Giá tiêu hôm nay 21/11/2024: Thị trường kém sôi động, công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận tiêu chuẩn của thế giới. (Nguồn: Getty) |
Giá tiêu hôm nay 21/11/2024 tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 138.500 – 140.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 139.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (138.500 đồng/kg); Đắk Lắk (140.000 đồng/kg); Đắk Nông (140.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (139.000 đồng/kg) và Bình Phước (139.000 đồng/kg).
Tin liên quan |
Hợp tác Hải quan Việt Nam-Lào: Tin tưởng, hỗ trợ, giúp đỡ cùng phát triển |
Như vậy, giá tiêu trong nước hôm nay đi ngang ở hầu hết các địa phương vùng trồng trọng điểm, duy nhất ghi nhận tăng nhẹ 500 đồng/kg ở Đắk Lắk. Giá tiêu cao nhất ở mốc 140.000 đồng/kg.
Những năm 2014-2015, hồ tiêu được ví như “vàng đen” khi giá lập đỉnh 250.000 đồng/kg. Khi nhìn thấy lợi nhuận lớn, nhiều nông dân lao vào mua đất, chuyển đổi sang trồng hồ tiêu.
Hệ quả kéo theo là quy trình trồng, chăm sóc cây hồ tiêu bị phá vỡ, các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thi nhau đổ xuống vườn với mong muốn phát triển nhanh nhất, đạt năng suất cao nhất.
Đơn cử như Gia Lai, quy hoạch đến năm 2015 diện tích hồ tiêu là 6.000ha, nhưng đến 2017, diện tích hồ tiêu ở Gia Lai đã lên đến 18.000ha.
Chính việc tăng trưởng nóng đã khiến hồ tiêu Gia Lai rơi vào “thảm kịch”, dịch bệnh hoành hành khắp nơi, đặc biệt là bệnh “chết nhanh, chết chậm”.
Từ 18.000ha, diện tích hồ tiêu của Gia Lai giảm còn hơn nửa vào năm 2019. Cùng với giá hồ tiêu xuống thấp kỷ lục đã khiến cây hồ tiêu gần như bị khai tử.
Sau 10 năm, nỗ lực phát triển bền vững ngành tiêu đang được duy trì và đạt được kết quả tích cực. Qua 1 năm được giá người dân cũng không ồ ạt trồng mới hồ tiêu, mà thay vào đó tập trung tăng năng suất bằng các biện pháp hữu cơ.
Người dân cũng được nâng cao nhận thức, chủ động hơn khi tham gia thị trường. Hiện nay, các vườn hồ tiêu trồng thuần không còn nhiều, thay vào đó là trồng xen với cà phê và các loại cây ăn quả. Điều này cũng giúp các cây bổ trợ cho nhau về dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Với những cách làm bài bản, kiên trì mang lại hiệu quả ở nhiều địa phương đem lại sự tin tưởng Việt Nam tiếp tục là quốc gia sản xuất, và chiếm giữ thị phần dẫn đầu thế giới về mặt hàng nông sản này.
Cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới nói chung. Các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA đã tạo ra sản phẩm đa dạng: Tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ.
Dẫu vậy, về tổng thể, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị thấp hơn giá bán của Ấn Độ, Malaysia. Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.
Vì vậy, VPSA khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, chế biến sạch, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.