Như vậy, bất chấp những diễn biến địa kinh tế mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định chính sách với Trung Quốc vẫn sẽ là “giảm thiểu rủi ro” thay vì “tách rời hoàn toàn”, theo thông báo từ Brussels.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng kịp lên tiếng cảnh báo "nếu bị đem ra mặc cả"...
![]() |
Né cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc, EU không ‘chọn phe’, khẳng định lập trường với Bắc Kinh. Trong ảnh: Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, năm 2023. (Nguồn: Euronews) |
“Giảm rủi ro” không “tách rời”
Theo giới truyền thông quốc tế, dù Mỹ chưa chính thức xác nhận yêu cầu trên, nhưng ông chủ Nhà Trắng đã không ít lần thể hiện quan điểm buộc các quốc gia "phải chọn phe," hoặc Washington, hoặc Bắc Kinh, để đạt được những nhượng bộ lâu dài liên quan loạt thuế quan diện rộng do chính phủ của ông ban hành – vốn đã khiến cả các đồng minh lẫn đối thủ phải bất ngờ, thậm chí tức giận.
Các mức thuế này hiện đang tạm thời bị đình chỉ trong 90 ngày – khoảng thời gian được xem là “cơ hội cuối” để các chính phủ xúc tiến thỏa thuận thương mại với nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Khi được phóng viên tờ Fox News hỏi, liệu Mỹ Latin có nên cắt đứt quan hệ với Trung Quốc hay không, ông Trump đã trả lời đầy ẩn ý: “Có thể, theo một cách nào đó. Có thể họ nên làm vậy”.
Và chỉ một gợi ý rằng, Trung Quốc có thể bị đem ra làm “vật trao đổi” trong đàm phán giữa Mỹ-EU cũng đủ khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội và đưa ra lời cảnh báo cứng rắn về khả năng đáp trả.
"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt được thỏa thuận với cái giá là gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc", Bộ Thương mại nước này thông báo. Theo đó, “nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ kiên quyết không chấp nhận và sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Trung Quốc có quyết tâm và năng lực để bảo vệ quyền lợi của mình. Không ai có thể đứng ngoài tác động của chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại”.
Trước căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, EC ngày 23/4 đã lên tiếng khẳng định lập trường độc lập, tìm cách tách mình khỏi cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc. Cơ quan này nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và quan hệ với Trung Quốc là “hai vấn đề hoàn toàn riêng biệt”.
“Chúng tôi đang tiến hành đàm phán thương mại với các đối tác Mỹ”, bà Arianna Podestà, Phó phát ngôn viên EC cho biết. “Đây là cuộc thương lượng giữa hai bên, cả hai đang tìm kiếm những điểm có thể đạt được kết quả cùng thắng. Điều này không liên quan đến mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc”, bà Podestà nói thêm.
Phó phát ngôn viên EC cũng một lần nữa khẳng định - bất chấp những diễn biến mới nhất, chính sách của EU đối với Trung Quốc vẫn không thay đổi – tiếp tục tập trung vào “giảm thiểu rủi ro, không phải tách rời”.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có “nằm ngoài bàn đàm phán” với Mỹ hay không, bà Podestà cho biết ranh giới đỏ duy nhất là "sự an toàn và phúc lợi" của công dân EU – ám chỉ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà Nhà Trắng nhiều lần chỉ trích là “rào cản phi thuế quan”.
“Còn lại, mọi thứ đều có thể được đưa ra thảo luận”, đại diện EC kết luận.
Cân bằng giữa chiến lược và thực tế
Chiến lược “giảm rủi ro” (de-risking) – thuật ngữ do Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu tiên – đang trở thành kim chỉ nam trong cách tiếp cận của EU đối với Trung Quốc.
Thay vì “tách rời” (decoupling) hoàn toàn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, EU hướng đến việc giảm thiểu các phụ thuộc dễ tổn thương vào Trung Quốc mà EU từng xây dựng trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như hàng hóa công nghệ cao và hàng hóa lưỡng dụng.
Trong bối cảnh Trung Quốc từng bị cáo buộc sử dụng đòn bẩy chuỗi cung ứng như một công cụ trả đũa các chính sách làm suy yếu lợi ích quốc gia của mình. Chẳng hạn, để phản ứng với mức thuế cao ngất ngưởng của Tổng thống Trump, Bắc Kinh đã siết chặt xuất khẩu nhiều loại khoáng sản chiến lược quan trọng – động thái làm dấy lên lo ngại trên toàn cầu.
Bà Von der Leyen, người có lập trường cứng rắn về Trung Quốc, từng được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đánh giá cao, gần đây đã thay đổi thái độ, “hạ bớt giọng điệu” của mình với Bắc Kinh. Bà Chủ tịch EC hiện đề cao chính sách đối ngoại “mang tính giao dịch”, mở đường cho sự hợp tác có tính xây dựng với những quốc gia không hoàn toàn chia sẻ các giá trị nền tảng của EU – như Trung Quốc.
Ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp dụng “thuế quan có đi có lại” khiến thị trường toàn cầu chao đảo, bà von der Leyen đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
"Để ứng phó với tình trạng khủng hoảng lan rộng do thuế quan của Mỹ gây ra, Chủ tịch von der Leyen nhấn mạnh trách nhiệm của châu Âu và Trung Quốc, với tư cách là hai trong số những thị trường lớn nhất thế giới - trong việc duy trì một hệ thống thương mại mạnh mẽ, cải cách, tự do, công bằng và dựa trên sân chơi bình đẳng” theo một thông báo chính thức từ EC.
Thông cáo từ phía Trung Quốc mang màu sắc lạc quan hơn nhiều, nhấn mạnh “đà tăng trưởng ổn định” trong quan hệ song phương Trung Quốc-EU. “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với châu Âu để thúc đẩy quan hệ phát triển ổn định và lành mạnh,” ông Lý Cường nói với bà von der Leyen.
Hai bên đã nhất trí và cùng thông báo sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc vào tháng 7 tới, làm dấy lên đồn đoán về khả năng “tái thiết” mối quan hệ song phương nhiều ràng buộc.
Tuy nhiên, Brussels cũng nhanh chóng “giảm thiểu sự thân mật”, bằng cách cảnh báo rủi ro thị trường châu Âu bị tràn ngập bởi làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc – vốn không thể xuất sang Mỹ vì mức thuế trừng phạt.
“Chúng tôi không thể hấp thụ tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu, cũng như sẽ không chấp nhận việc bán phá giá trên thị trường của mình,” bà von der Leyen cảnh báo hồi đầu tháng này.
Năm 2023, Mỹ là điểm đến hàng đầu cho hàng hóa sản xuất tại EU, với kim ngạch xuất khẩu lên đến 501,9 tỷ Euro, tiếp theo là Trung Quốc với 223,5 tỷ Euro, theo số liệu từ Eurostat. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất vào EU, với 516,2 tỷ Euro, vượt qua cả Mỹ (346,7 tỷ Euro).