xuân

Hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á

Ngày 2/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á với chủ đề xuyên suốt: "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững", với sự tham dự của đại diện các Sở, ngành, địa phương cùng hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế.

Hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á
Toàn cảnh Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á khai mạc sáng 2/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải; lãnh đạo các bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ.

Tạo lập môi trường hợp tác đa cấp độ, kết nối toàn cầu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam-châu Á 2024 không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Với chủ đề xuyên suốt "Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững", Hội nghị lần này không chỉ gắn với 3 mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu" trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.

Hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á
Ông Hà Minh Hải, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: VINASA)

"Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững…

Tin liên quan
Sớm hiện thực hóa dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội

Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại Hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững”, ông Hải cho hay.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng nhấn mạnh Hội nghị này cũng là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết mạnh mẽ của Hà Nội trong việc tạo lập một môi trường hợp tác đa cấp độ, kết nối toàn cầu, kết nối chặt chẽ doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu, các chuyên gia nhà khoa học, với chính quyền và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, thông minh, bền vững.

Nói về quá trình xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA khẳng định, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đã chọn được cách tiếp cận khác hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân.

Điều này có thể thấy qua những thành tự lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS, và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản; 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai …

Cùng với Hà Nội, các địa phương khác cũng đã ghi nhận được nhiều bước tiến lớn trong việc xây dựng thành phố thông minh. Có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 50 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện.

Không chỉ vậy các đô thị đều đã hoàn thiện các hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn và giải pháp. Hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á.

"Tuy nhiên bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong biến động không ngừng của chính trị, kinh tế, công nghệ. Và chỉ có kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời. Chúng ta cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống, tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Ngoài ra là tập trung vào những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, AI, automotive...", ông Khoa khẳng định.

Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại”

Chia sẻ về quá trình triển khai thành phố thông minh của Thủ đô, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội cho biết thành phố đang trong quá trình xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cụ thể phải triển khai thông qua Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030."

Theo đó quan điểm của Đề án bao gồm: Kết hợp tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương, hành động Hà Nội; Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động; Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển thành phố thông minh; Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị thông minh; Ưu tiên hạ tầng thông tin thông minh; Xây dựng hạ tầng dữ liệu tích hợp, chia sẻ, dùng chung, hạ tầng kết nối đồng bộ; Hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh.

Hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ về quá trình triển khai thành phố thông minh của Thủ đô. (Nguồn: VINASA)

Hà Nội sẽ có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng về việc phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại” vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mau chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững. Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả và nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Đi cùng với đó là tăng cường đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Tin liên quan
Các thủ đô trong ASEAN hợp tác phát triển thành phố thông minh Các thủ đô trong ASEAN hợp tác phát triển thành phố thông minh

Trong khuôn khổ khai mạc Hội nghị, đã có nhiều chia sẻ từ các chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển thành phố thông minh như: thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và tiêu chí đánh giá đô thị thông minh bền vững; ứng dụng AI và khai phá dữ liệu lớn phục vụ phát triển thành phố thông minh; AI và dữ liệu lớn: nền tảng chiến lược cho đô thị thông minh, kinh tế số và phát triển bền vững... Bên cạnh đó là kinh nghiệm đến từ TP. Hồ Chí Minh hay Malaysia trong việc xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy nền kinh tế số, phát triển bền vững.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT, trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phố thông minh và bền vững (SSC) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, PGS. Nguyễn Quang Trung cho biết, nghiên cứu chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển đô thị thông minh và bền vững tại APAC. Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân.

Trong khi đó, các thành phố như Jakarta, Manila và TP. Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực, điều này đòi hỏi ưu tiên phát triển SSC và triển khai các hệ thống quản trị thông minh.

Hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế dự Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày giới thiệu các giải pháp, nền tảng, dịch vụ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc xây dựng thành phố thông minh, quản lý năng lượng...(Ảnh: Vân Chi)

Theo nghiên cứu, khu vực APAC thiếu khoảng 500 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và tích hợp công nghệ số vào giao thông, năng lượng và dịch vụ công. Thiếu hụt này khiến hợp tác công-tư (PPP) trở thành giải pháp cấp thiết, khi chỉ 16% thành phố toàn cầu đủ khả năng tự tài trợ cho các dự án SSC. Các SSC đang chuyển sang giai đoạn phát triển thứ 3, tập trung vào sự tham gia tích cực của xã hội thay vì chỉ dựa vào chính phủ hay đơn thuần dựa vào các giải pháp công nghệ.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu kêu gọi xây dựng khung chính sách linh hoạt để tích hợp công nghệ mới, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và phát triển nền quản trị thông minh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, hơn 80 diễn giả, chuyên gia sẽ tham gia đóng góp ý kiến trong 7 phiên chuyên đề diễn ra trong 2 ngày (ngày 2 và 3/12) về chính sách, phương thức, công nghệ để các thành phố của Việt Nam nhanh chóng trở lên thông minh hơn, bền vững hơn, đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân.

Bên lề các Hội thảo có khu Triển lãm giới thiệu các giải pháp, nền tảng, dịch vụ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc xây dựng thành phố thông minh, quản lý năng lượng, quản lý môi trường thông minh, các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })