Đồng Ruble kỹ thuật số - Nga tung ‘vũ khí mới’, tìm lối thoát hiểm giữa ma trận trừng phạt. (Nguồn: coingeek.com) |
Từ ngày 1/8, đồng Ruble kỹ thuật số đã chính thức có hiệu lực tại Nga, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật phát hành.
Tin liên quan |
Châu Âu: Giá dầu đang trở lại đỉnh cao, các đại gia dầu mỏ có lý do 'ngoảnh mặt làm ngơ' với cam kết khí hậu |
Như vậy, chỉ 4 tháng sau khi được đưa vào lưu thông thử nghiệm (từ 1/4), Nga đã tăng tốc triển khai sử dụng đồng Ruble kỹ thuật số, trong bối cảnh trừng phạt chống trừng phạt từ phương Tây, trong đó có lệnh ngăn chặn trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Việc sử dụng loại hình tiền tệ mới này được xem là giải pháp hiệu quả để Moscow thực hiện các khoản thanh toán quan trọng ở trong và ngoài nước, giảm sự phụ thuộc đáng kể vào hệ thống tài chính phương Tây.
Đồng Ruble kỹ thuật số là gì?
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết, đồng Ruble kỹ thuật số không phải là tiền điện tử mà là một phương tiện thanh toán quốc gia, việc lưu thông sẽ chỉ do CBR quyết định.
Đồng Ruble kỹ thuật số được phát hành cùng với đồng Ruble truyền thống, được tạo ra trên một nền tảng đặc biệt của Ngân hàng Trung ương, có thể chuyển nhận và thanh toán trực tuyến hoặc ngoại tuyến, không cần sử dụng tổ chức tín dụng làm trung gian.
Nhà nghiên cứu Sauradeep Bag nhận định, đồng Ruble kỹ thuật số khi trở nên dễ tiếp cận hơn sẽ hứa hẹn sự cách mạng hóa các giao dịch tài chính và định hình lại bối cảnh tài chính của Nga.
Việc Tổng thống Putin ký ban hành luật về đồng Ruble kỹ thuật số đã củng cố cam kết của Nga trong việc triển khai rộng rãi tiền này. Luật đề xuất hợp pháp hóa đồng Ruble kỹ thuật số đã nhận được sự chấp thuận từ cả hai viện của Quốc hội, Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang, khi Nga đẩy nhanh tiến trình sau khi chịu các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.
Nắm bắt được rằng, các loại tiền kỹ thuật số với khả năng tương tác có thể tăng cường thương mại quốc tế và tạo ra một phạm vi ảnh hưởng ngoài hệ thống thống trị bằng đồng USD.
Tất nhiên, sự thành công của những sáng kiến này đòi hỏi phải xem xét cẩn thận các yếu tố khác nhau, bao gồm sức mạnh của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc và cả khả năng “hồi sinh” đồng USD của Mỹ, đòi hỏi các phương pháp tiếp cận thực tế và giám sát thận trọng.
Cách tiếp cận để phát triển một đồng tiền kỹ thuật số của Nga cũng khác với các đối tác. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ tập trung vào việc khẳng định chủ quyền tiền tệ và duy trì tính cạnh tranh trong thế giới tiền tệ kỹ thuật số, thì động lực của Nga được thúc đẩy bởi sự sống còn và phát triển của quốc gia.
Thậm chí trong một hội nghị kinh doanh ở New Delhi, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Alexander Babakov đã đề xuất một loại tiền kỹ thuật số thống nhất cho Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Mục tiêu chính là thúc đẩy thương mại tuân thủ các quy định của mỗi nước, nhưng đồng thời giảm sự phụ thuộc vào đồng USD hoặc Euro, giảm thiểu khả năng bị tổn thương của Nga trước các lệnh trừng phạt quốc tế.
Thúc đẩy thương mại là mục tiêu chính của Nga trong khi lách các biện pháp trừng phạt hiện nay và giảm sự phụ thuộc vào hai trong số các loại tiền tệ dự trữ toàn cầu chính của thế giới trong thời gian dài. Ngoài ra, một loại tiền kỹ thuật số chung như vậy có thể thúc đẩy mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn giữa ba quốc gia Nga-Ấn-Trung và mở đường cho một hệ thống tài chính thay thế ngoài các loại tiền tệ thống trị truyền thống.
Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã xem xét một loại tiền kỹ thuật số đa quốc gia nhưng với tiến độ hạn chế. Mặc dù không hoàn toàn mới nhưng khái niệm này có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, đặc biệt là khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt leo thang.
Trước đây, Nga đã khám phá việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số cho các giao dịch quốc tế nhưng những hạn chế của châu Âu đã cản trở cách tiếp cận đó. Hiện còn có những suy đoán về hợp tác tiền kỹ thuật số tiềm năng giữa Nga và Iran.
