xuân

Hưởng lợi lớn từ ưu đãi thuế quan của FTA, hàng Việt 'bay' tới nhiều nước

"Bản đồ" FTA phong phú không chỉ tạo nên khu vực thị trường xuất khẩu rộng lớn, được tạo thuận lợi về thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam còn thu được lợi ích từ ưu đãi thuế quan.

Hàng Việt 'bay' tới nhiều nước xuất khẩu lớn nhờ
Doanh nghiệp Việt đang được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan của FTA. (Nguồn: Vietnamnet)

Hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, gần 80 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu tới các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được hưởng ưu đãi thuế quan trong năm 2022, con số này cao hơn 13% so với mức thực hiện của năm trước đó.

Hơn 60 thị trường đã ký FTA với Việt Nam và đây là "địa chỉ" xuất khẩu lớn, chiếm gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu trên 371,5 tỷ USD hàng hóa, trong đó, riêng xuất khẩu sang các thị trường ký FTA đạt 233 tỷ USD.

Không chỉ tạo nên một khu vực thị trường xuất khẩu rộng lớn, được tạo thuận lợi về thương mại, ý nghĩa lớn của việc tham gia FTA là các ngành hàng của Việt Nam còn thu được lợi ích vì được ưu đãi thuế quan.

Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA đạt 78,3 tỷ USD, chiếm 33,61% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 233 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA.

Việt Nam đang thực thi 15 FTA, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan.

Trong số này, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN liên tục là những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA.

C/O ưu đãi cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu, với trị giá hơn 17 tỷ USD. Tiếp đó là 13,34 tỷ USD C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Đứng thứ 3 và thứ 4 lần lượt là Hàn Quốc với 12,4 tỷ USD và Liên minh châu Âu (EU) với 12,1 tỷ USD.

Nhóm hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng ưu đãi FTA tốt nhất là thủy sản (93,99%), nông sản (rau quả, cà phê và hạt tiêu) đều có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi rất cao, lần lượt đạt 92,26%, 97,98% và gần 100%; gỗ và sản phẩm gỗ (76,15%); giày dép (100%); dệt may (97,99%)

Doanh nghiệp vẫn còn lực cản

Tại Hội thảo "Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các FTA" diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng nhập khẩu thấp hơn hẳn hàng xuất khẩu, đây là điều khá đáng tiếc.

Tin liên quan
Vị thế đang lên của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu Vị thế đang lên của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Từ góc độ thực tiễn, năm 2022, Trung tâm WTO và Hội nhập đã tiến hành khảo sát việc tận dụng các ưu đãi của FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Bà Trang chia sẻ: "Khi được hỏi lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp nhận được sau 2 năm thực thi EVFTA, các doanh nghiệp cho biết, ưu đãi thuế quan là lợi ích lớn nhất, trong đó, doanh nghiệp hưởng lợi từ ưu đãi xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá, các FTA sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giảm khó khăn và tạo lợi thế cho Việt Nam khi đàm phán".

Với một số doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, một số doanh nghiệp không biết đến các ưu đãi thuế quan được quy định tại EVFTA.

Cũng theo bà Trang, việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong các FTA có nhiều lực cản như: yếu tố biến động của thị trường, môi trường kinh doanh không thuận lợi; khó đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng lợi; thiếu thông tin cụ thể về các cam kết; một số cam kết FTA gây bất lợi cho doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh: “Với yếu tố lực cản từ nội tại thì doanh nghiệp phải tự thay đổi, còn những lực cản đến từ quá trình triển khai, thực thi cam kết thì doanh nghiệp cần lên tiếng để các cơ quan thực thi có sự điều chỉnh”.

Thời gian tới, để có thể tận dụng được các cam kết ưu đãi thuế quan của các FTA, bà Trang cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các cam kết của các FTA. Khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường nào thì phải tìm hiểu các hiệp định mà Việt Nam đã ký với thị trường đó để tìm hiểu các cam kết ưu đãi thuế quan của các hiệp định này.

Đơn cử như với thị trường Nhật Bản, hiện Việt Nam có 4 FTA với nước này, vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu 4 biểu thuế khác nhau cũng như biểu thuế chung (MFN) để xem biểu thuế nào ưu đãi hơn.

Song song với đó, mỗi ưu đãi của các hiệp định đều gắn với quy tắc xuất xứ, do đó doanh nghiệp cần xem xét có thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định nào để tận dụng ưu đãi của hiệp định đó thông qua việc đáp ứng quy tắc xuất xứ. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để tuân thủ các điều kiện khác để được hưởng ưu đãi khác theo quy định của các FTA.

Còn theo bà Nguyễn Phương Linh, Trưởng phòng Hội nhập tài chính đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết, tác động của chúng và có sự chuẩn bị hành động thích hợp trong bối cảnh các nghị định biểu thuế được ban hành theo lộ trình khá dài.

Ngoài ra, cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng để doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội hội nhập FTA, đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})