xuân

Hơn 6.000 người được hỗ trợ sinh kế để khắc phục hậu quả bom mìn

(Chinhphu.vn) - Hôm nay (7/11), Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (11/11/2014-11/11/2024). 10 năm qua, hơn 6.000 người đã được hỗ trợ sinh kế để khắc phục hậu quả bom mìn.

Hơn 6.000 người được hỗ trợ sinh kế để khắc phục hậu quả bom mìn- Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA) ngày 7/11/2024.

Dự Lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và Quốc tế như ODC, UNDP, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ… và đại diện của 1.500 hội viên Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. 

Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, nhưng công việc giải quyết hậu quả chiến tranh còn lâu dài và vô cùng phức tạp. Trong đó, giải quyết vấn đề bom mìn, vật nổ còn sót lại với hàng triệu héc ta đất còn bị ô nhiễm và hàng vạn nạn nhân bị tai nạn chết, thương tích, tàn phế do bom mìn, vật nổ gây ra, đã để lại những hậu quả rất nặng nề cho người dân và cho đất nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, song hậu quả của nó để lại còn hết sức nặng nề. Một trong những hậu quả ấy là sự tồn sót lại bom mìn, vật liệu nổ và những tai nạn do bom mìn gây ra. Nhằm góp phần thực hiện “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025” và thực hiện quyết định số 949/QĐ-BNV, ngày 11/11/2014, Bộ Nội vụ thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam”.

Trong 10 năm qua, với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bằng nỗ lực và quyết tâm của mình, Hội đã tổ chức 35 đợt hoạt động tập trung lớn để tuyên truyền và hỗ trợ sinh kế trên địa bàn 28 lượt/tỉnh, thành phố trọng điểm, với tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế của Hội là 6.000 người. Hàng triệu lượt người được Hội tuyên truyền trực tiếp và nhận được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ.

Với số tiền nhiều tỷ đồng cho hoạt động trong những năm qua, trong đó có hàng trăm gia đình nạn nhân bom mìn các tỉnh, thành phố được hỗ trợ bò giống sinh sản, đến nay đàn bò tại các tỉnh, thành đã phát triển thêm hàng ngàn bò con. Hơn 5.000 người được thụ hưởng hỗ trợ sinh kế và hỗ trợ quà với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: Tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, chăn nuôi, sửa chữa nhà ở, tặng phương tiện nghe nhìn, chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho nạn nhân, tặng tiền và quà nhân các dịp lễ, tết, tặng hàng ngàn áo ấm, chăn ấm, mũ len, tất, giày dép và gần 1.500 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó trên các địa bàn.

Bên cạnh đó, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và hỗ trợ tiền thuốc cho gần 3.000 người là nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam/điôxin và người nghèo. Hỗ trợ Quỹ "Nâng bước em đến trường" cho học sinh tại các đồn biên phòng tuyến biên giới, tặng máy tính, sách vở, đồ dùng học tập, truyện tranh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh các nhà trường phổ thông và trường dân tộc nội trú.

Phối hợp cùng các hoạt động của Trung ương Hội, hằng năm các cấp Hội và Chi hội tại các địa phương đã thường xuyên tổ chức hàng trăm lượt/đợt hoạt động vận động, tuyên truyền cho nhân dân và học sinh trên các địa bàn, kết hợp hỗ trợ nạn nhân, tặng quà cho các đối tượng chính sách tại địa phương bằng nguồn kinh phí do Hội và các Chi hội tự vận động được từ các nhà tài trợ, hảo tâm.

Đến nay, phần lớn các hộ gia đình nạn nhân diện nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế của Hội đều đã thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Hội đã kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ tới các gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn xảy ra đột xuất, bị chết, bị thương tích nặng tại các tỉnh, thành phố trong những năm qua nhằm giúp đỡ các nạn nhân cùng gia đình họ vượt qua khó khăn.

Hơn 6.000 người được hỗ trợ sinh kế để khắc phục hậu quả bom mìn- Ảnh 2.

Lãnh đạo Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao bằng khen cho tập thể tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong 10 năm qua (2014-2024) của Hội.

Cùng với hoạt động tuyên truyền trong nhân dân và hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân, Hội thường xuyên tham gia và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, đề xuất với trên về chủ trương, chính sách, pháp luật, tham gia công tác điều tra khảo sát, tổng hợp đánh giá số liệu về nạn nhân bom mìn trên cả nước, kiến nghị và đề xuất với trên về giải pháp thực hiện chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Đánh giá về quá trình 10 năm hình thành và phát triển của Hội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Trải qua quá trình 10 năm xây dựng, phát triển và hoạt động tích cực, hiệu quả, Hội đã đạt được những thành tựu to lớn, khẳng định uy tín, niềm tin đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trên cả nước, trở thành một địa chỉ tin cậy, là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của cộng đồng trong nước và quốc tế với những nạn nhân bị tai nạn bom mìn sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Tôi mong rằng Chính phủ, các bộ ngành trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực ủng hộ, cùng chung tay, góp sức hỗ trợ cho hoạt động của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, góp phần từng bước khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, đem lại sự bình yên cho mỗi gia đình và tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển - kinh tế của đất nước".

Với những thành tích đã đạt được, Hội đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Bằng khen về thành tích hoạt động giai đoạn 2014 - 2022 và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích hoạt động 10 năm của Hội.

Trải qua 10 năm xây dựng và hoạt động, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã kiện toàn, phát triển mạnh về tổ chức. Từ ban đầu chỉ có 5 Chi hội tại TP. Hà Nội, đến nay đã phát triển có 3 Hội cấp tỉnh, thành phố là: TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hải Phòng (với gần 20 Chi hội trực thuộc các Hội địa phương) và 17 Chi hội cơ sở trực thuộc Trung ương Hội tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và 5 Chi hội tại khu vực TP. Hà Nội.

Hơn 1.500 hội viên đang tham gia hoạt động tại các tỉnh, thành phố là những người tự nguyện, có nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái, có uy tín và trình độ chuyên môn trên từng lĩnh vực cụ thể, đóng góp công sức và trí tuệ vào công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam.

Diệp Anh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ra mắt Thư viện điện tử Quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìnRa mắt Thư viện điện tử Quốc gia về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Quảng Trị hướng tới mục tiêu 'tỉnh an toàn' trong khắc phục hậu quả bom mìnQuảng Trị  hướng tới mục tiêu 'tỉnh an toàn' trong khắc phục hậu quả bom mìn