Kinh doanh trực tuyến là xu hướng tương lai sau dịch
Hội thảo "Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch COVID-19", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức đã diễn ra ngày 18/6 tại TP HCM.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho rằng, bên cạnh những cơ hội, các FTA cũng đi kèm với một loạt thách thức trong cạnh tranh về thị trường cả ở trong và ngoài nước, cạnh tranh trong thu hút FDI. Cùng với đó là các thách thức chung về môi trường, thể chế, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, thách thức mà tất cả các doanh nghiệp phải vượt qua hiện nay là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
"Việt Nam có lợi thế khống chế hiệu quả dịch COVID -19, nhờ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại được tổ chức sớm.
Chính vì vậy, bên cạnh việc chuyển đổi phương thức thương mại mới, doanh nghiệp cũng cần tập trung thu thập thông tin, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có sản phẩm phù hợp, tận dụng được các thị trường ngách, thị trường ngắn hạn trong mùa dịch để bù đắp phần thiếu hụt doanh thu trong thời gian khó khăn", bà Cao Thị Phi Vân, chia sẻ.
Hội thảo "Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch COVID-19" diễn ra ngày 18/6. Ảnh: Như Huỳnh.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thành Kính, Trọng tài viên VIAC cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới như hiện nay, việc thay đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến là một hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, ông Kính phân tích, nền kinh tế thế giới đang chuyển mình hướng đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán mobile ngày càng phổ biến. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, Youtube… thì kinh doanh trực tuyến đang ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp.
“Kinh doanh trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà đây còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet nhiều hơn, tìm kiếm sản phẩm và mua sắm trực tuyến nhiều hơn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu" Luật sư Lê Thành Kính chia sẻ.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư kí VIAC chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh.
Tuy nhiên, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư kí VIAC cho rằng, bên cạnh cơ hội thì thương mại điện tử, mua bán qua hình thức online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do người bán và người mua không trực tiếp gặp mặt, kiểm tra sản phẩm, giao kết hợp đồng gián tiếp, thiếu “giấy trắng mực đen” nên khi xảy ra tranh chấp thường có ít chứng cứ xác thực để giải quyết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì vấn đề tìm hiểu, thẩm định thông tin về đối tác, thị trường trở nên khó khăn hơn.
“Từ khi xảy ra dịch COVID-19, số vụ tranh chấp thương mại có xu hướng tăng so với mật độ giao dịch thương mại thông thường. Tuy nhiên, hầu hết không phải lỗi cố ý mà do ảnh hưởng của dịch bệnh hoặc một trong hai bên không hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng, khi thực hiện mới nhận ra bất lợi cho mình”, ông Châu Việt Bắc nêu thực tế.
Nhiều loại tranh chấp thương mại dễ xảy ra
Ông Lương Văn Lý, Cố vấn cao cấp Global Lawyers thông tin, các loại tranh chấp phổ biến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gây ra, bao gồm: tranh chấp về hợp đồng thuê mặt bằng, hợp đồng mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, phổ biến nhất là đặt phòng khách sạn, tổ chức tour du lịch, hợp đồng lao động; tranh chấp do các bên gặp khó khăn hiện tại hoặc dự kiến về lưu chuyển tiền tệ, suy giảm đáng kể hoặc mất khả năng chi trả do cách ly, giãn cách xã hội; trường hợp xảy ra do sự cố đột xuất, không lường trước, hậu quả nghiêm trọng, không xác định được thời gian phục hồi…
Theo ông Lý với các loại tranh chấp nêu trên, sẽ gặp một số vướng mắc trong giải quyết đối với doanh nghiệp như là hoãn thực hiện, điều chỉnh hay hủy hợp đồng; nếu giải quyết thì sẽ căn cứ trên cơ sở qui định nào của pháp luật cho phù hợp; tranh chấp đó có được áp dụng điều khoản “bất khả kháng” hay chỉ là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.
Do đó các doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ xem nội dung về điều kiện “bất khả kháng” trong hợp đồng có qui định trường hợp dịch bệnh cụ thể hay không. Nếu là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, doanh nghiệp cần cân nhắc đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết vì chỉ có tòa án mới có thẩm quyền quyết định biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, ông Lý cũng lưu ý các doanh nghiệp xem xét về thời điểm khởi kiện và nơi tiến hành khởi kiện (tòa án hay trọng tài), phương thức hòa giải cũng nên được quan tâm xem xét thấu đáo, đảm bảo lợi ích các bên và tránh mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Song song đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm thêm nhiều đối tác, khách hàng mới, cẩn trọng trong từng điều khoản, chi tiết của hợp đồng để giảm thiểu các rủi ro không đáng có khi đẩy mạnh thương mại điện tử.
Ngoài ra Luật sư Lê Thành Kính cũng đưa ra một số điểm cần lưu ý cho doanh nghiệp khi tiếp tục hợp đồng với đối tác cũ và thiết lập hợp đồng với đối tác mới.
Cụ thể theo ông Kính, doanh nghiệp nên tìm kiếm các đối tác mới trong tương lai thay vì phụ thuộc vào một vài khách hàng nước ngoài lớn, đồng thời tiến hành rà soát tình trạng pháp lí hiện tại của doanh nghiệp đối tác.
"Trong trường hợp các đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài, thì việc đưa vụ việc thành một tranh chấp pháp lí hay hủy hợp đồng ở giai đoạn này có lẽ là quá sớm, ngoại trừ những vụ việc mà doanh nghiệp nước ngoài là bên mua và đã xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Trong trường hợp bắt buộc phải hủy hợp đồng thì cần thiết phải vận dụng và viện dẫn các điều khoản bất khả kháng trong thương mại quốc tế một cách chuẩn xác để tránh rủi ro không đáng có", ông Kinh lưu ý doanh nghiệp.
Ngọc Anh