xuân

“Khơi thông” bất động sản dưỡng lão từ nguồn kiều hối về Việt Nam

Một loại hình bất động sản có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và nhu cầu đầu tư của bà con kiều bào vào lĩnh vực này khá lớn. Tương lai, nguồn kiều hối sẽ là “lực đẩy” cho loại hình này phát triển.

“Khơi thông” bất động sản dưỡng lão từ nguồn kiều hối về Việt Nam- Ảnh 1.

Một loại hình bất động sản có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và nhu cầu đầu tư của bà con kiều bào vào lĩnh vực này khá lớn. (Ảnh minh hoạ: Int)

Trong một cuộc trò chuyện với báo chí cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2024 kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD (tương đương năm 2023), riêng TP. HCM là khoảng 9,6 tỷ USD so với mức đạt được cả năm ngoái là 9,46 tỷ USD.

Nhiều chính sách hỗ trợ lượng kiều hối về Việt Nam

Đánh giá về lượng kiều hối tiếp tục giữ ổn định trong mấy năm qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, trước hết là do thu nhập và mức sống của người Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên. Thứ hai là trong nước cũng có nhiều cơ hội để kiều bào đầu tư và kinh doanh, tạo ra sức hút lớn hơn cho kiều bào từ nước ngoài mang tiền về.

Thứ ba là sự hỗ trợ từ các hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ trong việc phát triển kiều hối và thúc đẩy kiều hối không chỉ trong nước mà tất cả các cơ quan lãnh sự ở nước ngoài cũng thúc đẩy kiều bào gửi tiền về trong nước.

Thứ tư là vấn đề giao thương giữa người nước ngoài và trong nước cũng trở nên dễ dàng hơn, chẳng hạn như việc cấp visa và các chính sách về nhập cảnh cũng được nới lỏng, tạo điều kiện cho người nước ngoài về thăm bà con trong nước nhiều hơn. Tất cả những điều đó đóng góp vào việc lượng kiều hối tăng đều trong những năm vừa qua.

Để chuyển được kiều hối vào Việt Nam, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào và những người lao động ở nước ngoài thường sử dụng qua dịch vụ của ngân hàng, Western Union và qua những công ty chuyển tiền đặt tại các thành phố lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, còn có một kênh không chính thức, đó là một lượng đô la không chuyển qua biên giới. Đơn cử như người ở bên Mỹ muốn gửi tiền về trong nước, họ đến các công ty và các công ty có những công ty con hoặc những công ty liên kết ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Từ yêu cầu chuyển tiền Công ty bên Mỹ, các công ty con, công ty liên kết ở Việt Nam sẽ chuyển tiền cho bà con ở Việt Nam.

“Như vậy, tiền đô la đó là nằm ở tại Việt Nam, chứ không phải là tiền đô la phải chuyển từ Mỹ về”, TS. Hiếu nói.

Bên cạnh tất cả những cách chuyển tiền trên, còn có cách chuyển tiền lậu, tức là bà con chuyển đô la từ nước ngoài về mà không khai báo, nhưng lượng tiền đó không lớn.

Tiền kiều hối đầu tư vào đâu?

Lượng kiều hối về Việt Nam là một trong những nguồn lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nguồn lực này chưa được sử dụng thật sự hiệu quả. Bởi trong những năm qua, lượng kiều hối này đổ về Việt Nam thường được sử dụng cho vấn đề tiêu dùng cá nhân của bà con ở trong nước. Đồng thời, lượng kiều hối đó được đổi ra tiền VND để gửi tiết kiệm, vì giữ tiền đô la lãi suất bằng 0 đồng. Hoặc được đầu tư vào bất động sản và chứng khoán.

Với kênh bất động sản, nó có xu hướng gia tăng, nhưng tại thời điểm này vẫn chưa có một thống kê nào rõ ràng cho thấy lượng kiều hối đổ vào bất động sản chiếm bao nhiêu phần trăm.

Tuy nhiên, xu hướng này đã tăng lên khi Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành vào năm 2014. Đặc biệt, mới đây, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai cũng đã được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, điều này giúp nới lỏng việc đầu tư của bà con kiều bào vào bất động sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thị trường bất động sản không phải là thị trường tự do cho kiều bào, mà muốn mua bất động sản tại Việt Nam phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, không chỉ về tư cách pháp nhân của kiều bào mà còn các loại hình bất động sản cũng như cách thức đầu tư vào Việt Nam.

Gần đây một trong những phân khúc thị trường bất động sản là bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản dưỡng lão, đã có cơ hội phát triển và cũng là cơ hội cho bà con kiều bào đầu tư về trong nước. Bởi thực tế, nhiều bà con kiều bào sống ở nước ngoài, khi đến tuổi về hưu, muốn trở về Việt Nam để sống. Khôngchỉ vậy, bà con kiều bào còn mong muốn đầu tư vào bất động sản dưỡng lão tại Việt Nam.

“Hiện tại, ở Việt Nam cũng có một vài dự án về bất động sản dưỡng lão, nhưng lĩnh vực này hiện vẫn còn hạn chế để tạo cơ hội cho nhà đầu tư”, TS. Hiếu nhấn mạnh.