![]() |
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã đề xuất 3 giải pháp nhằm đối phó với mức thuế nhập khẩu 32% do Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm của nước này. (Nguồn: Tân Hoa Xã) |
Ông Noudhy nhấn mạnh, các giải pháp trên của Tổng thống Prabowo đã được thực hiện từ trước và chứng minh rằng, Indonesia có thể tiếp tục tăng trưởng ngay cả trong bối cảnh tình hình toàn cầu đầy bất ổn. Ba chính sách này, kết hợp với chiến lược địa chính trị, có thể duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị gián đoạn và bất ổn.
Nhìn lại tuần đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Prabowo đã đề xuất Indonesia gia nhập BRICS - nhóm kinh tế chiếm 40% thương mại toàn cầu. Động thái này càng củng cố vị thế của Indonesia trong thương mại quốc tế. Ông Noudhy tin tưởng, tư cách thành viên BRICS sẽ giúp Jakarta củng cố nhiều hiệp định thương mại đa phương mà nước này ký kết, bao gồm Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 10 nước ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã đẩy nhanh quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên. Quốc gia Đông Nam Á sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào song phần lớn đang được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Để nâng cao giá trị gia tăng, Tổng thống Prabowo đã ưu tiên các chính sách phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn.
Tin liên quan |
![]() |
Theo ông Noudhy, một trong những chiến lược quan trọng của nước này là thành lập Cơ quan quản lý đầu tư Daya Anagata Nusantara (BPI Danantara), nhằm hỗ trợ và quản lý các dự án hạ nguồn trong các lĩnh vực khoáng sản, than, dầu, khí đốt tự nhiên, đồn điền, hàng hải, thủy sản và lâm nghiệp.
Với bước đi này, Indonesia sẽ không chỉ tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu mà còn giảm sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, tạo ra việc làm mới và khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, Tổng thống Prabowo tiến hành tăng cường sức mua trong nước thông qua các chương trình ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của người dân. Trong đó, một trong những chương trình chủ chốt là chương trình bữa ăn dinh dưỡng miễn phí, hướng đến 82 triệu người thụ hưởng vào cuối năm 2025.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng có kế hoạch thành lập 80.000 hợp tác xã làng nhằm củng cố nền kinh tế địa phương, tạo ra hàng triệu việc làm mới và khuyến khích lưu thông tiền tệ trong khu vực.
Nỗ lực này không chỉ làm tăng tiêu dùng trong nước mà còn giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu và củng cố nền kinh tế trong nước. Bằng cách thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, chiếm 54% GDP của Indonesia, chương trình này sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của Indonesia.
Trong khi đó, ông Said Abdullah, Trưởng Ủy ban ngân sách Hạ viện (DPR), ngày 4/4 đã kêu gọi chính phủ Indonesia sớm thực hiện các biện pháp ứng phó với mức thuế nhập khẩu 32% do Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm của nước này, bao gồm cả việc thúc đẩy Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đưa ra những chính sách tạo một môi trường thương mại toàn cầu lành mạnh và công bằng hơn, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Vị chuyên gia nhận định, WTO được thành lập nhằm thúc đẩy thương mại không phân biệt đối xử, xây dựng năng lực thương mại quốc tế, ủng hộ thương mại tự do và cung cấp diễn đàn để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.
Vì vậy, các chính sách kinh tế cần hướng vào việc hỗ trợ các lợi ích kinh tế chung thay vì trở thành công cụ để các siêu cường giành được lợi thế đơn phương - một hành vi mà ông tin rằng có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.