Nga mở lối thoát hiểm
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada và Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả việc cấm một số ngân hàng Nga tham gia hệ thống giao dịch tài chính quốc tế SWIFT. Mục đích là để cô lập Nga về kinh tế, chặn nguồn thu và gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt này gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vì Nga là nước xuất khẩu dầu thô, lúa mỳ và cobalt lớn, dẫn đến giá tăng đột biến trên toàn cầu. Nga đang tận dụng tối đa quan hệ đối tác thương mại ở châu Á và châu Phi, đồng thời triển khai đồng Ruble kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả thương mại.
Thúc đẩy thương mại là mục tiêu chính của Nga trong khi lách các biện pháp trừng phạt hiện nay và giảm sự phụ thuộc vào hai trong số các loại tiền tệ dự trữ toàn cầu chính của thế giới là đồng USD và Eur trong thời gian dài.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có tác động đáng kể khi thương mại toàn cầu bằng đồng USD cho phép đóng băng các giao dịch, khiến giá trị đồng Ruble giảm mạnh và làm dấy lên lo ngại về nghĩa vụ nợ của Nga.
Các quốc gia trên thế giới đang thử nghiệm tiền kỹ thuật số và Nga cũng không ngoại lệ. CBR lần đầu thể hiện sự quan tâm đến tiền kỹ thuật số vào năm 2017 song không có kế hoạch phát triển đáng kể nào. Nhưng năm 2022, CBR bất ngờ công bố kế hoạch ra mắt đồng Ruble kỹ thuật số vào năm 2024.
Kế hoạch phát triển tiền kỹ thuật số có từ trước xung đột Nga-Ukraine, nhưng chỉ thực sự nhận được động lực đẩy nhanh hơn do các lệnh trừng phạt và hạn chế của phương Tây. Tình trạng khẩn cấp phải phát triển một đồng tiền kỹ thuật số ngày càng tăng do nhu cầu về một công cụ đáng tin cậy cho ngoại thương, sau cuộc xung đột với Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó.
Thống đốc CBR Elvira Nabiullina đề xuất nghiên cứu đồng Ruble kỹ thuật số để thanh toán lương hưu và các cuộc thảo luận về thí điểm tiền số đã nhanh chóng được nối lại vào tháng 3/2023. Do đó, trong khi ban đầu Nga chỉ dự định sử dụng đồng Ruble kỹ thuật cho các khoản thanh toán và chuyển khoản nội địa, cuộc xung đột Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt hà khắc đã thúc đẩy các ứng dụng xuyên biên giới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào SWIFT do phương Tây kiểm soát.
Chính phủ Nga đặt mục tiêu khuyến khích áp dụng đồng Ruble kỹ thuật số, trong khi CBR coi đây là sự thay thế cho tiền điện tử, thúc đẩy các khoản đầu tư và thanh toán trong nước an toàn hơn. Trong khi đó, CBR chưa có động thái rõ ràng nào về tiền điện tử tư nhân.
Với việc triển khai rộng rãi hơn đồng Ruble kỹ thuật số, công dân Nga sẽ có sự thuận tiện trong việc xử lý thanh toán và chuyển tiền ngay lập tức thông qua ví kỹ thuật số. Việc sử dụng tiền số sẽ vẫn là tùy chọn và chính phủ hy vọng mức độ phổ biến của nó sẽ tăng dần lên vào năm 2027.
Trong khi đó, mục đích của các thành viên BRICS trong việc phát triển tiền số phản ánh sự hội tụ lợi thế và tác động có thể có của tiền tệ số đối với bối cảnh tài chính và thương mại quốc tế. Khi Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi phát triển đồng tiền số tương ứng, khả năng tương tác ở cấp độ BRICS là khả thi.
Các loại tiền kỹ thuật số có thể thúc đẩy thương mại quốc tế và tạo ra một phạm vi ảnh hưởng thay thế bên ngoài hệ thống tài chính do phương Tây thống trị tập trung vào đồng USD.
Ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của các quốc gia BRICS khiến khái niệm về một đồng tiền chung trở nên khá hấp dẫn. Bất chấp vai trò chưa chắc chắn của tiền kỹ thuật số trong kịch bản này, tiềm năng về mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa các thành viên BRICS và sự phụ thuộc vào Nga đối với hàng hóa khiến sự phát triển của đồng tiền này đáng được chú ý.
Xu hướng ngày càng mở rộng này hướng tới một tương lai - nơi các quốc gia thách thức hiện trạng do đồng USD thống trị và thay đổi đáng kể bối cảnh tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày càng tăng của Nhân dân tệ kỹ thuật số hoặc sự hồi sinh của đồng USD đều có thể phá hỏng kế hoạch của Nga.