xuân

Khủng hoảng hậu ‘li hôn’, Vương quốc Anh nỗ lực trở về bên EU sau 5 năm Brexit?

Thủ tướng Anh Keir Starmer chính thức tuyên bố về một thỏa thuận quan trọng "cùng có lợi" với EU, nhưng các đảng cánh hữu ngay lập tức chỉ trích rằng, Thỏa thuận này sẽ biến Vương quốc Anh thành "người tuân thủ luật lệ" của Brussels.

Khủng hoảng hậu ‘li hôn’, Anh tìm cách trở về bên EU sau 5 năm Brexit? (Nguồn: Getty Images)
Khủng hoảng hậu ‘li hôn’, Anh tìm cách trở về bên EU sau 5 năm Brexit?. Trong ảnh: Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Keir Starmer. (Nguồn: Getty Images)

Chính phủ Anh đã nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại "đôi bên cùng có lợi" với EU - 5 năm sau sự kiện Vương quốc Anh chính thức ra khỏi EU với 47 năm gắn bó (gọi là Brexit). Thủ tướng Anh Keir Starmer tràn đầy hy vọng khi cho biết, “Thỏa thuận thiết lập lại quan hệ với EU, đưa Vương quốc Anh trở lại sân khấu thế giới”.

Tái hội nhập EU?

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố một chương mới trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã được mở ra, khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại và hợp tác toàn diện, được kỳ vọng sẽ giúp người dân Anh tiếp cận thực phẩm, năng lượng rẻ hơn, đồng thời mang lại cú hích lớn cho nền kinh tế hậu Brexit.

Tại hội nghị thượng đỉnh tại Lancaster House (ngày 19/5), Thủ tướng Starmer và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã chính thức ký kết thỏa thuận, mở đường cho sự “tái hội nhập” sâu sắc hơn giữa Anh và khối châu Âu – gần ba năm sau khi Brexit chính thức có hiệu lực.

“Vương quốc Anh đã trở lại sân khấu thế giới", Thủ tướng Starmer phát biểu sau khi bắt tay thân mật với bà von der Leyen. Ông cũng thông báo, “Thỏa thuận này mang lại quyền tiếp cận chưa từng có tiền lệ vào thị trường EU- thị trường tốt nhất của bất kỳ quốc gia nào... – mà vẫn tuân thủ các lằn ranh đỏ mà chúng tôi cam kết trong cương lĩnh tranh cử.”

Lần đầu tiên thừa nhận thiệt hại do Brexit gây ra cho thương mại của Anh, ông Starmer cho biết, Thỏa thuận lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế Anh với giá trị ước tính lên tới 9 tỷ Bảng Anh, thông qua việc dỡ bỏ hàng rào trong thương mại nông sản giữa hai bên – lĩnh vực vốn chịu tổn thất nặng nề nhất sau Brexit. Trong một cuộc họp báo của chính phủ, chính phủ Anh cho biết, xuất khẩu của nước này đã giảm 21% và nhập khẩu giảm 7% kể từ khi rời EU.

Thủ tướng Starmer cũng nhấn mạnh các lợi ích rõ ràng khác với kỳ vọng có thể đạt được trong vòng 1 năm, như việc chấm dứt tình trạng chen lấn, xếp hàng dài làm thủ tục hộ chiếu tại các sân bay châu Âu nhờ thỏa thuận sử dụng cổng kiểm soát tự động (e-gates) và thực phẩm trong siêu thị có thể rẻ hơn do chi phí vận chuyển và kiểm dịch được cắt giảm.

Đáng chú ý, Vương quốc Anh sẽ chính thức quay trở lại chương trình trao đổi sinh viên Erasmus – vốn bị cắt đứt sau Brexit. Cùng với đó là việc thiết lập một chương trình di chuyển thanh niên mới cho phép người trẻ từ Anh có thể sang EU để làm việc, học tập, làm au pair (trông trẻ) hoặc du lịch, theo mô hình giới hạn thời gian và số lượng như thỏa thuận với Australia và New Zealand.

Tuy nhiên, để đổi lấy các điều khoản kinh tế ưu đãi, Anh đã phải đưa ra những nhượng bộ gây tranh cãi và bị đánh giá có độ rủi ro cao về thị thực thanh niên và quyền đánh bắt cá.

Theo đó, Anh đã đồng ý cho ngư dân EU tiếp cận vùng biển của mình thêm 12 năm – gấp 3 lần đề xuất ban đầu. Nhượng bộ phút chót này đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ đảng Bảo thủ và ngành thủy sản Anh.

