xuân

Giá nông sản hôm nay 5/7/2025: Giá cà phê trong nước đón tin tích cực, Giá tiêu giảm mạnh liên tiếp; Hiểu cách Mỹ áp dụng quy tắc xuất xứ thế nào?

Báo Thế giới và Việt Nam cập nhật giá nông sản hôm nay 5/7/2025, giá cà phê, giá tiêu... giao dịch trên thị trường quốc tế và thị trường trong nước:

Giá cà phê hôm nay 5/7/2025

Giá cà phê thế giới tiếp tục diễn biến trái chiều, robusta tăng hai phiên liên tiếp.

Phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê sàn robusta trên sàn London tiếp tục tăng trong khi giá cà phê arabica trên sàn New York nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Hiệu ứng từ thông tin mới nhất về thuế đã khiến giá cà phê Việt Nam bật tăng trở lại sau chuỗi hơn 2 tháng giảm giá.

Cà phê arabica trên sàn New York giảm liên tiếp khi các yếu tố chi phối đều ủng hộ hướng xuống. Trong đó nguồn cung mạnh từ Brazil và đồng USD tăng là các tác nhân chính. Ngoài ra đầu cơ cũng bán tháo mạnh cà phê arabica trong phiên trước thềm kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Trong khi đó, trước những diễn biến thất thường của giá cà phê, đầu cơ không có xu hướng ôm hàng trước những kỳ nghỉ dài vì sợ rủi ro.

Giá cà phê arabica kỳ hạn hiện đã giảm hơn 30% so với mức kỷ lục gần 4,3 USD/lb hồi tháng 2 – mức giá mà các chuyên gia cho là “quá cao vì bắt đầu ảnh hưởng đến tiêu dùng”. Tuy vậy, giá cà phê vẫn đang duy trì trên mức 2,5 USD/lb – mức được xem là “bền vững về mặt kinh tế” – trong bối cảnh tồn kho toàn cầu vẫn eo hẹp và chi phí sản xuất tăng cao.

Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), nguồn cung cà phê toàn cầu đang bị thắt chặt do tình trạng thâm hụt sản lượng trong nhiều năm. Tuy nhiên trong vòng 3 năm tới, nguồn cung có thể được cải thiện, do các đồn điền mới được trồng sau đợt giá đạt mức cao kỷ lục vào đầu vụ thu hoạch.

Tuy vậy, triển vọng này còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường có thuận lợi hay không để người nông dân có thể duy trì việc canh tác. Nếu thời tiết thuận lợi tại các quốc gia sản xuất chủ chốt như Brazil, Việt Nam, Colombia, tình trạng thâm hụt liên tiếp trên thị trường cà phê toàn cầu có thể chấm dứt vào năm 2026 tới.

Trong đó, đáng chú ý, Brazil đang trên lộ trình phục hồi sản lượng cà phê trong năm tới, mở ra hy vọng giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, theo nhận định của nhà kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, theo Bloomberg.

Lượng mưa đều đặn đã hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê tại các vùng trồng arabica chủ chốt, tạo điều kiện cho đợt phục hồi sau khi hạn hán làm sụt giảm sản lượng trong năm nay. Brazil – quốc gia trồng cà phê lớn nhất thế giới – dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 40 triệu bao cà phê arabica trong niên vụ 2025–2026, giảm so với mức 43,7 triệu bao của vụ trước, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Giá cà phê trong nước hôm nay 5/7 giao dịch trong khoảng 95.800 - 96.400 đồng/kg. Hiệu ứng từ thông tin mới nhất về thuế quan với Mỹ đã khiến giá cà phê Việt Nam bật tăng trở lại sau chuỗi hơn 2 tháng giảm giá.

Giới trong ngành cà phê Việt Nam hiện đón nhận tin về thuế quan xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo hướng tích cực. Mức thuế đối ứng tại Mỹ sẽ áp dụng cho nông sản Việt có thể sẽ ở mức 20% từ ngày 10/7, tuy cao gấp đôi so với mức thuế xuất khẩu cà phê trong 3 tháng qua, nhưng rất có thể sẽ thấp hơn mức thuế đối ứng mà Mỹ sẽ áp cho cà phê Brazil và Colombia.

Giá cà phê trong nước ngày 4/7 tăng 300 - 400 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Đơn vị tính: VNĐ/kg)

Giá cà phê

Trung bình

Tỷ giá USD/VND

25.980

+ 5

ĐẮK LẮK

95.500

+ 300

LÂM ĐỒNG

95.000

+ 300

GIA LAI

95.500

+ 300

ĐẮK NÔNG

95.600

+ 400

(Nguồn: giacaphe.com)

Ghi nhận của Báo Thế giới và Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 4/7, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2025 tăng 50 USD giao dịch tại 3.627 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2025 tăng 47 USD, giao dịch tại 3.615 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2025 giảm 1,6 Cent, giao dịch tại 289,6 Cent/lb. Kỳ hạn giao tháng 11/2025 giảm 1,2 Cent giao dịch tại 284,15 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá nông sản hôm nay 17/4/2025:
Giá nông sản hôm nay 5/7/2025: Giá cà phê trong nước đón tin tích cực, Giá tiêu giảm mạnh liên tiếp; Hiểu cách Mỹ áp dụng quy tắc xuất xứ thế nào?

Giá tiêu hôm nay 5/7/2025

Giá hồ tiêu trong nước kết thúc 7 ngày tăng liên tiếp bằng hai phiên giảm mạnh.

Giá tiêu trong nước giảm liền 2 ngày cuối tuần, đẩy giá tiêu một số địa phương về dưới mốc 140.000 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 139.000 - 144.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 124.900 tấn hạt tiêu, thu về 859,6 triệu USD; tuy khối lượng xuất khẩu giảm 12,4%, nhưng giá trị lại tăng mạnh 35,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng qua ước đạt 6.881 USD/tấn, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ, Đức và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 26,8%, 9,2% và 7,7%.

