|
Phụ huynh hãy để cho con khởi đầu lớp 1 ý nghĩa. Ảnh minh họa.
|
Không nên chạy vào trường điểm
Nhịp Sống Sài Gòn
09:04 20/09/2016
(thoibaongaynay.vn) - “Hãy cho con sống đúng với tuổi thơ, để con có khởi đầu lớp 1 ý nghĩa và thấy mỗi ngày con đến trường là một ngày vui” là trao đổi của chị Nguyễn Thị Lan Phương (Hà Nội).
(thoibaongaynay.vn) - “Hãy cho con sống đúng với tuổi thơ, để con có khởi đầu lớp 1 ý nghĩa và thấy mỗi ngày con đến trường là một ngày vui” là trao đổi của chị Nguyễn Thị Lan Phương (Hà Nội).
Chị Phương có hai con trai, con đầu năm nay học lớp 1. Để chuẩn bị hành trang cho con đến trường, ngay từ nhỏ, chị đã bắt đầu tạo cho con không gian, những điều lý thú ở các cấp học.
Để trẻ thấy vui khi đi học
Đặc biệt, trước thời gian chuyển cấp từ mẫu giáo lên lớp 1 chị đã dành cả mùa hè để cùng con tìm hiểu cấp học này.
Chị kể: “Hồi xưa tôi học ở quê, vào lớp 1 gần như không biết gì, bố mẹ đi làm, tôi chỉ biết học và chăm em.
Nhưng ngày khai giảng vào lớp 1 hay những tuần học đầu cấp học mới tôi không bao giờ quên. Hồi đó chưa có đồng phục, chưa có điều kiện nhưng học không áp lực như bây giờ”.
Để con không quá bỡ ngỡ khi bước vào cấp học mới, kết thúc ngày học của con, chị thường cố gắng đến trường đón con đúng giờ.
Về nhà, hai mẹ con làm việc nhà, vừa chia sẻ những điều mà trong ngày cả hai mẹ con làm được, điều này khoảng cách giữa bố mẹ và con cái không mà gần gũi như những người bạn.
Chị Phương còn ghi nhật ký sau mỗi ngày học của con bởi theo chị: “Tôi viết nhật ký để sau này khi đứa con thứ hai vào lớp 1 có thể đọc lại, xem như đó là chút kinh nghiệm, đồng thời hạn chế được lỗi mắc phải với đứa con đầu của mình”.
Đừng đánh mất tuổi thơ của con
Nhiều người trong cơ quan chị thắc mắc, với mức kinh tế và mối quan hệ của gia đình chị thừa sức xin cho con học một trường điểm nhưng lại cho con học trường bình thường.
Chị nói: “Đừng kỳ vọng quá nhiều vào trường điểm mà đánh mất đi tuổi thơ của con. Nếu con mình tìm được niềm vui trong học tập thì học ở trường nào cũng được.
Hơn nữa, học trường điểm con chịu áp lực rất nhiều, luôn phải chịu gánh nặng bài vở, sự cạnh tranh trong học tập dẫn đến ngoài thời gian đi học ở lớp các con phải đi học thêm. Như vậy, mình đã biến thời gian đẹp đẽ của lớp 1 thành những ngày chỉ biết đến chữ cái và con số”.
Với vai trò là người mẹ, là một chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Mai Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cũng không đồng ý việc cho con vào trường điểm.
Chị phân tích: “Theo nhiều phụ huynh đang quan niệm thì trường điểm mọi điều kiện tốt hơn. Mặc dù vậy, phụ huynh chưa cân nhắc về vấn đề trường điểm cũng dạy chương trình trường học như trường thường, cũng sách giáo khoa như vậy.
Nhưng áp lực cho con sẽ lớn hơn, sự cạnh tranh cao dẫn đến con mất đi tuổi thơ của mình. Đặc biệt là lớp 1, giai đoạn đang bắt đầu làm quen với các môn học, chính vì vậy phụ huynh nên để các con học trường bình thường và phát triển tư duy theo đúng lứa tuổi của trẻ. Đừng thúc ép hay cố làm theo ý mình”.
Khái niệm “trường điểm” hay “trường thường” là do các phụ huynh tự đặt ra, tuy nhiên sự phân biệt này có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục. Bất cứ đơn vị nào được gọi là trường học thì đều đảm bảo đáp ứng đúng nội dung chương trình về giáo dục kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh.
Tuy nhiên, trường được gọi là trường điểm có thể được đầu tư về cơ sở vật chất tốt hơn, phương pháp có những điểm ưu việt hơn, tuy nhiên sự phát triển nhân cách không chỉ phụ thuộc vào môi trường học đường mà còn nhiều yếu tố khác như bẩm sinh di truyền, môi trường gia đình, xã hội và tính tích cực hoạt động của trẻ.
Theo Đức Liêm/ Lao Động