Đó là nhận định của chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Lucio Blanco Pitlo III. |
Trước đó, việc Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngang ngược công bố cái gọi là“ khu Tây Sa” và “khu Nam Sa”, thuộc “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đã bị dư luận cực lực phản đối.
PV: Trước tiên ông bình luận như thế nào về quyết định của Trung Quốc thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông?
Chuyên gia Lucio Pitlo: Động thái này có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục chú ý tới các vấn đề về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Điều này cũng có thể nhằm đánh lạc hướng dư luận về việc nước này xử lý khủng hoảng y tế từ ban đầu khi dịch bệnh khởi phát ở Vũ Hán cuối năm ngoái. Các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền và cộng đồng quốc tế sẽ coi đây là cách Bắc Kinh tận dụng cơ hội đại dịch để củng cố kiểm soát các thực thể và những vùng biển đang tranh chấp ở khu vực Biển Đông.
Quyết định này của Trung Quốc cũng như các hành động ở cấp độ nhà nước tiếp theo mà Trung Quốc có thể thực hiện sẽ nhằm củng cố việc chiếm đóng hiệu quả các thực thể địa chất và vùng biển ở khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, hành động này sẽ gây tranh cãi giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Trong bối cảnh các nỗ lực tăng cường hợp tác chống đại dịch Covid-19 đang được thực hiện, hành động của Trung Quốc không được hoan nghênh và phản tác dụng.
Các công trình phi pháp do Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS. |
PV: Với việc thành lập cái gọi là 2 khu mới Tây Sa và Nam Sa, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa mà họ công bố năm 2017. Thực chất, việc đưa ra chiến lược Tứ Sa chính là một hình thức mới thay thế cho chiến lược Bản đồ đường 9 đoạn đã bị Toà Trọng tài bác bỏ hồi năm 2016.
Các quốc gia đều hiểu rõ kế hoạch này của Trung Quốc, nhưng việc thành lập 2 khu mới trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cho thấy Trung Quốc có những tính toán rất sâu xa. Ông bình luận như thế nào về tính toán này?
Chuyên gia Lucio Pitlo: Quyết định của Trung Quốc có thể là một mưu đồ nhằm củng cố tuyên bố Tứ Sa của mình mặc dù điều này là không thể biện hộ. Không có thực thể nào tại cái gọi là Tam Sa được coi là đảo dựa trên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cùng năm.
Tương tự, các thực thể khác tại "Trung Sa", "Đông Sa" cũng không thể được coi là đảo. Bản thân "Trung Sa" (Macclesfield Bank) hoàn toàn là một bãi ngầm. Đối với Trung Quốc, một quốc gia có thềm lục địa, việc tuyên bố chủ quyền đối với những quyền được có trên biển bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và vẽ đường cơ sở xung quanh các thực thể ở Tứ Sa sẽ khó mang tính thuyết phục.
Trong khi một số thực thể có thể được coi là đá hoặc các cấu trúc khi thuỷ triều dâng cao có thể đã bị chiếm hữu, các thực thể này có thể lọt giữa vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển láng giềng.
Mặt khác, những bãi đá ngầm – chìm dưới mặt nước ngay cả khi thủy triều thấp, bao gồm một số thực thể Trung Quốc từng thay đổi hiện trạng trong những năm 2013 và 2014, cần được trả lại cho các quốc gia ven biển có thềm lục địa bao trùm các thực thể này.
Chính vì vậy, quyết định mới đây của Trung Quốc sẽ vẫn không thể củng cố những cơ sở hời hợt về những tuyên bố chủ quyền mong manh của họ ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đã xây nhiều hạ tầng quân sự phi pháp trên bãi đá Chữ Thập. Ảnh: Reuters |
PV: Ông nghĩ thế nào về cơ sở luật pháp của “Tứ Sa”?
Chuyên gia Lucio Pitlo: Chiến lược Tứ Sa có thể là một bước tiến nhằm làm rõ hơn bản chất của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông hơn là đường chín đoạn dựa trên quyền lịch sử mơ hồ. Tuy nhiên, bản chất của các thực thể này và thực tế Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo vẫn để lại nhiều lỗ hổng lớn trong lý giải của Trung Quốc.
PV: Vậy theo ông, đâu là biện pháp để kiểm chế các tham vọng của Trung Quốc hiện nay?
Chuyên gia Lucio Pitlo: Chúng ta cần cho Trung Quốc thấy rằng mọi nỗ lực áp đặt ý định của mình hay cản trở các hoạt động kinh tế cũa những quốc gia ven biển khác xung quanh Biển Đông sẽ không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Các kênh song phương và khu vực có thể được sử dụng để phản đối hành động mới đây của Trung Quốc. Nếu chúng ta không phản đối thì điều đó có thể được hiểu như ngầm chấp nhận. Trung Quốc có thể sử dụng việc thành lập các khu hành chính mới làm cơ sở để đơn phương thực hiện luật pháp trong nước đối với các không gian tranh chấp.
ASEAN có thể cần yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành động có thể gia tăng căng thẳng, reo rắc nghi kị và làm giảm các tiến triển trước đó trong quản lý tranh chấp và xây dựng lòng tin, ví dụ như đà tích cực của các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Phạm Huân-Hồ Điệp/VOV