xuân

EVN đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng vào điện hạt nhân Ninh Thuận

Sau năm 2023 thua lỗ nặng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có cú đảo chiều trong năm 2024 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.237 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi ngày chìm trong thua lỗ. Được biết, tính đến cuối năm 2024, EVN đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng vào dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Theo đó, năm 2024, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 580.537 tỷ đồng, tăng gần 80.000 tỷ đồng so với năm trước, tương ứng 16%. Đây là mức tăng ấn tượng sau giai đoạn làm ăn thua lỗ do áp lực chi phí đầu vào và giá bán điện chưa theo kịp thực tế thị trường.

Điểm nổi bật là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 13.006 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số này âm 19.862 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của EVN đạt 8.237 tỷ đồng, đảo chiều hoàn toàn so với mức lỗ kỷ lục hơn 26.772 tỷ đồng năm 2023.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp EVN đảo chiều kết quả kinh doanh là giá đầu vào điện giảm, đặc biệt là thủy điện được huy động tốt nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi; trong khi các nguồn nhiệt điện và năng lượng tái tạo cũng duy trì ổn định. Việc điều chỉnh giá bán điện trong năm 2024 đã giúp EVN phần nào cân đối chi phí.

EVN đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng vào điện hạt nhân Ninh Thuận- Ảnh 1.

Doanh thu tăng mạnh cùng với việc kiểm soát chi phí đã giúp EVN lãi hơn 8.237 tỷ đồng trong năm 2024.

EVN quay lại chu kỳ đầu tư mở rộng với dòng tiền chi cho hoạt động đầu tư lên tới hơn 102.702 tỷ đồng, gần 4 lần so với năm trước. Đặc biệt, theo EVN, việc Quốc hội đã thông qua nghị quyết tháng 11/2024, cho phép tiếp tục triển khai Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng bị dừng vào tháng 11/2016. Tại thời điểm lập báo cáo, EVN đang trong quá trình thực hiện các bước chuẩn bị để tái khởi động dự án trọng điểm này. Tính đến cuối năm 2024, EVN đã đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng vào dự án điện hạt nhân.

Tính đến 31/12/2024, tổng nợ phải trả của EVN là 474.630 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ dài hạn là 278.914 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn phục vụ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện.

Chi phí lãi vay trong năm là 3.126 tỷ đồng, không tăng so với năm 2023 dù quy mô vay lớn hơn. Tuy nhiên, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao (trên 2,3 lần), cảnh báo một dư địa tài chính đang bị thu hẹp và phụ thuộc vào khả năng xoay vòng vốn nhanh từ hoạt động kinh doanh.

Dù báo lãi lớn, song đến cuối năm 2024 EVN vẫn còn khoản lỗ lũy kế lên tới 38.688 tỷ đồng.