xuân

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế

Nhịp Sống Sài Gòn

Sáng 8/9, tại khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Diễn đàn Du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”, để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết và bàn giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM ITE HCMC 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân TP.HCM tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”.

Đến dự Diễn đàn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia; Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng… cùng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành…

img-8474-1662702968.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới được đưa ra nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.

Phát triển du lịch MICE là hướng đi chủ lực

Phát biểu tại diễn đàn, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, khách quốc tế đến TP.HCM chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm 1/4 doanh thu khách du lịch cả nước. Không chỉ là điểm đến thu hút khách quốc tế, TP.HCM còn là cửa ngõ cho các vùng lân cận. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác nhất là lĩnh vực dịch vụ và chuỗi cung ứng.

"Để chủ động phục hồi và phát triển du lịch, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp, quảng bá, xây dựng và kiến tạo nhiều sản phẩm điểm đến du lịch, liên kết với các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, dịch vụ, bà Thắng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt, đến từ các thị trường chính gồm: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Anh, Đức, Pháp.

Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.

Theo người đứng đầu ngành du lịch, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE-loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.

Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Vì vậy, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững - 1

Diễn đàn cấp cao Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững 

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, được đầu tư xây dựng mạnh mẽ trong những năm gần đây, tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. 

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.  

“Trong bối cảnh thị trường du lịch dần sôi động trở lại, phát triển du lịch MICE đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp xác định là hướng đi chủ lực, tạo sức bật cho du lịch trên chặng đường phục hồi, phát triển sau thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm có khả năng đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng”, ông Siêu nói.

Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững - 2

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.

Hợp tác để đạt được mục tiêu chung

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, để thu hút khách quốc tế thì Chính phủ nên xem xét tăng thời gian miễn visa vào Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày, đồng thời chỉ đạo mạnh mẽ việc cải tiến quy trình cấp visa điện tử để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đăng ký xét duyệt.

Ông Quyền cũng đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu xem xét bỏ quy định công bố tổng số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày (chỉ nên công bố số ca mắc nặng phải nhập viện) đề phù hợp với thực tế hiện nay nước ta khống chế được dịch, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam - an toàn, thân thiện. Xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm Covid-19 mức 10.000 USD (chỉ nên áp dụng điều kiện có bảo hiểm du lịch đối với du khách quốc tế). Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có các chính sách hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp tham gia cùng với Bộ và Tổng cục Du lịch tại các chương trình khảo sát, xúc tiến du lịch quốc tế. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch Việt Nam tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Zoritsa Urosevic - Tổng Giám đốc Tổ chức Du lịch thế giới - nhận định Việt Nam có những bước tiến rõ rệt để đẩy nhanh sự phục hồi du lịch. Thông qua Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Chính phủ đã cam kết ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực du lịch, đưa ra các chính sách và cơ chế mới về tài chính, tín dụng và thuế nhằm hỗ trợ sự phục hồi và phát triển của du lịch từ nay đến năm 2030.  

Du lịch nội địa được khởi động lại trên cả nước đang mang lại hy vọng cho nhiều người, tạo ra việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp và trở thành động lực phát triển kinh tế. Nhìn xa hơn, chúng ta có cơ hội chung tay xây dựng một ngành du lịch tốt hơn để không ai bị bỏ lại phía sau. Sự kiện cấp cao về du lịch của Đại hội đồng Liên hiệp quốc diễn ra tháng 5 vừa qua cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác để đạt được những mục tiêu chung.

Ông Ounethouang Khaophanh - Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào - nhận định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong sản xuất hàng hóa, thương mại và dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao mức sống, tạo yếu tố cơ bản để từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nền kinh tế quốc dân tăng trưởng liên tục. 

Trong lĩnh vực du lịch, MSME chiếm hơn 80% tổng số đơn vị kinh doanh trong ngành, được phân bổ ở nhiều điểm du lịch khác nhau. Vì vậy, Chính phủ Lào luôn coi trọng việc khôi phục ngành du lịch của đất nước với chính sách mở cửa hoàn toàn, cho vay lãi suất thấp, đào tạo và cấp chứng chỉ tiêu chuẩn vệ sinh cho các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng…

“Một trong những chương trình ưu tiên của kế hoạch phục hồi du lịch 2021-2025 là hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong việc thực hiện các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó các hoạt động hợp tác dựa trên thảo luận để tìm ra giải pháp chung để thúc đẩy du lịch, thị trường, giáo dục, đẩy mạnh thị trường du lịch”, ông Khaophanh nói.

Ngọc Anh