xuân

Kết nối, tạo đột phá cho thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Dương Hoàng Minh tin tưởng thời gian tới, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ phát triển lên một vị thế mới, tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Kết nối, tạo đột phá cho thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Đại sứ Đặng Minh Khôi (giữa), ông Dương Hoàng Minh (thứ hai từ phải), cùng các đại biểu đoàn doanh nghiệp Việt Nam tại Triển lãm thực phẩm World Food Moscow tháng 9/2024.

Nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga, dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950-2025), Tham tán Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Dương Hoàng Minh đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam những điểm nổi bật và kỳ vọng về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư song phương.

Ông có thể chia sẻ những điểm nổi bật về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga trong thời gian qua?

Việt Nam thiết lập quan hệ với Liên bang Xô viết, và sau này là Liên bang Nga, từ năm 1950. Trải qua 75 năm với nhiều biến động, nhưng hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trong đó có hợp tác kinh tế - thương mại đạt được nhiều thành quả đáng tự hào.

Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012. Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, mà LB Nga là thành viên, đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) vào tháng 5/2015, đây cũng là hiệp định FTA đầu tiên mà EAEU ký với một bên thứ ba.

Hiệp định có hiệu lực từ tháng 10/2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước tiếp cận thị trường của nhau, qua đó giúp thương mại song phương tăng trưởng mạnh. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trở ngại do đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước năm 2021 đạt 5,5 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2016.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới hợp tác kinh tế giữa hai nước, kim ngạch thương mại song phương năm 2024 vẫn tăng trưởng cao 26,4% so với năm 2023, đạt 4,6 tỷ USD. Trong tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 2,34 tỷ USD (tăng 34%), khoảng 70% kim ngạch đến từ các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Với sự phát triển tích cực, Việt Nam và LB Nga đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong hợp tác kinh tế - thương mại. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Liên bang Nga trong khối ASEAN, trong khi đó LB Nga là một trong năm đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu cho Liên bang Nga nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, hàng dệt may, điện tử... còn Nga là nước xuất khẩu lớn cho Việt Nam than đá, phân bón, hóa chất, thiết bị máy móc...

Về đầu tư, nhiều công trình lớn được xây dựng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Liên Xô trước đây, hiện vẫn tiếp tục đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các nhà máy điện như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An…

Trong lĩnh vực dầu khí, Liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsopetro hoạt động tại thềm lục địa Việt Nam cùng với Liên doanh dầu khí Nga-Việt Rusvietpetro hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên lãnh thổ LB Nga là hai biểu tượng cho hợp tác đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài những hợp tác mang tính biểu tượng như trên, các doanh nghiệp Nga cũng có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như lắp ráp, sản xuất ô tô, công nghệ cao, dịch vụ, bất động sản, lưu trú...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có khoảng 20 dự án đầu tư sang LB Nga với tổng vốn xấp xỉ 2 tỷ USD. LB Nga hiện đứng thứ 4 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Các dự án đầu tư tiêu biểu của Việt Nam tại LB Nga gồm Dự án thăm dò khai thác dầu khí của Công ty liên doanh Rusvietpetro tại khu tự trị Nhenhexky; dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH tại LB Nga; dự án Tổ hợp Trung tâm đa chức năng Hà Nội-Moscow…

Kết nối, tạo đột phá cho thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Hội thảo quốc tế “Khai thác tiềm năng của tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc - Nga” do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức tháng 11/2023.

Thương vụ tại Nga đã và đang triển khai những biện pháp gì nhằm xúc tiến thương mại - đầu tư, kết nối doanh nghiệp giữa hai nước, thưa ông?

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thương vụ là hỗ trợ các cơ quan, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai các xúc tiến thương mại - đầu tư, giúp kết nối các doanh nghiệp ta với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Đại sứ quán ta tại LB Nga, Thương vụ đã chủ động xây dựng các mối quan hệ công tác chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp của Việt Nam và LB Nga để chủ động trong nắm bắt tình hình, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại đầu tư giữa hai nước; đồng thời hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thị trường, xúc tiến thương mại của doanh nghiệp.

Nhiều hội nghị, hội thảo về hợp tác kinh tế - thương mại được Đại sứ quán và Thương vụ tổ chức, đặc biệt là trong giai đoạn 2022-2024 với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai nước, đã góp phần đưa ra các kiến nghị, đề xuất phù hợp để tháo gỡ khó khăn, ổn định và thúc đẩy hợp tác.

Thương vụ thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ quan, các địa phương của Việt Nam và LB Nga tham gia các hội chợ, triển lãm được tổ chức tại hai nước để giới thiệu hàng hóa; triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch.