Cựu Thủ tướng Boris Johnson gay gắt cho rằng ông Starmer “đang biến nước Anh thành con rối bị Brussels giật dây”.

Trong khi đó, Liên đoàn các Tổ chức Ngư dân Quốc gia Anh (NFFO) mô tả thỏa thuận là “một thất vọng lớn” và “đánh mất cơ hội phát triển hiếm có cho các cộng đồng ven biển”.

Dù vậy, chính phủ Anh cho biết, ngành thủy sản nước này vẫn sẽ hưởng lợi từ khả năng xuất khẩu một số loại hải sản sang EU – điều đã bị đình trệ kể từ Brexit.

Ngoài ra, theo chính phủ của Thủ tướng Starmer cho biết, còn những nội dung trọng điểm đáng chú khác của thỏa thuận như: Hiệp ước quốc phòng - mở đường để Anh tiếp cận Quỹ tái vũ trang trị giá 150 tỷ Euro (126 tỷ bảng Anh) của EU, dù phải đóng góp tài chính vào quỹ này; Một thỏa thuận về khí thải mang tính bước ngoặt, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Anh tránh được khoản thuế biên giới carbon trị giá 800 triệu Bảng Anh; Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực tội phạm và nhập cư, bao gồm quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt của EU – một yêu cầu then chốt từ Thủ tướng Starmer.

Vương quốc Anh đang trở lại

Chủ tịch von der Leyen gọi đây là “khoảnh khắc lịch sử... mở ra chương mới trong mối quan hệ đặc biệt của chúng ta”.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves - một trong những người ủng hộ châu Âu nhất trong nội các nhấn mạnh: “Đây là thỏa thuận tốt nhất với EU mà bất kỳ quốc gia nào có thể đạt được”, đồng thời tuyên bố “nước Anh hiện là điểm đến đầu tư và kinh doanh lý tưởng, vì chúng tôi có thỏa thuận ưu đãi với các nền kinh tế lớn nhất".

Đây là thỏa thuận thứ ba trong tháng mà Vương quốc Anh ký kết, sau các thỏa thuận với Ấn Độ và Mỹ – được xem là nỗ lực ngoại giao nhằm khẳng định vị thế mới của nước Anh thời hậu Brexit.

Dù vậy, dư âm của Brexit vẫn hiện hữu. Theo các nguồn tin từ cuộc đàm phán, chính sự cởi mở của Nhà lãnh đạo Anh về chương trình thị thực thanh niên đã khuyến khích phía EU yêu cầu thêm nhượng bộ vào phút chót của cuộc thương lượng kéo dài đến tận đêm muộn ngày Chủ nhật (18/5) và EU chỉ chính thức phê chuẩn văn bản vào rạng sáng ngày thứ Hai (19/5).

Sau khi chính thức rời EU, nước Anh đã phải vật lộn để duy trì thương mại với các nước châu Âu. Các thương hiệu hàng đầu của Anh như Burberry và Vivienne Westwood đã chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu quần áo và giày dép sang EU.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU đã giảm 27% trong giai đoạn 2021-2023, trong khi nhập khẩu giảm 32%. Thuế quan mới và rào cản hành chính đã khiến một số công ty phải chuyển hoạt động sản xuất sang EU và nhiều nhà xuất khẩu nhỏ của Anh đã phải ngừng giao dịch hoàn toàn với EU.

Sự sụt giảm trong thương mại đã tác động đến cuộc sống hàng ngày ở Anh với giá cả tăng cao. Bất chấp những thách thức này, một số lĩnh vực, chẳng hạn như sức khỏe và sắc đẹp, đã phát triển mạnh mẽ và London vẫn là một trung tâm tài chính quan trọng ở châu Âu.

Giới phân tích nhận định, Thỏa thuận tái thiết quan hệ Anh-EU không chỉ là một bước đi chiến lược nhằm khắc phục những tổn thương kinh tế do Brexit gây ra, mà còn là dấu hiệu cho thấy nước Anh đang chủ động tái định hình vai trò của mình trên trường quốc tế, như một đối tác đáng tin cậy và cởi mở.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Keir Starmer, Vương quốc Anh lựa chọn hợp tác thay vì đối đầu, linh hoạt thay vì cứng nhắc, với mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích thiết thực cho người dân – từ siêu thị đến sân bay, từ nhà máy đến giảng đường. Tuy còn không ít tranh cãi và nhượng bộ, nhưng thỏa thuận này dường như đã đánh dấu một bước ngoặt rằng - nước Anh hậu Brexit đang từng bước xây dựng một hình ảnh mới – thực tế hơn và gắn kết hơn với phần còn lại của thế giới.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })