xuân

Gợi mở mới về chế độ tiền lương, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức

(Chinhphu.vn) - Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ đưa ra nhiều gợi mở về chế độ tiền lương, tuổi nghỉ hưu như: Cân nhắc bổ sung quy định chế độ làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả làm việc; trả lương theo vị trí việc làm; kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia...

Gợi mở mới về chế độ tiền lương, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức- Ảnh 1.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) - Ảnh: VGP

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), dự kiến được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới đây. Tổng hợp từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ đã đưa ra nhiều gợi mở cho việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức của Việt Nam.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, nhiều quốc gia quan tâm đến quyền nghỉ ngơi của công chức với số ngày nghỉ rất cao. Một số quốc gia quy định nếu công chức không nghỉ hết các ngày nghỉ quy định trong năm sẽ được cộng dồn và được sử dụng trong suốt cuộc đời công chức. Đặc biệt nghỉ thai sản chăm con đến 3 năm hoặc nghỉ nhận con nuôi. 

Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung quy định về các ngày nghỉ như: Nghỉ giải quyết việc riêng (làm thủ tục hành chính nhà đất, giấy phép lái xe, đi khám bệnh…); kéo dài thời gian nghỉ thai sản; nghỉ nhận con nuôi; nghỉ chăm sóc con cái, bố mẹ, anh chị em ruột ốm; nghỉ tham gia các hoạt động xã hội.

Đối với nghĩa vụ công chức, ngoài các nghĩa vụ giống với quy định của Việt Nam, các quốc gia quy định công chức phải có nghĩa vụ thực hiện quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử trong quá trình thực thi công vụ nhằm đảm bảo tính trung thực, liêm chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, Việt Nam cần bổ sung nghĩa vụ công chức trong việc chấp hành quy định về đạo đức và quy tắc ứng xử khi thi hành công vụ.

Đối với chế độ làm việc, trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ số, chính quyền số và công dân số và một số công việc đặc thù không phải tiếp công dân, công chức phải chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già ốm yếu và điều kiện nhà ở khu vực trung tâm đắt đỏ, Việt Nam cân nhắc bổ sung quy định chế độ làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả làm việc.

Chế độ làm việc từ xa giúp cơ quan, đơn vị giảm thiểu chi phí về năng lượng chiếu sáng, điều hòa, máy móc, phòng làm việc,mặt khác công chức cũng có điều kiện chăm sóc gia đình và làm việc linh hoạt.

Về tiền lương, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm: Tiền lương, thưởng, phụ cấp: Đi lại, cư trú, khu vực… không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm. Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân. 

Vì vậy, để bảo đảm đời sống cho công chức, giúp công chức yên tâm công tác, hạn chế việc làm thêm cũng như tiêu cực, Việt Nam cần trả lương theo vị trí việc làm. 

Cơ sở để trả lương cho phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động, có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và “chảy máu chất xám”.

Về độ tuổi nghỉ hưu, Bộ Nội vụ cho biết, các quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 - 65 tuổi, đối với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi.

Ngoài ra, các quốc gia còn quy định chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã bảo đảm số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái…

Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.

Về chế độ khen thưởng, ngoài Trung Quốc, các quốc gia không sử dụng hình thức khen cho tập thể và cá nhân mà thay vào đó là hình thức thưởng: Thưởng bằng tiền (tiền thưởng bằng10-20 % mức lương công chức hiện hưởng) và ngày nghỉ.

Riêng Mỹ áp dụng hình thức vinh danh của Tổng thống, đối với các cơ quan, người đứng đầu trả thưởng bằng tiền mặt để vinh danh công chức có thành tích.

Từ kinh nghiệm quốc tế trên, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam cần cân nhắc nâng cao tính hiệu quả, thực chất của công tác thi đua - khen thưởng. Bên cạnh đó, cần xây dựng và bổ sung các hình thức thưởng theo hiệu suất công việc bằng tiền và ngày nghỉ.

Như vậy, việc thưởng mới đi vào thực chất, gắn với kết quả đánh giá hiệu suất và động lực làm việc cho công chức.

Thu Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Không phân biệt công chức cấp xã với cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm liên thông trong công tác cán bộKhông phân biệt công chức cấp xã với cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm liên thông trong công tác cán bộ