Sau nhiều năm gián đoạn, năm 2023 Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại LB Nga cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga đã phối hợp tổ chức thành công Triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao tại Trung tâm Đa chức năng Hà Nội – Moscow, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-LB Nga góp phần giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga…

Thương vụ cũng đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của Nga như Moscow, Saint Peterburg, Primorie… góp phần hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại.

Chúng tôi cũng trực tiếp tư vấn cho các doanh nghiệp về tình hình thị trường, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước có nhu cầu hợp tác hợp tác với nhau; giúp giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực hiện hợp đồng...

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm LB Nga cũng như của Việt Nam sang Nga được Thương vụ chủ động phối hợp hỗ trợ hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.

Thông tin về thị trường, các chính sách thương mại, các hội chợ, triển lãm, hội thảo chuyên ngành thường xuyên được Thương vụ cập nhật và đăng tải trên nhiều trang thông tin điện tử, hội nhóm doanh nghiệp cung cấp, phổ biến tới các doanh nghiệp quan tâm.

Kết nối, tạo đột phá cho thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Đại sứ Đặng Minh Khôi và Phu nhân (giữa), Tham tán Thương vụ Dương Hoàng Minh (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu doanh nhân Nga dự kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-LB Nga, tháng 3/2025.

Trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tốt đẹp hiện nay giữa hai nước, ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và LB Nga trong thời gian tới?

Việt Nam và LB Nga có rất nhiều thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại trong các năm tới.

Trước hết, Việt Nam và LB Nga là hai nước có cơ cấu kinh tế và hàng hóa xuất nhập khẩu không cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau: Nga có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng nông sản, thủy sản nhiệt đới, hàng dệt may, thiết bị máy móc… còn Việt Nam nhập từ Nga chủ yếu là các mặt hàng phục vụ sản xuất như than đá, phân bón, hóa chất, lúa mỳ, thịt, thiết bị máy móc…

Mặc dù có tăng trưởng khá cao trong năm 2024 nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa tới 1%, trong tổng kim ngạch thương mại quốc tế của cả hai nước.

Thứ hai, các khó khăn gây trở ngại lớn cho thương mại song phương trong các năm gần đây như thanh toán, vận tải, việc đi lại của thương nhân phần lớn đã được tháo gỡ. Hiện nay hàng hóa xuất khẩu giữa hai nước có thể sử dụng tuyến vận tải biển trực tiếp Vladivostok - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh với thời gian vận chuyển nhanh khoảng 8-11 ngày; hoặc tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua Trung Quốc, Kazkhstan với thời gian khoảng 35-40 ngày.

Về thanh toán, các doanh nghiệp hai nước có thể sử dụng đồng tiền quốc gia (Ruble và VND) để thanh toán trong thương mại song phương khá thuận lợi. Bên cạnh đó, việc LB Nga cấp visa điện tử với thời hạn lưu trú tại Nga 15 ngày cho công dân Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho việc đi lại của các thương nhân… Các tuyến đường bay trực tiếp giữa hai nước được nối lại và mở rộng cũng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Thứ ba, bên cạnh đó, sau gần 10 năm triển khai VN-EAEU FTA, hiện nay phần lớn các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp. Đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư.

Chúng tôi tin rằng, với các điều kiện thuận lợi như trên, việc triển khai thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua và đặc biệt là sự năng động của các doanh nghiệp sẽ đưa hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước lên một vị thế mới, tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Kết nối, tạo đột phá cho thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Ông Dương Hoàng Minh (thứ hai bên phải) cùng đoàn Doanh nghiệp Saint Petersburg thăm, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và dự EXPO VIETNAM, tháng 12/2023.

Ông có khuyến nghị nào dành cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hợp tác với thị trường Nga?

LB Nga là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực Á-Âu, với dân số gần 150 triệu người, là một thị trường rộng lớn, nhiều cơ hội nhưng cũng không kém phần cạnh tranh.

Để có thể xuất khẩu hàng hóa một cách ổn định và mở rộng thị phần tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược bài bản và có kế hoạch triển khai cụ thể. Ngoài việc tham gia các hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam nên mạnh dạn mở văn phòng đại diện hoặc thành lập công ty tại Nga. Việc cử cán bộ sang Nga làm việc trực tiếp sẽ giúp các công ty Việt Nam cập nhật tình hình thị trường và hiểu rõ hơn về thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp ta cần chú ý là thị trường Nga, mặc dù không quá khó tính, nhưng có yêu cầu cao về chất lượng. Do đó, khi xuất khẩu sang LB Nga, doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, đảm bảo hàng hóa luôn luôn đáp ứng các quy định của LB Nga.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như cà phê, trái cây, chè, hạt tiêu, và các sản phẩm nông sản khác cần tận dụng các ưu đãi của FTA và các chính sách về đầu tư của LB Nga để tiến hành đầu tư sản xuất tại thị trường này, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.

Trân trọng cảm ơn ông!

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })