Quang cảnh Lễ khai mạc “Cao nguyên gọi gió và lửa” tại Đường Sách TP.HCM
Chương trình là hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10.3.1975 - 10.3.2025) và hướng đến Kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Sự kiện cũng nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.
Các văn nghệ sĩ trình diễn âm nhạc dân tộc Tây Nguyên
Thông qua chương trình, Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk giới thiệu đến công chúng những tác phẩm đặc sắc trong các lĩnh vực âm nhạc, nhạc cụ, diễn tấu, văn học, nhiếp ảnh, hội họa, sân khấu và điện ảnh của văn nghệ sĩ Đắk Lắk.
Đây là cơ hội để công chúng hiểu hơn về tình yêu và sự gắn bó của các nghệ sĩ Đắk Lắk với văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, cùng những câu chuyện sáng tác, nghiên cứu và quảng bá các tác phẩm VHNT luôn gắn liền với mảnh đất, con người và truyền thống của vùng đất này.
Chương trình cũng là lời mời của văn nghệ sĩ và người dân Đắk Lắk đến với tỉnh nhà để tham gia và hòa mình vào không khí sôi động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, diễn ra từ 10-13.3.2025.
Tại chương trình, các văn nghệ sĩ đã diễn tấu trống H Gor và ky Păh (Tù và); biểu diễn Đing Ktut, múa mời rượu; trình diễn nhạc cụ dân gian Tây Nguyên;…
Du khách bày tỏ thích thú khi thưởng thức cà phê Buôn Ma Thuột
Tối cùng ngày, tại sân khấu Đường Sách TP.HCM là buổi giao lưu thơ và các ca khúc về Tây Nguyên, giữa các văn nghệ sĩ.
Ngoài các hoạt động nghệ thuật, chương trình còn triển lãm và trưng bày 50 tác phẩm ảnh nghệ thuật về cà phê, văn hóa thưởng thức cà phê, các vật dụng rang xay cà phê truyền thống.
Trưng bày ký họa về phong cảnh thiên nhiên và các địa danh lịch sử của Đắk Lắk; trưng bày nhạc cụ dân gian Tây Nguyên, thổ cẩm của một số dân tộc, các sản phẩm tò he, đan móc và thư pháp; giới thiệu về gốm truyền thống dân tộc M’Nông Rlăm và du lịch văn hóa cộng đồng huyện Lắk…
Tỉnh Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, là nơi hội tụ của 49/54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của các dân tộc trên vùng đất này đa dạng, nhiều sắc màu.
Không gian triển lãm hình ảnh về Đắk Lắk tại Đường Sách TP.HCM
Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa như Ê-đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, còn có sự hiện diện văn hóa của các dân tộc từ các tỉnh vùng Tây Bắc như Tày, Thái, Nùng, Mông, Dao, …
Đắk Lắk với đặc thù đồi núi trùng điệp và không gian văn hóa phong phú, là nơi lưu giữ âm nhạc đa dạng, nhạc cụ truyền thống như đàn đá, cồng chiêng, và kho tàng văn học dân gian của 49 dân tộc. Đặc biệt, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ẩm thực Đắk Lắk hấp dẫn du khách với các món truyền thống của các dân tộc, như cà đắng cá khô, rau rừng, canh bột lá jao, cá suối nướng của Ê đê, M’Nông; hay xôi nếp cẩm, thịt trâu gác bếp của dân tộc Thái.
Đắk Lắk hiện có 41 di tích lịch sử, nổi bật với các thắng cảnh hùng vĩ và di tích tái hiện lịch sử bi tráng, như Bảo tàng Đắk Lắk, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Khu căn cứ cách mạng H9...
Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng tư nhân như Bảo tàng thế giới cà phê và Bảo tàng Ama H’Mai cũng thu hút du khách, tạo tiềm năng lớn cho du lịch văn hóa.
Nơi đây còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là Lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm một lần.
Qua các hoạt động nghệ thuật, triển lãm và giao lưu văn hóa, chương trình giới thiệu văn hóa độc đáo của Đắk Lắk, từ âm nhạc, ẩm thực đến di tích lịch sử. Đây cũng là cơ hội quảng bá Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và mời gọi du khách khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên.
N.ANH