![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Đức cần dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa. |
Thị trường Đức được cộng đồng quốc tế đánh giá lớn mạnh và ổn định nhất thế giới, đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế châu Âu. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng đầu châu lục và thứ tư toàn cầu, Đức được biết đến không chỉ là một cường quốc công nghiệp mà còn là trung tâm thương mại và dịch vụ quốc tế.
Tận dụng thế mạnh 2 thị trường
Hiện nay, Đức là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU sau Hà Lan. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt được chủ yếu nhờ nhóm hàng nông thuỷ sản và nhóm hàng điện tử. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là chính sách thuế nhập khẩu mới vào Mỹ, việc mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu vào Đức sẽ mở ra thế chủ động cho các DN Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Đức và Việt Nam đã là hai Đối tác Chiến lược tin cậy, càng cần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt cùng có lợi, nhất là về kinh tế và thương mại. Trong đó nông nghiệp, thủy sản và môi trường là những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Xét về cơ cấu kinh tế và thương mại hai nước, Đại sứ Vũ Quang Minh cho rằng, Việt Nam và Đức có tính bổ trợ rất cao. Đây chính là một lợi thế để hai bên tăng cường phối hợp chính sách, thúc đẩy hơn nữa thương mại hai chiều, tận dụng thế mạnh thị trường mỗi nước, sẵn sàng tăng thị phần cho nhau để đối phó với mọi tình huống khó khăn và thách thức.
“Đối với cơ cấu xuất nhập khẩu, có thể thấy Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thị trường tiêu dùng quy mô và tiêu chuẩn cao, hiển nhiên có thể là một thị trường chiến lược thay thế số 1 của Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng mang lại nhiều ưu đãi thuế quan cho cả hai nước”, ông Minh nói.
Đánh giá Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với tiềm năng hết sức to lớn, cả về sản lượng và hiệu quả cũng như xuất khẩu và giá trị gia tăng, Tiến sỹ Per Brodersen, Giám đốc Liên minh nông nghiệp Đức nhận thấy việc hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển giữa hai nước.
“Các Hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và Đức cần chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như các quy định, kinh nghiệm trong xuất nhập khẩu hàng rau quả, nông sản, thủy sản, sản phẩm thịt vào chuỗi siêu thị của Đức. Cơ quan chức năng hai nước cần tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm hai bên ưu tiên, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, Tiến sĩ Per Brodersen tin tưởng.
Tăng xúc tiến, quảng bá thương mại hai chiều
Để tạo thuận lợi cho hợp tác xuất khẩu giữa Đức và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đề xuất, các Hiệp hội của Đức định kỳ hằng năm tổ chức hoạt động kết nối các doanh nghiệp Việt Nam để xúc tiến và quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của Đức.
Ở chiều ngược lại, Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam thông qua các hội chợ, triển lãm thương mại, khảo sát thị trường, nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của Đức.
“Các Hiệp hội ngành hàng nông sản của Đức và Việt Nam thiết lập kênh liên kết theo chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định theo chuỗi giá trị sản phẩm. Điều này vừa giúp giảm chi phí logistics, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp hai nước cần liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến đáp ứng quy định, phù hợp thị hiếu thị trường để xuất khẩu vào kênh phân phối, siêu thị và cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều tại Đức”, ông Nam mong muốn.
Lưu ý đối với một số sản phẩm xuất khẩu vào Đức, bà Đặng Thị Thanh Phương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức cho biết, sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới của EU, nhất là các sản phẩm đồ gỗ, dệt may, giày dép liên quan đến an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất, quy định về gắn nhãn CE và đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
“Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, hải quan Đức sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh. Khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của Bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA”, bà Phương lưu ý.