|
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được đầu tư cơ sở khang trang, phục vụ học tập và nghiên cứu.
|
Được tự chủ, vẫn chưa đủ!
Nhịp Sống Sài Gòn
09:35 07/11/2016
(thoibaongaynay.vn) - Thực tế, có hiện tượng một số trường đại học tiến hành tự chủ theo chủ trương mới chưa được đầy đủ, dẫn đến cách hiểu về tự chủ đại học bị thiếu hụt.
- Thực tế, có hiện tượng một số trường đại học tiến hành tự chủ theo chủ trương mới chưa được đầy đủ, dẫn đến cách hiểu về tự chủ đại học bị thiếu hụt.
Muốn đổi mới giáo dục đại học, cần phải sớm tính đến việc điều chỉnh những điểm đã không còn phù hợp trong Luật Giáo dục hiện hành.
Áp lực thu - chi
Từ vài năm qua, nhiều trường đại học muốn được trao thêm quyền tự chủ, thế nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 14 trường công được thực hiện theo đề án tự chủ do Chính phủ phê duyệt.
Như vậy là quá ít ỏi so với gần 180 trường công lập trong cả nước. Nhưng ngay cả với các trường này, chủ yếu đang thực hiện tự chủ về tài chính. Tức là không nhận ngân sách chi thường xuyên từ nhà nước mà sẽ tự hạch toán thu chi.
Trong khi đó, nhiều khía cạnh khác phải tiến hành đồng thời lại chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Ngay như một số trường lớn ở TP.HCM như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing…, khi được duyệt cơ chế tự chủ, việc đầu tiên là nâng học phí và thiếu quan tâm đến các lĩnh vực khác.
Vấn đề này khiến xã hội hiểu nhầm rằng tự chủ ở các trường thực chất chỉ là cắt giảm nguồn chi từ ngân sách và để các trường xoay sở vận hành trong cơ chế thị trường.
Phải hiểu rằng ngân sách sẽ được phân bổ theo cách khác chứ không phải “bao cấp” như trước đây. Theo PGS. TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, tự chủ về tài chính là nhà nước sẽ không cấp kinh phí thường xuyên theo kiểu truyền thống nữa mà cấp theo nhiệm vụ, đơn đặt hàng, dự án, trên nguyên tắc cạnh tranh.
“Trường nào năng lực, tạo ra kết quả đào tạo tốt, sẽ được đầu tư xứng đáng. Với mỗi chương trình được đặt hàng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng ra sao, nhà nước sẽ căn cứ vào đó để đầu tư”, ông Sơn nói.
Song như ý kiến của lãnh đạo một số trường thực hiện đề án thí điểm, tăng học phí là việc bắt buộc để có thể tiến hành đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo. Song tăng như nào, lộ trình ra sao lại là điều cần cân nhắc để tránh bị phản ứng.
Có thể thấy, nhiều trường hiện còn đang loay hoay với các phương án tài chính, cân đối thu chi, nâng học phí. Các vấn đề về hoạt động chuyên môn và bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo hầu như vẫn… giậm chân tại chỗ.
Chẳng hạn, tại ĐH Tài chính - Marketing, được giao cơ chế tự chủ nhưng chỉ làm tốt một số vấn đề về quản lý tài chính như học phí, tiền lương, đầu tư cơ sở vật chất…
Riêng một số vấn đề như xây dựng đội ngũ giáo viên vẫn phải xin Bộ GD&ĐT cho lộ trình đến năm 2020 sẽ chuẩn hóa. Thậm chí, việc bổ nhiệm hiệu trưởng vào tháng 8 vừa qua cũng phải “chờ duyệt” từ Bộ Tài chính.
Cần cơ chế công bằng và hướng dẫn cụ thể
Với thực tế hiện nay, nếu hiểu theo cách xin “cai” bầu sữa ngân sách thì sẽ nhiều trường ngần ngại, không dám thử sức, nhất là các trường vốn được bao cấp đào tạo như khối sư phạm, xã hội nhân văn.
GS. TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan, luôn đổi mới theo hướng tối ưu hóa để tồn tại và phát triển.
Cơ chế mở như vậy, tức là tính cạnh tranh phải được đề cao, từ đó tạo sự năng động, nâng cao uy tín và hội nhập. Ngược lại vấn đề này cũng có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực nếu không có sự điều tiết khoa học.
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành - chỉ ra một khía cạnh: Không tính các trường công được “bao cấp”. Ở các trường công dù được giao quyền tự chủ về tài chính - tức là không nhận ngân sách chi thường xuyên nhưng vẫn đang được bao cấp cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng cơ bản… thì họ vẫn có cái lợi.
Các trường này có thể thu cùng một mức học phí và cung ứng cùng chất lượng dịch vụ so với trường tư. Khi đó lượng thí sinh sẽ lựa chọn trường công thay vì chọn trường tư. Như thế là cạnh tranh không công bằng, buộc nhà nước phải có chính sách điều chỉnh để các trường bước vào một sân chơi công bằng.
Một vấn đề khác được quan tâm, là các quy định pháp lý về quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học cần thống nhất, nhất quán và cùng được cập nhật ở các văn bản quản lý khác nhau, để các cơ sở tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ đồng thời vẫn “trói buộc” bởi cơ chế.
Nhận thấy việc tự chủ là cần thiết, PGS. TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng nhà trường mong muốn tự chủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số vấn đề còn vướng, như việc đầu tư kinh phí phải qua các cấp kiểm toán, kho bạc… và đến nay, các cơ quan này với nhà trường vẫn chưa có sự đồng thuận.
Cũng theo TS Sơn, nhà nước đã có quy định chính sách cho các trường vay vốn đầu tư, nhưng cần có hướng dẫn vay ở đâu, vay như thế nào. Việc ưu tiên cho sinh viên vay tiền đi học cũng cần có hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện tốt hơn.
Tự chủ đại học là chủ trương đúng, nhưng lại đang bị bó trong thực thi vì thiếu những cơ chế chính sách đồng bộ. Nếu không sớm đáp ứng đòi hỏi từ thực tế, thì quá trình áp dụng tự chủ sẽ chỉ loanh quanh với áp lực thu - chi mà thôi. Cái gốc là chất lượng giáo dục sẽ chẳng thể thay đổi được.
Tự chủ trong đại học được phân biệt thành hai loại: Một là, tự chủ học thuật bao gồm các lĩnh vực học thuật và nghiên cứu, cụ thể là tự chủ trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế chương trình giảng dạy, xây dựng chính sách nghiên cứu, xác định điểm tuyển sinh, bổ nhiệm giảng viên, trao học vị.
Hai là, tự chủ phi học thuật bao gồm các lĩnh vực xen phủ với nhiều vấn đề tài chính như ngân sách, quản lý tài chính, bổ nhiệm và trả lương các nhân viên, mua sắm, và các hợp đồng liên kết…
Theo Bá Lâm - Hải Miên / Nhân Dân