựa chọn quy hoạch trước khi phê duyệt phải được giới thiệu cho người dân, để họ cùng xem xét, cùng khảo sát.
Quản lý xây dựng nhà ở nông thôn: việc áp dụng chính sách cứng để quy định hoạt động thiết kế xây dựng nhà ở nông thôn là không khả thi. Cần có cách tiếp cận mềm để xây dựng sách hướng dẫn cho người dân hay cộng đồng hiểu và lựa chọn mẫu phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa của mình.
Đề xuất giải pháp quản lý: tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn gắn với cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu trong quá trình CNH – HĐH. Cộng đồng dân cư có thể tiếp cận các thông tin chính sách, tham khảo mẫu nhà ở nông thôn, vật liệu xây dựng và đặt hàng thiết kế thông qua mạng internet.
Giải pháp quản lý phát triển tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn TVNĐBSH với sự tham gia của cộng đồng
Cộng đồng tham gia cải tạo, chỉnh trang cấu trúc làng: Đối với quy hoạch điểm dân cư nông thôn cần thống nhất với người dân các bước tiến hành ngay từ đầu, theo nguyện vọng tối đa của họ. Các bước lựa chọn quy hoạch trước khi phê duyệt phải được giới thiệu cho người dân, để họ cùng xem xét, cùng khảo sát. Khi tiến hành phải từng bước thuyết trình để người dân nắm bắt được, có ý kiến tham gia đầy đủ để khai thác tối đa kinh nghiệm truyền thống từ cha ông họ như: Địa hình – Nguồn nước – Ruộng vườn.
Cộng đồng tham gia quản lý xây dựng nhà ở nông thôn: Tại Việt Nam, yếu tố cộng đồng nông thôn đã có lịch sử và đủ mạnh để đóng góp cho việc thiết kế xây dựng nông thôn. Điển hình là tổ chức văn hóa làng, dòng họ gắn với quy định, hương ước. Bằng chứng là các công trình kiến trúc nhà ở nông thôn là những tác phẩm kiến trúc thể hiện được giá trị văn hóa người Việt.
Cộng đồng tham gia xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà ở nông thôn: tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn gắn với cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu trong quá trình CNH – HĐH. Cộng đồng dân cư có thể tiếp cận các thông tin chính sách, tham khảo mẫu nhà ở nông thôn, vật liệu xây dựng và đặt hàng thiết kế thông qua mạng internet. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và website về quản lý phát triển nhà ở nông thôn cho mỗi xã. Trang thông tin điện tử này tích hợp với hệ thống quản lý hành chính của xã để giảm chi phí vận hành.
Nhiệm vụ xây dựng phát triển nhà ở nông thôn trong thời kỳ CNH – HĐH
Đến nay, việc thực hiện đường lối CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những thành tựu đáng kể, kéo theo nhiều đổi thay ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nông thôn. Mặc dù vậy, nhiều vấn đề phát triển nhà ở nông thôn thể hiện sự bất cập, hạn chế của quá trình này cũng đã xuất hiện và có diễn biến phức tạp, đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cần giải quyết. Cụ thể là:
- Nâng cao chất lượng kiến trúc nhà ở nông thôn phù hợp với không gian làng xã truyền thống, điều kiện kinh tế xã hội nông thôn.
- Điều chỉnh, cải tiến bố cục chức năng phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH – HĐH và điều kiện sinh hoạt của người dân ngày một nâng cao.
- Thống nhất về kết cấu và các loại vật liệu mới, tăng cường sử dụng các loại vật liệu địa phương, gắn với sử dụng linh hoạt các công nghệ hiện đại.
Từ nghiên cứu thực tiễn, tác giả đề xuất những nội dung sau: (1) Bộ Xây dựng cần bổ sung văn bản, ban hành tiêu chuẩn thiết kế nhà ở nông thôn, quy định cấp phép xây dựng nông thôn và sách hướng dẫn tổ chức không gian kiến trúc nhà ở nông thôn; (2) Sở Xây dựng quản lý và thực hiện quy hoạch nông thôn mới, điểm dân cư nông thôn theo quy hoạch chung; Sở Tài nguyên Môi trường sử dụng kết quả nghiên cứu cho công tác quản lý môi trường khu vực nông thôn, đặc biệt là làng nghề; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sử dụng kết quả nghiên cứu cho công tác bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể tại khu vực nông thôn; (3) Đơn vị tư vấn thiết kế sử dụng kết quả nghiên cứu cho công tác tư vấn quy hoạch nông thôn mới, điểm dân cư nông thôn và thiết kế nhà ở nông thôn. (4) Doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu cho việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tái định cư, cụm tiểu thủ công nghiệp, điểm du lịch trong khu vực nông thôn. (5) Cộng đồng dân cư sử dụng kết quả nghiên cứu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò thiết kế nhà ở nông thôn trong việc bảo vệ môi trường, văn hóa làng xã.
Kết luận
Chương trình quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2009-2020 triển khai và đã đạt được hoàn thành ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Quy hoạch nông thôn mới đã làm thay đổi cấu trúc không gian làng xã truyền thống, hệ thống hạ tầng sản xuất và kiến trúc nhà ở nông thôn.
Trong bối cảnh đô thị hóa mạnh, nhà ở nông thôn có sự thay đổi nhanh về hình thức, quy mô chức năng, kết cấu, vật liệu… làm biến đổi diện mạo không gian làng xã truyền thống. Sự biến đổi này hiện như chưa được kiểm soát chặt chẽ, định hướng phù hợp. Dẫn đến kiến trúc nhà ở nông thôn phát triển manh mún, lộn xộn, …. Cần đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu giải quyết cụ thể tiếp theo cho đến 2025.
TS.KTS Nguyễn Hoài Thu – Giáo viên Bộ môn Xây dựng nhà và công trình công nghiệp,Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Học viện Kỹ thuật Quân sự
Theo Tạp chí Kiến Trúc Việt Nam