Mẫu dầu thô tại mỏ dầu Yarakta, vùng Irkutsk, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Gói trừng phạt thứ 15 đã được các Đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU thông qua trong cuộc họp vào ngày 11/12.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh: "EU và các đối tác Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết duy trì sức ép lên Điện Kremlin".
Hãng tin Reuters (Anh) tiết lộ, gói trừng phạt lần này nhằm vào các các tàu chở dầu đến từ các nước thứ ba được cho đã và đang hỗ trợ Moscow, đồng thời bổ sung thêm nhiều thực thể và cá nhân vào danh sách trừng phạt.
Quy mô của gói trừng phạt có thể lên tới gần 30 thực thể, hơn 50 cá nhân và 45 tàu chở dầu.
Tin liên quan |
Sắp rời nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Biden muốn làm điều này với Nga, EU cũng muốn thế |
Gói trừng phạt cũng cho phép Czech tiếp tục nhập khẩu dầu Nga trong một thời gian ngắn. Đây là một điểm đáng chú ý trong gói trừng phạt mới. Điều này cho thấy, khối 27 thành viên đang tìm kiếm sự cân bằng giữa việc gây áp lực lên Nga và đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước thành viên.
Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên được thống nhất trong thời gian Hungary giữ chức chủ tịch Hội đồng EU - điều mà nhiều nhà ngoại giao lo ngại sẽ làm chậm lại hoạt động trừng phạt Nga.
Trọng tâm chính của gói trừng phạt thứ 15 là nhằm vào "hạm đội bóng tối" mà Nga đã sử dụng để vượt qua mức giá trần mà các đồng minh phương Tây đưa ra vào cuối năm 2022.
Thời điểm đó, phương Tây đặt mức giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga nhằm hạn chế doanh số bán dầu vận chuyển bằng đường biển của nước này trên toàn thế giới. Lệnh cấm cũng chặn các doanh nghiệp phương Tây cung cấp dịch vụ như bảo hiểm, tài chính và cờ hiệu cho các tàu chở dầu của Nga.
Thế nhưng Moscow đã vượt lệnh trừng phạt này một cách ngoạn mục. Đất nước đã bắt đầu sử dụng các tàu chở dầu cũ kỹ, bảo dưỡng kém, bảo hiểm không rõ ràng và không nằm trong tầm kiểm soát của các nước G7.
Những con tàu này di chuyển với "cờ tiện lợi" từ các quốc gia không muốn tuân theo lệnh trừng phạt của phương Tây, chẳng hạn như Panama, Liberia và Quần đảo Marshall.
Tình trạng của những con tàu này tệ đến mức Brussels lo ngại chúng có thể làm tràn dầu và gây ra thảm họa môi trường gần lãnh thổ của khối.
Bất chấp những rủi ro nói trên, Điện Kremlin tiếp tục dựa vào các tàu chở dầu này để buôn bán dầu thô, một nguồn thu thiết yếu để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), từ tháng 2/2022 đến tháng 6/2024, Nga đã thu được 475 tỷ EUR doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ, chiếm 68% tổng doanh thu xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện là những nước mua dầu chính của Moscow, thường được lọc dầu tại các nước này và bán vào thị trường EU dưới một nhãn hiệu khác.
Không chỉ EU, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt hơn nhằm vào dầu Nga.
Lệnh trừng phạt dự kiến sẽ đưa ra trước khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Các nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ, một số biện pháp đang được xem xét, bao gồm lệnh trừng phạt với "hạm đội bóng tối". Lệnh trừng phạt có thể sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 10/2024 của Viện Kinh tế Quốc tế Kiev, trong hai năm qua, 70% nhiên liệu xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng đội tàu này.
Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trừng phạt dầu Moscow tương tự như cách đang áp dụng với Iran. Cụ thể, người mua cũng sẽ bị Mỹ trừng phạt. Không rõ biện pháp như vậy có khả thi hay không vì các quốc gia lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn công khai mua dầu từ Điện Kremlin.
Một số người thì cho rằng, lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU sẽ khiến giá dầu thế giới tăng vọt và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Washington, nơi người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô.