xuân

Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc 'mở khóa' hợp tác bứt phá về công nghệ

Tại Hội nghị Đổi mới sáng tạo và công nghệ châu Á-Thái Bình Dương (APIT), đại diện các doanh nghiệp cho rằng Việt Nam-Trung Quốc có thể cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn nữa về công nghệ, đồng thời khẳng định Việt Nam có nhiều dư địa để tham gia hợp tác quốc tế.

Lễ ký kết hợp tác giữa hai đại diện Việt Nam và Trung Quốc. (Ảnh: Hải Phương)
Lễ ký kết hợp tác giữa hai đại diện Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Hải Phương)

Hội nghị APIT 2025 diễn ra chiều 18/4 tại Hà Nội, quy tụ hơn 200 lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp tham gia trao đổi, giao lưu, thảo luận, nhằm thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp với chính phủ trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các startup, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo cơ hội kết nối, học hỏi, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ-những người dẫn dắt tương lai công nghệ của khu vực.

Tại Hội nghị, phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam đã có dịp trò chuyện với đại diện doanh nghiệp hai bên về tiềm năng hợp tác công nghệ Việt Nam-Trung Quốc.

Ông Wayne Gu, Phó Giám đốc công ty viễn thông China Telecom Việt Nam trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Hải Phương)
Ông Wayne Gu, Phó Giám đốc Công ty viễn thông China Telecom Việt Nam trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Hải Phương)

Tương lai hợp tác tươi sáng

Ông Wayne Gu, Phó giám đốc China Telecom Việt Nam cho biết, công ty đang hợp tác với nhiều nhà mạng lớn tại Việt Nam như Viettel, CMC, FPT và tích cực kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo ông, đây là thời điểm thuận lợi để các công ty Trung Quốc mở rộng ra thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam. China Telecom không chỉ hợp tác lâu dài với các nhà mạng trong nước mà còn hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp công nghệ hiện đại.

Hiện công ty đang triển khai nhiều nền tảng công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống kỹ thuật số quy mô lớn đã được ứng dụng tại Trung Quốc, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và vận hành hiệu quả tại Việt Nam.

Hội nghị APIT 2025: Tương lai hợp tác công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc vô cùng tươi sáng
Viettel Solutions và China Telecom Global ký Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp, dịch vụ 5G dành cho doanh nghiệp 5G2B tại Việt Nam đầu tháng 3/2025. (Ảnh: Viettel Family)

Với các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Việt Nam, China Telecom cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin và số hóa nhằm tăng hiệu suất sản xuất, giảm chi phí vận hành. Mục tiêu của công ty là mang đến dịch vụ chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp thành công tại thị trường quốc tế.

Đánh giá cao tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như 5G, AI và năng lượng mới, ông Wayne Gu bày tỏ ấn tượng với tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây. Ông khẳng định, “hợp tác” chính là từ khóa của Hội nghị APIT năm nay và tin tưởng hai nước có thể cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn nhờ sự bổ trợ về thị trường, công nghệ và kinh nghiệm.

China Telecom, hay Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc, là doanh nghiệp nhà nước chuyên về viễn thông của Trung Quốc. Đây là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất và dịch vụ điện thoại di động lớn thứ 3 ở Trung Quốc. Hiện China Telecom đã có 3 công ty trên sàn chứng khoán.

Thành lập từ năm 2009, China Telecom Việt Nam chịu trách nhiệm vận hành tại thị trường Việt Nam và Campuchia. Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ viễn thông đa dạng như mạng thuê kênh, dịch vụ tích hợp hệ thống và các dịch vụ giá trị gia tăng, góp phần kết nối các nhà mạng và doanh nghiệp địa phương.

Tích lũy nguồn "vốn xã hội" quý giá

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc điều hành công ty công nghệ NTQ Solutions Việt Nam trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Hải Phương)
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ NTQ Solution Việt Nam trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Hải Phương)

Chia sẻ tại Hội nghị APIT 2025, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ NTQ Solution Việt Nam, nhấn mạnh vai trò thiết thực của các diễn đàn hợp tác quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Với gần 15 năm sống và làm việc tại nước ngoài, ông Sơn cho rằng các sự kiện như APIT là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thông tin thực tiễn, từ công nghệ, mô hình kinh doanh cho đến khung pháp lý, giúp mở rộng tầm nhìn và định hướng phát triển khi vươn ra thị trường quốc tế.

Theo ông, ngoài vốn tài chính, “vốn xã hội” – bao gồm quan hệ với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, học viện, trường đại học – là nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội hợp tác. Hội nghị APIT chính là nền tảng để tích lũy loại vốn quý giá này.

Phiên Tọa đàm ‘Từ sáng tạo đến thực thi - Hành trình bứt phá của châu Á-Thái Bình Dương’ thảo luận về các vấn đề trong hợp tác công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Hải Phương)
Phiên Tọa đàm "Từ sáng tạo đến thực thi - Hành trình bứt phá của châu Á-Thái Bình Dương" thảo luận về các vấn đề trong hợp tác công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Hải Phương)

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Phạm Thái Sơn cho biết các doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra thị trường quốc tế thường gặp không ít thách thức về pháp lý, thiếu thông tin, chưa xác định rõ lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa định vị được sản phẩm, dịch vụ của mình trên bản đồ ngành toàn cầu.

Vì vậy, thay vì cạnh tranh trực diện, các công ty cần tìm ra thị trường ngách phù hợp cho mình để phát huy lợi thế để mang về nguồn doanh thu.

Ngoài ra, thiếu hụt nhân sự chất lượng, đặc biệt là nhân lực am hiểu thị trường sở tại, cũng là điểm yếu cần khắc phục.

Theo ông, để tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu, trước hết, các công ty cần trang bị kiến thức pháp lý và hiểu rõ hành lang kinh doanh của từng quốc gia để tránh việc thực hiện không đúng với pháp luật tại nước sở tại.

Tiếp đó, các công ty cần định vị lại sản phẩm, củng cố đội ngũ nhân sự phù hợp với định hướng quốc tế, tránh lãng phí nguồn tài nguyên.

Cuối cùng là yếu tố vốn - cả về tài chính lẫn khách hàng tiềm năng. Nếu doanh nghiệp hiểu rõ mình ở đâu trên bản đồ ngành nghề quốc tế, thì sẽ tránh được mông lung về định vị công ty, tiết kiệm thời gian và nguồn lực khi vươn ra thế giới.

NTQ Solution là công ty công nghệ Việt Nam định hướng phát triển 3 lĩnh vực dịch vụ chính: Dịch vụ phát triển phần mềm, phát triển sản phẩm và phát triển doanh nghiệp. Hiện công ty có gần 1.000 dự án được triển khai kể từ khi thành lập, trở thành đối tác tin cậy và lâu dài cùng nhiều khách hàng, đối tác lớn trong và ngoài nước.

Đến nay, NTQ Solution đã phát triển lên quy mô 1.500 nhân sự với trụ sở chính tại Hà Nội (Việt Nam), 6 văn phòng đại diện trên toàn cầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), châu Âu và Mỹ. NTQ đã và đang là đối tác tin cậy của hơn 350 doanh nghiệp lớn từ hơn 20 quốc gia trên thế giới, thực hiện thành công trên 760 dự án.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })