xuân

Dự kiến còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã; địa phương sẽ quyết định việc bố trí nhân sự cấp xã

(Chinhphu.vn) - Bước đầu Bộ Nội vụ ước tính sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, toàn quốc sẽ còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã. Về phương án tổ chức nhân sự cấp xã, Trung ương chỉ định hướng về nguyên tắc, chủ trương, còn địa phương sẽ quyết định việc bố trí nhân sự cấp xã.

Dự kiến còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã; địa phương sẽ quyết định việc bố trí nhân sự cấp xã- Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn thông tin tại họp báo - Ảnh: VGP/TG

Tại buổi họp báo của Bộ Nội vụ diễn ra ngày 28/4, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn đã thông tin về tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như phương án bố trí nhân sự cấp xã sau sắp xếp.

Ông Phan Trung Tuấn cho biết, đến nay cơ bản các địa phương đã hoàn thành đề án sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã. Tính đến hôm nay (28/4), Bộ Nội vụ đã nhận được 20 hồ sơ đề án của 20 địa phương gửi thẩm định.

“Chúng tôi đang rất khẩn trương, tập trung tối đa, làm ngày làm đêm, xuyên lễ 30/4-1/5 để bảo đảm tiến độ, cố gắng trước 10/5 sẽ trình Chính phủ toàn bộ hồ sơ đề án cấp tỉnh và cấp xã của cả nước, sau đó lấy ý kiến thành viên Chính phủ và hoàn thiện đề án, phấn đấu đến ngày 15/5 toàn bộ hồ sơ đề án của Chính phủ sẽ được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Phan Trung Tuấn cho hay.

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã, ông Phan Trung Tuấn cho biết, do Bộ Nội vụ mới nhận được đề án của 20 địa phương nên chưa có con số chính xác. Tuy nhiên, thời gian quan, Bộ Nội vụ cũng đã định hướng các địa phương bảo đảm theo tinh thần của Trung ương và Tổng Bí thư đã nêu, tức là giảm 60-70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước.

Tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư là cấp xã phải gần dân, sát dân, do đó quy mô sau sáp nhập không được quá lớn. Các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ giảm trên để tiến hành sắp xếp. Tùy tình hình thực tế, có địa phương giảm 60%, có địa phương giảm 70%, có địa phương có thể cao hơn một chút, nhưng toàn quốc phải bảo đảm mục tiêu giảm 60-70%.

"Bước đầu chúng tôi ước tính sau khi sáp nhập, toàn quốc sẽ còn khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã. Bước đầu là như vậy, còn khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua

 Đề án, chúng ta mới có cái con số cuối cùng", ông Phan Trung Tuấn nói.ổng>ông>

Về tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, ông Phan Trung Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ Công chức (sửa đổi), sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội sắp tới đây, trong đó đề xuất tiêu chuẩn chức vụ, chức danh của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có công chức cấp xã.

Sau khi Luật Cán bộ Công chức (sửa đổi) được thông qua, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một nghị định mới quy định cụ thể về nội dung này. Còn hiện nay, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã đang thực hiện theo Nghị định 33/2023 của Chính phủ.

Về phương án tổ chức nhân sự đơn vị hành chính cấp xã, ông Tuấn đánh giá đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy hiện nay.

Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, Trung ương thống nhất cơ bản trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay, cơ bản chuyển biên chế cấp huyện về cấp xã để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới sau sáp nhập.

Bên cạnh đó, ngày 14/4/2025, Bộ Chính trị đã có Kết luận 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới. 

“Về tinh thần, chúng ta đang thực hiện nguyên tắc ‘địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm'. Trung ương chỉ định hướng về nguyên tắc, chủ trương, còn lại địa phương sẽ toàn quyền quyết định trong việc bố trí nhân sự cấp xã.

Vừa qua, các đồng chí cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng đã thông tin rằng các địa phương có thể bố trí Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hiện nay về làm Bí thư xã, phường mới. Không chỉ Giám đốc sở, Tỉnh ủy viên hay Thành ủy viên, thậm chí các địa bàn quan trọng có thể bố trí Ủy viên ban thường vụ cấp tỉnh hiện nay làm người đứng đầu cấp ủy của địa phương. 

Còn lại tất cả nội dung liên quan đến bố trí phương án nhân sự như ai làm bí thư, ai làm chủ tịch, phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn của cấp xã tổ chức ra sao thì địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm theo các quy định hiện hành”, ông Tuấn cho biết.

Trong thời hạn 5 năm, Bộ Nội vụ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn mới để định biên biên chế của từng cấp tỉnh và từng cấp xã tới đây. Trước khi có bộ tiêu chuẩn mới, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát lại tổng biên chế cả nước trong hệ thống chính trị để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định vì đây là việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị.

Thu Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên tráchBộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách
Tham khảo thêm
Bộ Nội vụ nêu 4 chính sách cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp đơn vị hành chínhBộ Nội vụ nêu 4 chính sách cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp đơn vị hành chính