Giá tiêu thế giới mới nhất được cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế vào 7:56 ngày 4/7

Thị trường USD/Tấn VNĐ/Kg
Indonesia - Black Pepper 7,541 198,706
Indonesia - White Pepper 10,187 268,428
Brazil Black - Pepper ASTA 570 6,250 164,688
Malaysia - Black Pepper ASTA 8,900 234,515
Malaysia - White Pepper ASTA 11,750 309,613
Viet Nam - Black Pepper 500 g/l 6,240 164,424
Viet Nam - Black Pepper 550 g/l 6,370 167,850
Viet Nam - White Pepper ASTA 8,950 235,833

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam, chiếm 24,7% tổng lượng và 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này. Xuất khẩu tiêu sang thị trường này đạt 24.687 tấn hồ tiêu, tương đương 184,9 triệu USD, giảm 18,9% về lượng nhưng lại tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, do giá xuất khẩu tăng mạnh tới 66,1% lên mức trung bình 7.490 USD/tấn.

Riêng trong tháng 5, xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ đạt 6.926 tấn, tương đương 52,37 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và 6,2% về kim ngạch so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 9,3%, trong khi trị giá tăng 34,8%.

Ở chiều ngược lại, theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Mỹ không sản xuất được hồ tiêu nên phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong đó, 60-70% là nhập từ Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, nhiều nông dân và nhà đầu cơ vẫn giữ hàng, chưa vội bán ra với kỳ vọng giá sẽ phục hồi tốt hơn vào 6 tháng cuối năm. Việc tích trữ này xuất phát từ dự đoán giá sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần làm giảm nguồn cung tức thời trên thị trường.

Tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 144.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đắk Nông thuộc tỉnh Lâm Đồng, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 140.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 139.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (TP Hồ Chí Minh), Bình Phước (tỉnh Đồng Nai) giá tiêu hôm nay ở mức 140.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Thông tin thị trường xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều căng thẳng, quy tắc xuất xứ đang trở thành khái niệm được nhiều người chú ý đến. Từ mức thuế ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do cho đến biện pháp phòng vệ như chống bán phá giá, xuất xứ là yếu tố quyết định liệu hàng hóa sẽ được hưởng ưu đãi hay phải chịu thêm gánh nặng thuế quan.

Theo định nghĩa của Britannica, trong thương mại quốc tế, quy tắc xuất xứ là các tiêu chuẩn pháp lý giúp xác định và áp dụng chế độ đối xử khác nhau đối với hàng hóa, tùy theo quốc gia hoặc khu vực xuất xứ của chúng. Mục đích của quy tắc xuất xứ là làm rõ các khía cạnh của luật thương mại và chính sách thương mại có liên quan đến việc đối xử khác nhau với hàng hóa, tùy theo quốc gia xuất xứ.

Quy tắc xuất xứ được chia thành hai loại: ưu đãi và không ưu đãi. Việc xác định xuất xứ khá đơn giản nếu hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia. Tuy nhiên, nếu hàng hóa trải qua các công đoạn chế biến, đóng gói tại những nước khác thì việc xác định sẽ trở nên phức tạp hơn.

Đối với Mỹ, trong trường hợp thứ hai, việc áp dụng quy tắc xuất xứ sẽ được chia thành hai trường hợp khác: thứ nhất là với các đối tác tham gia FTA với Washington và thứ hai là với những đối tác không tham gia.

Với những nước ký kết FTA với Mỹ, nguồn gốc hàng hóa được quy định bởi FTA. Lấy ví dụ về ô tô, một mặt hàng thường trải qua công đoạn lắp ráp, chế tạo tại nhiều nước để có thể tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Ô tô được coi là có xuất xứ theo thoả thuận USMCA nếu đáp ứng ba tiêu chí sau: ít nhất 75% linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ, Mexico hoặc Canada; khoảng 40 - 45% giá trị của xe được sản xuất bởi lao động có mức lương tối thiểu 16 USD/giờ; và ít nhất 70% lượng thép và nhôm sử dụng trong xe có xuất xứ từ Bắc Mỹ.

Khi ông Trump đánh thuế quan vào Mexico và Canada hồi đầu năm nay, ô tô đáp ứng các yêu cầu của USMCA thuộc diện những sản phẩm được miễn mức thuế 25%.

Với những quốc gia còn lại, Mỹ sử dụng tiêu chí chuyển đổi cơ bản (substantial transformation). Chuyển đổi cơ bản có nghĩa là hàng hóa trải qua sự thay đổi đáng kể về hình thức, mẫu mã, tính chất hoặc đặc điểm thông qua gia công hoặc sản xuất tại một quốc gia. Sự thay đổi này cũng làm tăng giá trị của hàng hóa lên một mức đáng kể so với giá trị ban đầu từ nước xuất khẩu đầu tiên.

Ví dụ, đường từ quốc gia A, bột mì từ quốc gia B, các sản phẩm từ sữa từ quốc gia C và các loại hạt từ quốc gia D được đưa đến quốc gia E. Tại quốc gia E, các sản phẩm này được chế biến thành bánh quy. Trường hợp này đáp ứng tiêu chí “chuyển đổi cơ bản”, vì đã tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới là bánh quy.

Hoạt động đóng gói lại, pha loãng với nước thường không gây ra sự chuyển đổi cơ bản. Việc lắp ráp hoặc tháo rời cũng có thể được coi là chuyển đổi cơ bản, tùy vào đặc điểm của sản phẩm và mức độ phức tạp của quá trình thao tác.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })